Tấm hộ chiếu kém quyền
Tháng 4, mùa hoa anh đào nở rộ cũng là lúc du khách tấp nập đổ xô về xứ phù tang Nhật để ngắm những cánh hoa mỏng manh màu hồng phớt. Thế nhưng, đó cũng là thời điểm mà một công ty làm dịch vụ xin visa khuyên: “Nếu em tự đi, hãy tránh mùa hoa này!”. Sau một thời gian mở cửa, giờ đây chính sách cấp visa của đất nước hoa anh đào đang siết lại hơn bao giờ hết, trong đó có cả du khách Việt Nam.
Trong số 199 quốc gia và vùng lãnh thổ được Passport Index thống kê, hộ chiếu Việt Nam xếp hạng thứ 73/91. So với các nước ASEAN, sự tự do dịch chuyển của người Việt chỉ hơn Lào và Myanmar, thua xa người dân của các nước còn lại, thậm chí là Campuchia.
“Việc miễn thị thực nhiều hay ít xuất phát từ chính sách đối ngoại giữa các chính phủ với nhau”, giám đốc của một công ty dịch vụ visa (không muốn nêu tên) giải thích cho việc chỉ có gần 60 quốc gia miễn thị thực, cấp visa điện tử hoặc cấp visa tại điểm đến cho cư dân Việt Nam, trong khi số lượng áp đảo quốc gia và vùng lãnh thổ khác yêu cầu hồ sơ phức tạp cho việc nộp đơn xin visa.
Bên cạnh chính sách đối ngoại, hành động của chính người Việt tại các điểm đến là yếu tố tác động đến tính phức tạp của việc cấp visa. “Giấc mơ Mỹ” là ước muốn của nhiều người và một số trong họ, như người phụ nữ độ tuổi 40 tên Nga đã từng có công việc ổn định tại một công ty có môi trường làm việc tốt tại Việt Nam, chọn cách ở lại bất hợp pháp bằng visa du lịch nhằm tìm kiếm cơ hội đổi đời. Trường hợp như chị Nga không hiếm, lại càng không chỉ giới hạn tại Mỹ mà còn hiện diện ở nhiều nước phát triển khác. Cuối năm 2018, 152 du khách Việt tham gia tour du ngoạn ở Đài Loan rồi trốn lại.
Lý thuyết trò chơi nói rằng nếu trò chơi lặp lại thì hành động chơi xấu sẽ được phòng ngừa trong những lần chơi sau. Đó là lý do hồ sơ và việc chọn lọc để cấp visa đến các nước phát triển ngày càng khắt khe hơn.
Ngay cả trong cộng đồng ASEAN vốn dự định hình thành một thị trường lao động tự do dịch chuyển thì người Việt vẫn bị phân biệt khi qua quốc gia phát triển nhất trong khối là Singapore. Bản thân người viết đã từng gặp khó khăn với hải quan nước này trong một chuyến du lịch tự túc 2 năm trước cho dù đã có nhiều con dấu xuất nhập cảnh đến các nước khác trong hộ chiếu của mình.
“Khi người Việt muốn đến Anh, họ cần số lượng giấy tờ (để xin visa) bằng với số lượng mà tôi dùng trong cả cuộc đời dịch chuyển của mình”, Mark Gilligan, nhà sáng lập và CEO của Blacktrace Holdings đến từ Anh Quốc, minh họa cho việc khó khăn khi đi du lịch của người Việt. Theo Mark, điều đó đã góp phần tạo ra thách thức lớn nhất của người Việt là việc thiếu kiến thức về thế giới bên ngoài (trong khi tường tận về ngóc ngách của Việt Nam).
Cô gái đã từng du lịch đến 40 quốc gia tại 5 châu lục Hồ Thu Hương cũng đồng tình với ý nghĩ “người Việt vẫn gặp khó khăn khi ra nước ngoài”. Là người đồng sáng lập và quản lý cộng đồng Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới, Hương chia sẻ mẹo giúp cô xin được visa đến các nước khó nhập cảnh như Canada và Mỹ là mình đăng ký tham gia các hội thảo, cuộc thi quốc tế hay khóa học có uy tín. “Có thư giới thiệu của tổ chức hoặc công ty của đất nước sở tại sẽ giúp cho đơn xin thị thực của bạn dễ dàng được chấp nhận hơn. Điều quan trọng là bạn phải nắm rõ các yêu cầu khi xin visa để không bỏ sót bất cứ yêu cầu nào”, Hương lưu ý.
“Chi phí du lịch cũng là một gánh nặng đối với người Việt, số tiền tiết kiệm 3 năm bốc hơi chỉ trong 1 tuần du lịch”, Mark nhận xét. Tuy vậy, theo quan sát của Hương, việc đi du lịch tốn nhiều tiền không chỉ nằm trong nhận thức của người Việt mà còn của nhiều người dân đến từ các quốc gia phát triển như Mỹ. Trong lúc đó, người châu Âu xem du lịch là một sở thích thông thường và họ không ngại du lịch bụi, ngủ qua đêm tại các phòng trọ rẻ tiền, có khi với hàng chục du khách không quen biết.
“Vấn đề của người Việt nằm ở chỗ họ ưa chuộng đi du lịch xuyên châu lục và những điểm đến mơ ước của họ là các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ, với chi phí di chuyển đắt đỏ”, Hương nói. Người Việt thích du lịch đầy đủ tiện nghi và thoải mái, vậy nên họ sẵn sàng chi tiền cho các tour du lịch đắt đỏ và vẫn chưa làm quen với những cách du lịch bụi không mất nhiều kinh phí. “Du lịch không nhất thiết mất nhiều tiền nếu bạn biết cách tìm kiếm thông tin và cơ hội”, Hương khẳng định.
Qua gần 4 năm xây dựng và phát triển dự án Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới, Hương đã có cơ hội trò chuyện và hợp tác với rất nhiều bạn trẻ Việt tài năng từng đi qua hoặc sinh sống ở nhiều quốc gia trên thế giới. Họ cầm trên tay cuốn hộ chiếu Việt Nam nhưng vẫn thành công trong việc từng bước khẳng định bản thân mình trên bản đồ thế giới như những “công dân toàn cầu người Việt”. “Tri thức mới là cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới”, Hương nhắn nhủ về cuốn hộ chiếu không màu đánh gục bất cứ định kiến về màu “xanh, đỏ, hay đen” nào.