Tắm rừng trong 2 giờ sẽ giúp bạn thoát khỏi công nghệ và sống chậm lại. Ảnh: thegioicombo.vn
Tắm rừng: Liệu pháp chữa lành
Đang rảo bước, Antoine Joly bỗng thấy mình dừng lại. Đoàn lữ hành hơn 20 người lao xao suốt từ đầu con đường mòn uốn lượn trong rừng đến đây bỗng im lặng hoàn toàn. Người hướng dẫn vừa nói họ hãy dành vài phút để lắng nghe âm thanh của khu rừng. Như những người khác, Antoine tìm một chỗ bên vệ đường, nhắm mắt và chờ đợi hàng loạt những sóng âm khác nhau va đập vào màng nhĩ của cậu giữa khu rừng Mã Đà xanh mướt rậm rạp bóng cây.
Antoine đang tham gia một chuyến đi dạo trong rừng, hay “tắm rừng”, như cách người hướng dẫn gọi. “Để chúng tôi hiểu về những thứ đến từ khu rừng và chúng tôi có thể làm gì với chúng”, Antoine giải thích về động lực có mặt tại khu rừng của cậu và 3 đồng nghiệp khác tại văn phòng thu mua đồ gỗ của một công ty Pháp ở TP.HCM.
Quãng đường 3 km xuyên qua khu rừng, bằng cả đường bê tông và đường đất, rợp bóng cây. Đang ở Sài Gòn nắng rát mặt với nhiệt độ mỗi buổi trưa lên đến 370C, Antoine không đổ nhiều mồ hôi trong suốt 2 tiếng đi bộ trên con đường thấp thoáng bóng rêu xanh, thi thoảng điểm thêm vài giọt nắng. “Tôi có thể cảm nhận được độ ẩm bên trong khu rừng”, Antoine nhận xét. “Một môi trường hoàn toàn khác”, cậu so sánh khu rừng nhiệt đới nơi cậu đang đi với khu rừng tại quê nhà nước Pháp của mình.
Antoine đặc biệt chú ý đến cây đa bóp cổ lừng lững như một ngôi nhà 5 tầng bên đường. Cây có một gốc rất đặc biệt, hình tam giác với 3 điểm tiếp đất khác nhau, rồi nhập lại làm một ở cách mặt đất khoảng 5 m. Đó là một cây do 3 cây đa khác nhau tạo thành, loại cây chuyên ký sinh trên thân cây khác và khi lớn mạnh thì bóp chết luôn cây chủ.
Tuy nhiên, không có nhiều cây rừng trên đường đi có gốc to như thế. Khu rừng Mã Đà, thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, nơi Antoine đang tản bộ từng là khu căn cứ cách mạng nổi tiếng “Chiến khu Đ”. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là nơi đầu tiên thành lập Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Có lẽ diện tích gần 70.000 ha rừng rộng lớn, với tầng tầng lớp lớp cây thường xanh được kỳ vọng sẽ che giấu được tai mắt của quân địch.
Rừng rậm đến nỗi nếu một con thú hoang nhỏ ở cách họ vài mét, họ cũng không thể nhận biết được. Chen chúc để cạnh tranh từng giọt nắng lọt qua tầng lá dày, những cây Antoine gặp ở bên đường trông thật nhỏ bé so với những “đồng liêu” của chúng mà cậu thấy tại công viên trong thành phố.
Thi thoảng, người hướng dẫn đưa cho họ một thứ gì đó để nếm. Có thể là chiếc lá vị chát của cây trung quân, cái cây có nhiều giai thoại khác nhau mà chung quy lại là khi bị đốt thì chúng sẽ không bị cháy lan qua cây khác. Có khi là trái bứa, một loại quả màu vàng bằng trái banh tennis, có vị và múi giống trái măng cụt, nhưng chua hơn. “Có nhiều loại cây và nhiều trái cây trong khu rừng. Khu rừng này thật khác xa so với rừng ở quê tôi”, chàng trai 29 tuổi vừa tròn 9 tháng sinh sống tại Việt Nam cảm thán.
“Chúng tôi còn chuẩn bị sẵn bikini”, một trong những người cùng tham gia chuyến tắm rừng nói đùa. Thực vậy, không cởi bỏ quần áo, họ thậm chí còn phải che chắn hết cơ thể. Đang ở giữa mùa mưa, vắt có thể hỏi thăm những đôi chân trần của họ và muỗi thì để lại những nốt ngứa trên cơ thể thân nhiệt nóng. “Thứ các bạn cần là thả lỏng cơ thể, vận dụng cả 5 giác quan để cảm nhận về khu rừng”, hướng dẫn viên của họ, Giám đốc Trung tâm trải nghiệm Thiên nhiên Gaia Huyền Đỗ, dẫn dắt.
“Tôi có thể nghe thấy tiếng côn trùng kêu”, Antoine hồi tưởng lại khoảng lặng kéo dài vài phút, khi tiếng râm ran của lũ ve mùa hè vang khắp không gian tĩnh mịch, tiếng máy bay vụt qua bầu trời, rồi tiếng lá xào xạc mỗi lúc gió thổi qua.
Vào năm 1983, khái niệm shinrin-yoku, nghĩa là “tắm rừng” lần đầu được giới thiệu ở Nhật qua một chương trình sức khỏe quốc gia. Vào khoảng thời gian này, người dân di cư từ nông thôn đến các thành phố đông đúc để làm việc. Nền kinh tế bùng nổ nhưng sức khỏe người dân bắt đầu giảm sút. Chính phủ Nhật bắt đầu nghiên cứu tác động của việc dành thời gian ở trong rừng đối với sức khỏe. Họ đã xem xét các dấu hiệu sinh lý như huyết áp, nhịp tim, nồng độ hormone gây căng thẳng, phản ứng của hệ miễn dịch và cảm giác hạnh phúc nói chung. Kết quả hứa hẹn đến mức hàng loạt con đường mòn tự nhiên trên khắp nước đã được chỉ định làm cơ sở trị liệu trong rừng.
Tắm rừng không phải là tập thể dục, đi bộ đường dài hay chạy bộ. Việc này chỉ đơn giản là tồn tại trong tự nhiên, kết nối với nó thông qua các giác quan của chúng ta về thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác. “Shinrin-yoku giống như một cây cầu. Bằng cách mở rộng các giác quan, nó thu hẹp khoảng cách giữa chúng ta và thế giới tự nhiên”, Tiến sĩ Qing Li từ Trường Y Nippon, tác giả một cuốn sách về tắm rừng, tâm sự.
Một tin tốt là ngay cả khoảng thời gian ít ỏi trong tự nhiên cũng có lợi cho sức khỏe. “Tắm rừng trong 2 giờ sẽ giúp bạn thoát khỏi công nghệ và sống chậm lại”, Tiến sĩ Qing Li tiết lộ khám phá từ những nghiên cứu bền bỉ của ông trong nhiều năm. Ông nhấn mạnh chúng ta có thể tắm rừng ở bất cứ đâu trên thế giới: “Bạn thậm chí không cần một khu rừng. Hãy tìm một nơi có cây cối và cứ thế mà đi!”.
Tuy vậy, những lợi ích của tắm rừng đôi khi được thổi phồng để phục vụ cho việc bán các tour du lịch. “Việc chữa lành hay xóa bỏ stress không phải là chuyện có thể làm chỉ trong vài giờ, vài ngày”, người sáng lập một chương trình tắm rừng trong 4 giờ ở Măng Đen bình luận.
Tất cả những phương pháp giải tỏa stress như tắm rừng, yoga, thư giãn... mục đích chính là để bạn có thể dành thời gian cho bản thân nghỉ ngơi, chiêm nghiệm về những trải nghiệm trong cuộc sống, từ đó lấy lại năng lượng cho cơ thể mà thôi. “Việc tự tạo cân bằng cho bản thân mới là liều thuốc tốt nhất”, Tiến sĩ - Bác sĩ Ngô Tích Linh của AloBacsi tư vấn.
Có thể bạn quan tâm