12,4 triệu USD là số tài sản cần có thể tham gia vào nhóm 1% giàu nhất tại Monaco. Ảnh: Bloomberg.

 
Quỳnh Như Chủ Nhật | 21/05/2023 09:54

Tài sản bao nhiêu để "ghi tên" vào nhóm 1% giàu nhất thế giới?

Tại mỗi quốc gia đều có mức quy định nhất định đối với những người giàu muốn gia nhập vào nhóm 1% giàu nhất ở đất nước đó.

Theo thống kê của hãng tin Bloomberg, nếu muốn gia nhập vào câu lạc bộ 1% giàu nhất tại Monaco, một người sẽ cần sở hữu khối tài sản ở mức tối thiểu là 8 con số. Nghiên cứu mới được công bố nằm trong báo cáo Wealth Report 2023 của Knight Frank, cho biết cần có 12,4 triệu USD mới đủ điều kiện để ghi tên vào nhóm siêu giàu ở quốc gia Địa Trung Hải nhỏ bé.

Điều đặc biệt là tại Monaco, những người giàu có như tỉ phú giàu nhất nước Anh, ông Jim Ratcliffe hay ông Stefano Pessina, người đứng đầu chuỗi cửa hàng thuốc lớn nhất thế giới Walgreens Boots Alliance, thì không phải nộp thuế thu nhập và thuế tài sản.

 

Sau Monaco, Thụy Sĩ và Úc cũng có yêu cầu tài lớn để lọt vào top 1% giàu nhất đất nước với giá trị tài sản ròng lần lượt là 6,6 triệu USD và 5,5 triệu USD.Và tại Mỹ, cần có tối thiểu 5,1 triệu USD để tham gia vào nhóm 1% này.

Nghiên cứu của Knight Frank chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 và chi phí sinh hoạt leo thang đang làm gia tăng khoảng cách chênh lệch giữa các quốc gia giàu và nghèo trên thế giới. Điều kiện để tham gia vào câu lạc bộ 1% giàu nhất Monaco cao gấp hơn 200 lần so với mức 57.000 USD để gia nhập vào nhóm 1% của Philippines. Quốc gia Đông Nam Á này là một trong 25 quốc gia có xếp hạng thấp nhất trong nghiên cứu của Knight Frank.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lạm phát dai dẳng đang là gánh nặng đè lên các hộ gia đình có thu nhập thấp trên toàn thế giới. Trong tình trạng này, để duy trì chất lượng cuộc sống như nhu cầu chi tiêu cho thực phẩm và nhà ở, các gia đình buộc phải trích một phần lớn thu nhập để chi trả. Trong khi đó, theo Bloomberg Billionaires Index, 500 người giàu nhất thế giới thì có thêm gần 600 tỉ USD vào tổng tài sản của họ trong năm nay. Tỉ phú Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook, được ghi nhận “bỏ túi” nhiều tài sản nhất.

“Sự bất bình đẳng ngày càng tăng trên toàn cầu có thể khiến nhóm 1% siêu giàu này thu hút nhiều sự chú ý hơn. Có khả năng cao là họ sẽ rơi vào trong tầm ngắm của các chính sách thuế tài sản và thậm chí là các thuế liên quan đến khí thải”, bà Flora Harley, chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu của Knight Frank, nhận định.

Mặt khác, Knight Frank cũng cho biết số lượng người siêu giàu trên thế giới đã giảm 3,8% vào năm 2022 xuống còn khoảng 580.000 người sau khi bật tăng mạnh vào năm trước. Tuy nhiên, các quốc gia Trung Đông bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Saudi đã chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể về số lượng người giàu trong năm ngoái khi tận dụng thời cơ giá năng lượng tăng mạnh.

Có thể bạn quan tâm:

Giá bất động sản cao cấp toàn cầu lần đầu giảm trong vòng 14 năm

Nguồn Bloomberg