Tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đạt giá kỉ lục ở Hồng Kông
Bức tranh Việt đắt nhất sàn đấu giá thế giới
Trong buổi đấu giá ngày 25/5 tại nhà đấu giá Christie's International tại Hồng Kông, bức tranh có tên “La Marchand de Riz” (The Rice Seller - Người bán gạo) vẽ năm 1932 của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã lập kỉ lục khi được bán với giá 390.000 USD.
Ban đầu bức tranh này được định giá là 75 USD và người ta nhầm lẫn rằng đây là tác phẩm của một họa sĩ vô danh người Trung Quốc. Người ta chỉ nhận ra giá trị của bức vẽ nhờ chữ ký của nghệ sĩ sau bức tranh.
Ông Jean-Francois Hubert, cố vấn của Christie's về nghệ thuật Việt Nam cho biết bức vẽ do người thợ ở Paris tên Gardin đóng khung và từng được trưng bày ở Napoli năm 1934. Sau khi được thẩm định, bức vẽ được định giá khoảng 800.000 USD đến 1 triệu USD Hong Kong.
Bức họa thuộc về một người sưu tầm tranh ở Hồng Kông có tên Pascal de Sarthe. Người này cho hay anh và vợ mình, Sylvie, sẽ treo bức vẽ ở đầu giường ngủ của họ. "Nó là một bức vẽ hiếm. Bạn sẽ không bao giờ tiếc tiền cho một bức vẽ thực sự tuyệt vời", Pascal nói tại triển lãm Art Basel Hong Kong.
"Người bán gạo" và mức giá này đã lập kỷ lục tranh của nghệ sĩ Việt bán đấu giá cao nhất từ trước đến nay. Trước đó, kỉ lục này thuộc về một bức vẽ của họa sĩ Lê Phổ được bán ra với giá 2,9 triệu USD Hồng Kông hồi tháng 4/2012.
Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh sinh ngày 21/7/1892 tại thôn Tiền Bạt, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc thành phố Hà Tĩnh). Ông là một trong những sinh viên khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với họa sĩ Lê Phổ, họa sĩ Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ và nhà điêu khắc Georges Khánh.
Nguyễn Phan Chánh là người đầu tiên mang vinh quang về cho tranh lụa Việt Nam. Năm 1931, Nguyễn Phan Chánh sáng tác tranh lụa "Chơi ô ăn quan" cùng một số họa phẩm khác như "Cô gái rửa rau", "Em bé cho chim ăn" và "Lên đồng". Cũng năm này tại triển lãm Paris, Pháp một số tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh đã được Giám đốc Victor Tardieu mang về Pháp giới thiệu. Lần đầu tiên công chúng Pháp biết tranh lụa Việt Nam qua bút pháp Nguyễn Phan Chánh. Họa báo L'Illustration xuất bản ở Paris số Noel 1932 đã giới thiệu 4 bức tranh này của hoạ sĩ. Một số tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh đã được trưng bày ở Milan (Ý) năm 1934, ở San Francisco (Mỹ) năm 1937, ở Tokyo (Nhật Bản) năm 1940. Sau cuộc triển lãm ở Paris, hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh được coi là người đặt nền tảng cho tranh lụa hiện đại Việt Nam.
Các bức họa nổi tiếng của Nguyễn Phan Chánh thường gắn liền với hình ảnh người dân lao động hoặc các thiếu nữ trẻ, số lượng tranh về thiếu nữ nông thôn cũng chiếm chủ đạo trong các tác phẩm của ông. Nguyễn Phan Chánh chọn vẽ lụa bởi lụa diễn tả được làn da trắng mát và dáng vẻ mềm mại uyển chuyển của người phụ nữ ở tuổi thanh xuân..
Cuộc đời sáng tác của Nguyễn Phan Chánh không thể nhắc đến người vợ mất khi còn trẻ của ông. Thời sống ở quê nhà, Nguyễn Phan Chánh sống bằng nghề vẽ truyền thần. Cuộc sống vất vả là một trong số các lý do khiến vợ Nguyễn Phan Chánh mất khi còn trẻ. Sáu năm sau ngày vợ mất, họa sỹ Nguyễn Phan Chánh vẽ bức tranh lụa "Cô hàng xén" từ những ký ức về người vợ của mình.
Theo nữ nhà văn Nguyệt Tú, con gái lớn của cố họa sĩ, thời dư dả nhất của gia đình bà là khi ông Nguyễn Phan Chính theo đuổi phong cách sáng tác tranh lụa và làm giáo sư giảng dạy môn mỹ thuật tại trường Bảo Hộ (trường Bưởi sau này), lương mỗi tháng là 100 đồng Đông Dương, một món tiền rất lớn thời đó.
Sau đó, ông thất nghiệp chỉ vì không nghe theo ý của một người Pháp, khi người này muốn họa sỹ vẽ lại bức tranh theo ý của ông ta. Trong sáng tạo nghệ thuật, Nguyễn Phan Chánh ghét sự gượng ép mà yêu thích sự tự do, phóng túng và tôn trọng bản sắc dân tộc.
Hiện tranh lụa và nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Phan Chánh là những tác phẩm quý giá của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, và của nhiều bảo tàng và sưu tập tư nhân trong nước và quốc tế: Pháp, Nhật Bản, Singapore và Thuỵ Sỹ. Tranh Nguyễn Phan Chánh hiện chỉ còn trên 50 bức (trong khoảng trên dưới 140 tác phẩm hoàn chỉnh của ông) ở Việt Nam. Chừng 2/3 số tranh của họa sĩ đã phát tán khắp nơi trên thế giới, gia đình và những người quan tâm chỉ biết khá mù mờ về chúng.