Nước hoa, chuyện cái vỏ chai
Người đàn ông này hiện sống tại Manhattan, chuyên bán lọ nước hoa cổ điển cho mọi loại khách, từ trẻ em tới khách "sộp" như các nhà sưu tập triệu phú, theo nhật báo New York Times.
Không chỉ có phụ nữ có thói quen sưu tầm lọ đựng nước hoa, nhiều đàn ông cũng xem lọ đựng nước hoa quý báu như những quả trứng Faberge chế tác từ kim cương và vàng.
Nước hoa là hỗn hợp chất lỏng của tinh dầu thơm, cồn và nước. Thế giới nói chung và các chuyên gia nước hoa nói riêng chia nước hoa thành các nhóm mùi khác nhau như mùi hoa, mùi quả, mùi gỗ, mùi hổ phách, mùi xạ hương hay mùi đất. Nước hoa còn được phân loại theo cách thứ hai - mức độ đậm đặc của tinh dầu trong nước hoa.
Các bằng chứng đầu tiên về nghề làm nước hoa được tìm thấy ở Ai Cập và vùng đồng bằng Lưỡng Hà. Về sau, người Ba Tư và người La Mã phát triển nghề làm nước hoa lên những cung bậc bất ngờ nhất. Thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, các bình bằng đá là biểu tượng của sự tinh tế và giàu sang, thường được dùng làm quà trong các chuyến thăm chính trị hay của thừa kế. Những vật đựng nước hoa còn sót lại đến ngày nay thường nhỏ gọn. Thời bấy giờ, giai cấp thượng lưu thường xuyên vung tiền cho nhóm thợ làm bình trên chất liệu đá cứng, những người vốn không phải là thị dân.
Một bia đá có từ thời Trước Công nguyên tại vùng đồng bằng Lưỡng Hà ghi nhận chai nước hoa đầu tiên trên thế giới là sản phẩm của một nhà hóa học có tên Tapputi. Đến năm 1370, chai nước hoa hiện đại đầu tiên do người Hungary pha chế để dâng tặng Nữ hoàng Elizabeth của đất nước Hungary. Không lâu sau đó, nghề làm nước hoa phổ biến khắp châu Âu. Ngày nay, vùng Grasse (Pháp) vẫn giữ vững ngôi vị "thủ đô" của ngành công nghiệp nước hoa tại lục địa già. Thế kỷ 19 mang đến nhiều thành tựu về hóa học, đây chính là thời gian phát triển nở rộ của công nghiệp chế tác nước hoa.
"Nước hoa là loại nghệ thuật kết tinh, những gì chứa đựng thứ nước hoa đó ắt hẳn phải là một kiệt tác", Robert Ricci, người đứng đầu thương hiệu The House of Nina Ricci (gọi tắt là Nina Ricci) nói.
Từ thời xa xưa, loài người đã dùng dụng cụ đựng để chứa và bảo quản nước hoa. Khi đó, nước hoa cũng quý như chính bình đựng nó. Mỗi thời kỳ khác nhau lại có những chiếc bình đựng nước hoa khác nhau về chất liệu, hình dạng, kích cỡ và đặc trưng văn hóa riêng biệt.
Người Ai Cập cổ thường xuyên dùng đồ đựng nước hoa làm từ gỗ và đất sét; trong khi người Palestine ưa chuộng loại bình bằng thủy tinh nhẹ và có màu sắc sặc sỡ. Nếu người Hy Lạp cổ thích vẽ lên các bình chứa nước hoa hình động vật, thì người La Mã thích đựng nước hoa trong loại bình chế tác bằng đá quý.
Trong những năm cuối 1800, nghệ thuật và phong cách chế tác lọ nước hoa thay đổi thần kỳ. Phong cách Art Nouveau làm chủ thời đại bấy giờ, khiến những chai nước hoa dù giữ được khuôn dáng truyền thống, vẫn bị đóng nhãn "hoa hòe hoa sói". Cùng lúc đó, ngành công nghiệp nước hoa bắt đầu ra mắt những chai nước hoa bằng pha lê, nhãn vàng và đóng gói tỉ mẩn. Năm 1910, công chúng dần dần được chiêm ngưỡng những lọ nước hoa hình bông hoa, ngọn hải đăng, bình trà hoặc những hình dạng bất thường khác.
Từ những năm 1920, thị trường nước hoa rộng mở đến nước Mỹ, nơi nhiều công ty và các nhà thiết kế thời trang xuất hiện liên tục. Họ bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của việc thuê nhà hóa học để làm mùi nước hoa độc quyền của hãng. Trong suốt thời kỳ kinh tế suy thoái, những chai nước hoa cũng vì thế mà trở nên giản dị và khá bảo thủ, thường là sản phẩm do máy làm.
Phải đợi đến sau chiến tranh thế giới thứ 2, các hãng lớn như Christian Dior và Nina Ricci biến mỗi chai nước hoa thành một tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Lọ đựng nước hoa lại trở thành món đồ được mua ào ạt và biểu tượng của xa xỉ.
Nước hoa là một trong số các dòng sản phẩm sắc đẹp gắn liền với danh tiếng của hãng mỹ phẩm Nhật Bản Shiseido trong những năm 1920. Ông chủ Shiseido thời bấy giờ, Fukuhara đi từ Mỹ sang châu Âu, và dừng chân ở thủ đô Paris, trung tâm của ngành công nghiệp nước hoa lúc bấy giờ với 3 công ty trụ cột: Houbigant, Roger & Gallet và Coty. Hãng Shiseido thời điểm đó bán ra khoảng 50 dòng nước hoa. Năm 1919, hãng này giới thiệu 2 dòng nước hoa đi kèm vỏ hộp thời trang là Ume no Hana (sản phẩm mang nhãn tiếng Anh là WOO-ME) và Fuji no Hana (Wisteria). Ngay sau đó, đây là 2 dòng nước hoa thuộc nhóm mùi hoa đem lai doanh thu tốt cho Shiseido.
Ngày nay, hãng Lalique và Baccarat là hai thương hiệu cung cấp những chai nước hoa có thiết kế và chất lượng tốt nhất nhì toàn cầu. Trong thế giới của những chiếc lọ nước hoa, nổi tiếng nhất vẫn là Lalique và Baccarat. Về tuổi đời, lọ đựng nước hoa Baccarat đứng ở vị trí số một. Song, xét về độ được săn lùng và trả giá cao, Lalique chưa một lần nhường vị trí này cho ai. Mỗi chai nước hoa Lalique đều được sản xuất theo kỹ thuật cổ truyền, nó phải trải qua 15 công đoạn hoàn toàn thủ công. Kết cấu của thủy tinh Lalique cho đến bây giờ vẫn là bí mật.
Trong khi đó, 2 nhân vật trứ danh nhất nghề chế tác lọ nước hoa là Peter Dinand và Serge Mansau.
Nghệ thuật chế tác chai nước hoa vẫn có sức hút mãnh liệt với nhiều nhà sưu tập và những ai đam mê nước hoa thời hiện đại. Người ta mua nước hoa không chỉ vì vài lý do cá nhân, mà còn do sức hút từ chính lọ đựng nước hoa.
Gần đây nhất, nhà thiết kế lọ đựng nước hoa danh tiếng Marc Rosen ra mắt cuốn sách Glamour Icons: Perfume Bottle Design, chia sẻ về mọi đề tài liên quan tới chuyện thiết kế chai nước hoa.
Marc Rosen từng đoạt 7 "giải Oscar trong ngành nước hoa" FiFi Awards, tác giả thiết kế các chai nước hoa mang nhãn Burberry, Elizabeth Arden, Karl Lagerfeld. Mới đây, ông tâm sự với tờ Vanity Fair, "Tôi còn nhớ mình đi xin việc tại Avon với một mẫu thiết kế vỏ chai nước hoa. Họ khá thích và mua nó với giá 3.000 USD. Mùa hè năm đó tôi mua luôn một chiếc Volkswagen Beetle mới cóng. Lúc đấy, tôi biết được cả đời mình sẽ theo nghề thiết kế vỏ chai nước hoa".
Nguồn GAFIN/DVO