Trong 9 năm hoạt động, GreenViet đã tổ chức 276 hành trình cho 3.100 người tham gia.

 
Hằng Nguyễn Thứ Bảy | 26/08/2023 07:30

Thăm voọc chà vá chân nâu

Thế giới có rất ít khu bảo tồn nguyên vẹn nằm cạnh thành phố lớn như Sơn Trà - ngôi nhà của hơn 1.300 cá thể voọc chà vá chân nâu...

5H45 sáng, mặt trời mùa hè một buổi sớm tháng 7 bao phủ khắp sườn núi phía đông bán đảo Sơn Trà bằng những tia nắng vàng ấm áp. Ngồi ở ghế trước của chiếc xe 7 chỗ, Võ Hồ Quế Anh cười chào anh kiểm lâm gác chốt chặn dưới chân núi, đưa 6 vị khách ngồi sau xe đi vào địa phận được bảo vệ của loài linh trưởng sặc sỡ nhất thế giới, loài voọc ngũ sắc, còn gọi là chà vá chân nâu.

“Hôm nay em rất tự tin”, Quế Anh hào hứng nói với đoàn khách vừa xuống xe để đi bộ men theo con đường lên dốc ở giữa quãng đường 30 km từ chân núi lên đến đỉnh. Đoàn khách cô dẫn sáng hôm trước đã gặp được 2 gia đình voọc, tổng cộng 7 con, vắt vẻo trên một cái cây cách đó không xa. Cô hy vọng chúng vẫn ở quanh đó. 

Thông thường, chuyến thăm voọc kéo dài trong 3 tiếng có 3 điểm dừng chân, trong đó có 2 quãng đường đi bộ để tìm voọc. Tuy nhiên, con đường mòn ngắm voọc chủ yếu đã chịu thiệt hại nghiêm trọng sau những trận mưa lớn từ năm ngoái, đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Vì vậy, chuyến đi lần này Quế Anh chỉ có thể dẫn khách tìm voọc trên con đường lớn vắt ngang eo núi lên đỉnh Bàn Cờ.

Chỉ có 2 chuyến thăm voọc trong ngày, từ 5H30 sáng và từ 2H chiều. “Voọc kiếm ăn khi trời mát và chúng cũng ngủ trưa giống con người”, Quế Anh giải thích. Khi trời sáng, những chú voọc ngũ sắc chuyền cành đi tìm thức ăn, những ngọn lá non hoặc quả xanh. Với cú nhảy xa đến 6 m, đôi khi chúng di chuyển hàng chục km mỗi ngày để kiếm ăn. Mỗi ngày, việc di chuyển để tìm kiếm thức ăn và chơi đùa chiếm gần 1/3 thời gian của chúng. Hoạt động trong ngày của các gia đình voọc thường bao gồm nghỉ ngơi, ăn, di chuyển và quan hệ xã hội.

Con đường lên núi vòng qua bên phải, hé lộ trước mắt một cây cao chừng 5 m mọc bên sườn núi hướng biển. Quế Anh lộ vẻ thất vọng. Gia đình voọc cô thấy hôm trước đã không trở lại đây hôm nay. Đoàn sáng nay có 3 cô bé nhỏ, vẫn còn ngái ngủ khi được cha mẹ bế xuống xe để đi tìm voọc. “Cũng có vài lần em dẫn khách đi mà không gặp được voọc”, Quế Anh lo lắng, khi điểm cuối của hành trình đi bộ đã ở trong tầm mắt. Đoàn đã gặp cây ngô đồng nở tán hoa màu cam đỏ bên sườn núi, đã thấy sóc đuôi đỏ, sờ vào món trái cây ưa thích của voọc là trái sung dại, nhưng các chú voọc vẫn còn ẩn mình ở tận đâu.

 

Trước đây, thăm voọc là một phần của chương trình trải nghiệm thiên nhiên “Tôi yêu Sơn Trà”  không thu phí nhằm tạo cơ hội cho học sinh và người dân Đà Nẵng hiểu về thiên nhiên quê hương mình. Tiếng lành đồn xa, du khách trong và ngoài Đà Nẵng, đặc biệt là khách nước ngoài, cũng có nhu cầu trải nghiệm nên từ năm 2018, GreenViet đã tổ chức thêm hoạt động trải nghiệm có thu phí. Nguồn kinh phí thu về được tiếp tục sử dụng để hỗ trợ cho các em học sinh yếu thế, sinh viên, giáo viên. Trong 9 năm hoạt động, GreenViet đã tổ chức 276 hành trình cho 3.100 người tham gia.

Một chiếc đuôi trắng thõng xuống từ tán cây cách vệ đường khoảng 10 m. Cuối cùng, đoàn của Quế Anh đã bắt gặp một chú voọc trưởng thành đang ăn lá tại điểm cuối của chặng đường đi bộ. Khác với nhiều loài khỉ, đuôi voọc chà vá chân nâu không thể cuộn tròn mà thường xuyên buông thõng xuống. Khi gặp nguy hiểm, chúng thường ẩn núp, kéo lá che mình. Tuy nhiên, vì không thể giấu chiếc đuôi trắng dài nên chúng còn có biệt danh là “giấu đầu hở đuôi”. Mỗi ngày ăn trung bình gần 1,8 kg lá cây, chú voọc trưởng thành mang một chiếc bụng to tròn như bụng bia.

Mối đe dọa của loài vật được Sách đỏ Việt Nam bảo vệ ở Sơn Trà là môi trường sống đang ngày càng thu hẹp lại. Cách đây vài năm, mối nguy này lớn hơn bao giờ hết khi một bản quy hoạch 1.600 phòng được Phó Thủ tướng phê duyệt. “May mắn bối cảnh khi đó phù hợp, chúng tôi đã thành công khuyến nghị dừng việc xây dựng theo quy hoạch”, bà Nguyễn Thị Tịnh, Quản lý Trung tâm Giáo dục Trải nghiệm Thiên nhiên Nature Dance của GreenViet, nhớ lại.

Vào năm 2017, bản quy hoạch Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà với 16 dự án đã được công bố. Trên thế giới, có rất ít khu bảo tồn nguyên vẹn nằm bên cạnh một thành phố lớn như Sơn Trà. Bằng tính toán định lượng, cộng đồng khoa học đã chứng minh lợi ích kinh tế của việc giữ nguyên Sơn Trà cũng tương đương với lợi ích xây dựng phòng nghỉ. Chưa tính đến lợi ích về mặt sinh thái khi khu bảo tồn được giữ nguyên trạng.

Cộng đồng khoa học, những người yêu thiên nhiên và ngay cả Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đều thấy những bất hợp lý của bản quy hoạch và GreenViet đã là cầu nối giúp các bên liên quan, bao gồm chính quyền, có góc nhìn đúng đắn. Nhiều hội thảo, cả trong nước và quốc tế, đã được tổ chức. Một chiến dịch chữ ký online được triển khai. Và thành quả là bản kiến nghị giữ nguyên trạng Sơn Trà, phát triển du lịch sinh thái bền vững đã được chấp thuận. 

Chỉ sinh sống tại khu vực Đông Dương, voọc chà vá chân nâu được xếp hạng nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN. Nghiên cứu năm 2017 của GreenViet tiết lộ Sơn Trà là ngôi nhà sinh sống của hơn 1.300 cá thể voọc chà vá chân nâu, cũng là quần thể dễ dàng quan sát nhất ở ngoài tự nhiên. “Ở ngoài tự nhiên, loài voọc chà vá chân nâu được dự đoán sẽ bị suy giảm quần thể hơn 50% trong vòng 35 năm đến trong vòng 3 vòng đời sinh sản bởi sự suy giảm về diện tích sinh sống và nạn săn bắt, buôn bán bất hợp pháp”, ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc GreenViet, phân tích.

 

Khoác lên mình tấm áo có 7 màu sắc khác nhau, voọc chà vá chân nâu được gọi bằng nhiều tên gọi như khỉ bảy màu, khỉ chú lính, giáo hoàng, giấu đầu hở đuôi... Các nghiên cứu và khảo sát đã xác định loài voọc chà vá chân nâu chỉ phân bố dọc theo dãy Trường Sơn trong các vùng rừng giáp ranh giữa phía Nam của Lào và miền Trung Việt Nam, một phần ở Đông Bắc Campuchia. Việc phá rừng, xâm lấn đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và làm đường giao thông đã khiến các quần thể của loài bị phân tán và chia cắt mạnh.

Thường sống theo từng gia đình riêng lẻ với một con đực trưởng thành, 2-3 con cái là vợ và những đứa con. Kiểu độc hành như chú voọc Quế Anh thấy hôm nay khá ít gặp. Đó có thể là con đực vừa trưởng thành mới tách đàn để đi lập một gia đình mới. Thi thoảng nhiều gia đình nhỏ tập trung lại thành gia đình lớn đến 50 con.

Là loài rất hiền lành, voọc ít khi đánh nhau. “Có lần, tụi em chứng kiến toàn bộ quá trình giành vợ của voọc”, Quế Anh kể lại khoảnh khắc hài hước hiếm thấy khi cô chứng kiến một chú voọc mới lớn xông vào nhà một chú voọc khác để kéo cô vợ của chú voọc đó đi. “Em thật may khi được nhận vào GreenViet dù không đúng chuyên môn”, cô cử nhân Anh ngữ kể về việc quá yêu thích thiên nhiên mà ứng cử vào tổ chức bảo tồn một năm trước đó.