Sức khỏe nền kinh tế nhìn từ mức tiêu thụ bia
Xác định sức khỏe nền kinh tế cũng như xu hướng phát triển là công việc khó khăn. Bạn có thể dựa vào xu hướng tăng trưởng GDP, doanh số bán nhà, dự báo doanh thu doanh nghiệp - tất cả đều mơ hồ. Nhưng có một chỉ số khác có lẽ phản ánh chính xác hơn: doanh số bán bia.
Doanh số bán bia tại nhiều nước phát triển, kể cả Mỹ và Tây Âu, khá ổn định và đi ngang trong những năm gần đây, trong khi chỉ số này lại Nhật Bản liên tục giảm trong hơn một thập niên qua và tại Úc xuống thấp nhất hơn 60 năm khi người tiêu dùng già hóa ưa chuộng whisy và rượu vang hơn. Trái lại, tiêu thụ bia tại nhiều nước đang phát triển tại châu Á lại liên tục tăng khi thu nhập tăng lên, dân số trẻ hơn và hệ thống phân phối được cải thiện.
Hiện Trung Quốc có 4 thương hiệu bia lọt vào danh sách 10 nhãn hiệu bia được tiêu thụ nhiều nhất thế giới, kể cả Snow - liên doanh giữa SAB Miller và China Resources Enterprise - và Tsingtao. Brazil cũng góp mặt hai thương hiệu vào danh sách này.
Tin tốt đối với các hãng sản xuất bia là bất chấp kinh tế giảm tốc, người Trung Quốc, theo Nghiên cứu BMI, được dự báo tiếp tục chi tiền cho thú vui uống bia kể cả khi họ giảm chi tiêu cho các loại đồ uống có cồn đắt tiền.
Ngành đồ uống có cồn thường dễ bị tổn thương hơn từ các chu kỳ kinh tế so với các ngành thực phẩm do đồ uống có cồn được được coi là có mức độ thiết yếu thấp hơn, Raphaele Auberty, nhà phân tích thực phẩm và đồ uống tại BMI Research, cho biết. Nhưng ngành đồ uống có cồn vẫn tương đối ổn so với các lĩnh vực hàng cao cấp.
Những cũng có nhiều trở ngại cần vượt qua. Việc tăng thuế, áp đặt thêm các biện pháp hạn chế và kinh tế tăng trưởng chậm lạ có thể là thách thức tại một số thị trường: tại Philippines, một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, chính phủ đang áp “thuế tội lỗi” đối với bia rượu và thuốc lá, bên cạnh đó, khoảng cách giàu nghèo và hệ thống bán lẻ kém phát triển cũng có thể ảnh hưởng đến sức tiêu thụ loại sản phẩm này, theo ông Auberty.
Khó khăn tăng thêm tại các nước có tỷ lệ lớn người dân theo Đạo Hồi như Indonesia và Malaysia. Indonesia - nước có số dân theo Đạo Hồi lớn nhất thế giới - hồi đầu năm nay đã cấm bán bia tại các cửa hàng tiện dụng và các cửa hàng bán lẻ độc lập.
World Bank dự báo kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay và Malaysia 4,8%, đều thấp hơn so với dự báo tăng trưởng 6% của Việt Nam - thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.
Tiêu thụ bia tại Việt Nam dự đoán sẽ tăng mạnh khi thu nhập khả dụng tăng lên cùng với tỷ lệ cao dân số trẻ và nền văn hóa bia đậm đà.
Phan Nguyễn
Nguồn Bloomberg