Chủ Nhật | 17/08/2014 18:31

Nhâm nhi Dom Pérignon qua nhiều thập kỷ

Dom Pérignon là biểu tượng hoàn mỹ cho mọi loại Champagne. Thương hiệu vang này là mục tiêu săn đón của nhiều đại gia, đặc biệt dành cho những ai đam mê theo đuổi các dòng rượu quý tộc.

Ông Richard Geoffroy (chính giữa), trưởng thương hiệu sản xuất Champagne hàng đầu thế giới Dom Pérignon.

Rất khó đo đếm được tác động của thời gian lên rượu vang. Ta vẫn biết rượu trong chai càng lâu năm càng nồng đượm, nhưng nồng đượm thêm như thế nào, và vì sao, thì không ai biết.

Dựa vào kinh nghiệm, một số chuyên gia có thể đưa ra những nhận định của mình, song họ cũng không thể hoàn toàn chắc chắn.Và thời gian đã trở thành chủ đề bàn luận nóng hổi trong một “hội nghị bàn tròn”, nơi 16 chai Champagne Dom Pérignon chính vụ được đặt lên bàn cân.

Dom Pérignon là thương hiệu Champagne ngon và uy tín nhất trên thế giới. Danh tiếng và mức độ phổ biến của nó đã biến Dom Pérignon thành một biểu tượng hoàn mỹ cho mọi loại Champagne, và là mục tiêu săn đón của nhiều đại gia. Lượng sản xuất của hãng không được công bố, song nhiều người cho biết con số này có thể lên tới gần một triệu chai cho mỗi vụ thu hoạch.

Bình thường, thời gian tác động lên các thức rượu không sủi bọt (không trải qua quá trình lên men trong chai) đã khó, huống hồ là Champagne. Nhờ quá trình lên men lần thứ hai, khi lượng men và đường được bổ sung tạo ra phản ứng và sản sinh ra carbon dioxide, rượu sủi lên những tăm bọt rất đặc trưng của Champagne.

Kết thúc quá trình lên men lần hai, lượng men này cũng hoàn toàn tiêu biến. Nhưng xem ra vai trò của nó chưa dừng lại tại đây. Phần chất dư còn lại của men rượu, hay ta có thể gọi là cặn, lắng xuống đáy chai, và tiếp tục góp phần làm nên hương vị, kết cấu và năng lực chống oxy hóa của rượu. Ở công đoạn cuối cùng, từng chai rượu được dốc ngược để lượng cặn này tụ lại gần cổ chai, lúc này, người ta ngâm cổ chai vào một dung dịch muối lạnh với nồng độ quy định và khi mở nút chai champagne, áp lực của carbon dioxide sẽ đẩy hết cặn ra ngoài, để lại phần chất lỏng sủi bọt mát lành tinh khiết.

Việc tính toán thời gian “ủ rượu” với cặn men có ý nghĩa rất quan trọng.

Thông thường với các loại Champagne phổ thông thì thời gian lắng cặn như đã nói ở trên thường ngắn và gây ra ít tác động lên chất rượu, còn đối với những món Champagne chính vụ và được xếp vào hàng hảo hạng như Dom Pérignon thì quá trình này có thể lên tới vài năm. Việc này giúp thúc đẩy tương tác trong chai, vốn có vai trò thiết yếu đối với kết cấu và chất lượng rượu. Tính ra phải sau 8 đến 10 năm thu hoạch, phần lớn các chai rượu mới được phép bán ra thị trường.

Riêng với Dom Pérignon, quãng thời gian “tàng trữ” này có thể kéo dài hơn nữa, và nhiều chai chỉ được xuất xưởng sau 15, 16 năm chờ đợi. Có rất ít đơn vị sản xuất Champagne uy tín đủ “kiên nhẫn” đến vậy, tiêu biểu là Bollinger, và hãng rất tự hào với những chai Champagne R.D., ám chỉ những chai vừa được giải phóng phần cặn.

Kể từ năm 2000, những chai rượu “già” của nhãn hiệu Champagne bậc nhất nước Pháp Dom Pérignon đã lần lượt được tung ra thị trường với cái tên Onenothèque. Riêng với dòng vang chính vụ 1998, dòng mới nhất được xuất xưởng thì người ta lại gọi nó là P2.

“Onenothèque đã là cái tên quá quen thuộc với thế giới sành rượu, còn P2 sẽ gắn liền với dòng sản phẩm ngon hiếm có của Dom Pérignon và có nhiều ưu điểm vượt trội”, theo lời Richard Geoffroy, vị “trưởng lão” của hãng sản xuất champagne lâu đời Dom Pérignon.

Đây cũng là cách mà ngài Geoffroy định lượng độ “chín” của mỗi chai Dom Pérignon, không phải bằng thời gian mà là bằng ưu thế đặc tính của mỗi mùa vụ. Những chai champagne xuất xưởng trước P2 được xem là thuộc nhóm đặc tính một, và riêng năm 1998 thuộc nhóm đặc tính hai.

“Đặc tính nhóm một thể hiện qua mức độ hoàn thiện và điều hòa. Đặc tính nhóm hai thể hiện qua các yếu tố năng lượng, khả năng lan tỏa và sự sôi nổi, bên cạnh tính sắc nét của sản phẩm.”

Ông Geoffroy nổi tiếng là người hay chữ. Những điều ông nói ra mang đầy những ẩn ý sâu xa mà xác đáng, mới nghe qua thì giống như một câu đố khó có lời giải đáp. Ông thích đánh giá về rượu thông qua màu sắc nó phản chiếu thay vì hương vị và mùi thơm, ví dụ như ánh xanh dương dìu dịu hay sắc ghi ám khói.

Và trong buổi tối hôm đó tại quán NoMad, Geoffroy đã cùng nhiều chuyên gia thưởng rượu khác nếm thử vị 16 chai Dom Pérignon thuộc nhóm Oenothèque (thuộc các mùa vụ từ 1959 cho tới 2004) và cả chai vang P2 danh giá (mùa vụ năm 1998).

Với những ai ít có dịp được thưởng thức champagne Dom Pérignon, trải nghiệm của những lần hiếm hoi được nhấm nháp thứ chất lỏng kỳ diệu đó sẽ càng thêm đáng nhớ: đó là món Champagne vô cùng đặc biệt, vừa bóng bẩy thanh cao, lại vừa dịu dàng lắng đọng, song cũng hết sức mãnh liệt, mạnh mẽ.

“Căng thẳng, cân bằng và mang sức mạnh của sự mong manh yếu đuối… Dom Pérignon thật sự là thứ rượu mang đầy mâu thuẫn”, ông Geoffroy nói.

Và phần nào sự mâu thuẫn đó đến từ việc kết hợp nhiều loại nho khác nhau với tỉ lệ thay đổi theo từng mùa vụ. Mỗi mùa vụ khác nhau lại đem đến những sắc thái và kết cấu khác nhau, nhưng tựu chung lại, người ta không khỏi rung động trước sự kỳ diệu của chất vang qua nhiều năm tháng.

Nguồn GAFIN, NYTimes/DVO


Sự kiện