Nữ ca sĩ Taylor Swift. Ảnh: CNN
Taylor Swift: Nữ hoàng tư bản trong âm nhạc
The Eras Tour của nữ ca sĩ Taylor Swift, vừa kết thúc tại Vancouver, đã trở thành hiện tượng lớn của ngành âm nhạc trực tiếp trong gần hai năm qua. Kể từ khi khởi động vào tháng 3/2023, tour diễn này đã bán hơn 10 triệu vé cho 149 buổi biểu diễn trên năm châu lục. Cuối năm 2023, Eras trở thành tour diễn đầu tiên đạt doanh thu hơn 1 tỉ USD, với kỳ vọng con số cuối cùng sẽ lên đến 2 tỉ USD.
Tuy nhiên, liệu Taylor Swift có xứng với danh hiệu “nữ hoàng tư bản” mà tờ Spectator của Anh trao tặng? Trước khi tour diễn bắt đầu, cô từng bị chỉ trích bởi giá vé cao ngất ngưởng. Tại Mỹ, vé dao động từ 49 USD đến hơn 899 USD, trong khi trên thị trường thứ cấp, giá vé trung bình lên tới 839 USD, vượt xa giá gốc của những chỗ ngồi có tầm nhìn đẹp.
Những câu chuyện thú vị xoay quanh giá vé cũng xuất hiện. Một người hâm mộ ở Rio mua được 4 vé với giá chưa đến 4 USD mỗi vé. Ngược lại, tại Indianapolis, một người chi tới 10.400 USD cho một chỗ ngồi ở khu vực sát sân khấu. Indianapolis không chỉ giữ kỷ lục giá vé cao nhất mà còn có giá vé trung bình cao nhất trong tất cả các điểm dừng của tour, với mức 1.371 USD.
Dữ liệu cho thấy, nữ ca sĩ có thể tối đa hóa doanh thu bằng cách thêm buổi diễn ở Mỹ và Canada, nơi có nhu cầu cao nhất. Nhưng thay vì vậy, cô tổ chức 17 buổi diễn tại châu Âu trước khi quay lại Bắc Mỹ. Giá vé thị trường thứ cấp tại châu Âu trung bình chỉ 385 USD, bằng một nửa so với Mỹ và Canada. Điều này không chỉ do nhu cầu thấp hơn, mà còn bởi trần giá vé tại một số địa điểm và mức thu nhập thấp hơn khiến khán giả châu Âu khó chi tiêu như người Mỹ.
Chênh lệch giá vé đã tạo cơ hội kinh tế cho người hâm mộ Mỹ. Chi phí tham dự một buổi diễn ở Paris, bao gồm cả vé máy bay và chỗ ở, vẫn rẻ hơn 250 USD so với một buổi diễn tại New York. Ước tính, 20% khán giả tại Paris là người Mỹ, mang lại từ 50-100 triệu USD doanh thu kinh tế cho các thành phố tổ chức.
Điều làm nên thành công đáng kinh ngạc của Taylor Swift là dù đã lưu diễn gần hai năm, nhu cầu tham dự các buổi diễn của cô không hề giảm. Giá vé bán lại cho buổi diễn cuối ở Indianapolis cao hơn 1.273 USD so với buổi đầu ở Glendale. Để so sánh, giá vé bán lại của Beyoncé giảm từ 182 USD cho buổi đầu xuống 109 USD cho buổi cuối, còn tour chia tay của Elton John, dài thứ ba thế giới, chỉ có giá trung bình 187 USD cho buổi cuối, bằng 1/7 so với vé của Swift.
Liệu Swift có phải là nhà tư bản khôn ngoan? Ước tính cô bỏ túi gần 10 triệu USD từ mỗi buổi diễn. Tuy nhiên, nếu có thể bán vé ở giá thị trường thứ cấp, cô có thể kiếm thêm 50 triệu USD mỗi buổi diễn, nâng doanh thu lên gấp 4-5 lần. Nhưng chiến lược của Swift không chỉ nhằm vào lợi nhuận ngắn hạn. Cô tối ưu hóa tour diễn để tạo sự chú ý từ truyền thông và xây dựng danh tiếng lâu dài.
Như tỉ phú Warren Buffett từng nói: “Phải mất 20 năm để xây dựng danh tiếng và chỉ 5 phút để đánh mất nó”. Taylor Swift hiểu rằng việc tăng giá vé hay cắt giảm điểm dừng ở châu Âu và Nam Mỹ có thể mang lại lợi nhuận trước mắt nhưng gây tổn hại đến hình ảnh. Và hơn ai hết, cô nhận thức rõ rằng việc xóa bỏ một “danh tiếng xấu” khó khăn đến mức nào.
Có thể bạn quan tâm:
Các thành phố châu Á “mạnh tay” với phí ùn tắc giao thông
Nguồn The Economist