Nhân vật cung cấp

 
Hoàng Linh Lan Thứ Sáu | 03/11/2017 08:00

Sức công phá của nghệ sĩ âm nhạc độc lập

Cuối tháng 9 vừa qua, 3.000 vé thuộc liveshow Ng` bthg của Ngọt - ban nhạc 9X thành lập năm 2013 tại Hà Nội - đã được bán hết trong 3 ngày.

Album được săn đón, nhạc phát hành trực tuyến tăng lượt nghe chóng mặt, các buổi biểu diễn luôn chật kín người. Đó là vài nét chấm phá của các nhóm nhạc độc lập trong thời gian gần đây như Ngọt, Da LAB... Điều gì đã tạo nên sức hút mãnh liệt này?

Độc đáo và riêng biệt

Cuối tháng 9 vừa qua, 3.000 vé thuộc liveshow Ng` bthg (đọc là Người bình thường) của Ngọt - ban nhạc 9X thành lập năm 2013 tại Hà Nội - đã được bán hết trong 3 ngày. Đi kèm liveshow là việc phát hành album thứ 2 cùng tên liveshow gồm 8 ca khúc mới của nhóm. Cần gợi nhớ, Ngọt là ban nhạc đầu tiên được thính giả ủng hộ tiền làm album. 3.000 bản của album đầu tay bán trong nháy mắt giữa thời điểm album truyền thống trở thành khoản đầu tư khó lòng thu hồi.

Tiếp tục sức nóng của buổi diễn tại Hà Nội, đêm nhạc Ngọt trong khuôn khổ dự án Soul Live Project tại TP.HCM do nghệ sĩ Thanh Bùi khởi xướng cháy vé ngay khi cổng bán chính thức mở. Mặc dù muốn đón thêm khán giả nhưng nhà tổ chức đành bó tay bởi sức chứa của địa điểm chỉ khoảng 700 người. Hai buổi diễn này gặp nhau ở mẫu số chung: tiếc nuối của khán giả không mua được vé, người tham dự háo hức chia sẻ cảm xúc sau show và câu hỏi: “Chừng nào Ngọt có buổi diễn tiếp theo?”. Trước khi trả lời câu hỏi đó, Ngọt tiếp tục gây “bão” cộng đồng nghe nhạc trực tuyến khi MV Em Dạo Này có tới 800.000 lượt xem chỉ trong một tuần ra mắt.

Trước đó 2 tháng, 2.500 vé của liveshow Sau 10 Năm của Da LAB, nhóm Rap đình đám được thành lập năm 2007 tại Hà Nội, cũng nhanh chóng bán sạch. Nghệ sĩ Thanh Bùi lý giải sức hút này: “Họ có tiếng nói độc đáo, riêng biệt, không na ná nhau. Tinh thần âm nhạc của họ mới mẻ, mang năng lượng của tuổi trẻ, chuyển tải được những điều người trẻ đang quan tâm. Chính vì thế, âm nhạc và phong cách của họ kết nối được với một cộng đồng lớn”.

Đối tượng thưởng thức chính của Da LAB, Ngọt đa phần là những người trẻ nên giá vé mỗi đêm diễn khá mềm, dao động quanh 180.000-200.000 đồng. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, giữa thời buổi, ngày càng hiếm liveshow, đặc biệt là với các ca sĩ nhạc Pop, kể cả những ngôi sao đình đám từ quốc tế sang Việt Nam được tổ chức, trừ phi có nhãn hàng hậu thuẫn phía sau, người nghe dè dặt cân nhắc khi bỏ tiền mua vé thì đây là một tín hiệu đáng mừng. “Tôi thực sự rất vui. Để nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và sáng tạo, không thể chỉ trông chờ vào các nhãn hàng được dù tôi biết có rất nhiều thương hiệu khá tâm huyết với việc phát triển văn hóa, nghệ thuật.

Suc cong pha cua nghe si am nhac doc lap

Sự thành công của Da LAB, Ngọt hay các nghệ sĩ độc lập khác củng cố thêm niềm tin cho họ rằng, có một thị trường mà ở đó các bạn sống được vì nghệ thuật, vì đam mê của mình, không phụ thuộc vào các nhãn hàng. Vì người nghe, những người sử dụng âm nhạc sẵn sàng trả tiền cho những giá trị, câu chuyện, sản phẩm thực thụ mà họ nhận được”, nghệ sĩ Thanh Bùi cho biết.

Dòng chảy âm ỉ

Da LAB hay Ngọt chỉ là 2 điển hình của rất nhiều nghệ sĩ/nhóm nhạc độc lập Việt Nam đang hoạt động “ẩn dật”, thuộc nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Có thể kể đến: Lê Cát Trọng Lý, Hải Bột, Cá Hồi Hoang, Đen, Xanh 8+1, Mimetals, Mademoiselle... Tất cả đều không chịu sự chi phối của thị trường, định hướng, can thiệp của các hãng đĩa, càng không cần gây chú ý để nổi bật trước truyền thông. Âm nhạc với họ như một người bạn chia sẻ những góc nhìn, suy nghĩ trong đời sống, là nơi bày tỏ những giấc mơ, khát vọng, thậm chí những uẩn ức xã hội... Âm nhạc vì thế gần, thậm chí là chính bản thân người tạo ra nó.

“Ở các nước phát triển, việc một nghệ sĩ có thể tự sáng tác, phối âm, sản xuất, tự phát hành, có fanpage của họ là điều không thể thiếu trong một thị trường âm nhạc công bằng, có tương lai. Bởi nó tạo nên tiếng nói đa dạng. Đã có không ít nghệ sĩ, nhóm nhạc indie ảnh hưởng tới cả một thế hệ nhạc sĩ, những nghệ sĩ khác mà chính những gương mặt này ở thời điểm sau đó, trở nên nổi tiếng toàn thế giới. Khi indie bắt đầu thương mại hóa, trở nên phổ biến, nó đưa tới tiếng nói khác biệt cho các nghệ sĩ thực thụ, tạo nên một góc nhìn riêng cho âm nhạc.” Đây cũng là cách Da LAB, Ngọt thay vì tung ra sản phẩm rồi... đi làm việc khác, họ chọn con đường có hướng tiếp cận rõ ràng hơn, đến gần khán giả hơn, biết cách làm truyền thông hơn.

Sự trỗi dậy của một vài nghệ sĩ/ban nhạc độc lập nhắc nhớ đến thời hoàng kim của nhạc Rock hồi thập niên 1990, tiệm cận đến công chúng vào những năm đầu 2000 với hàng loạt ban nhạc như Bức Tường, Ngũ Cung, Gạt Tàn Đầy, UnlimiteD, Microwave... và sau đó, đi vào thoái trào. Song, tương tự sức sống tiềm ẩn bảo lưu trong máu những nghệ sĩ độc lập, dòng chảy này thoắt ẩn thoắt hiện, tùy thời điểm mà biểu lộ. Bởi, âm nhạc luôn chuyển động, nghệ sĩ độc lập ít chịu ảnh hưởng lẫn nhau, dẫn đến khả năng bảo tồn sáng tạo của họ khá cao, trong khi con số chịu lộ diện trước công chúng chỉ là một phần rất nhỏ.

Những vỉa quặng vẫn đang chờ khai phá, phát hiện. Bởi hiện tại, Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những nhà sản xuất tầm cỡ và “chịu chơi” hết cỡ như Trí Minh, Quốc Trung, Thanh Bùi... Cộng với sự kéo giãn khoảng cách nhờ công nghệ, tương lai của một thị trường âm nhạc sôi động, đa dạng sắc màu sẽ không còn xa.

Hoàng Linh Lan