Ảnh: T.L
Sứ mệnh lớn của chiếc túi nhỏ 1Life
Trải qua hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành marketing, thương hiệu và quản lý trong nhiều công ty đa quốc gia, chị Nguyễn Thanh Thùy, sáng lập và điều hành 1Life, đã tìm ra lý tưởng mới cho cuộc sống này. Với đam mê du lịch, khám phá những vùng đất mới, đi qua 45 nước và sử dụng kỹ năng sống khác nhau mà từ nhỏ học được, chị nhận ra rằng kỹ năng và kiến thức về sức khỏe là điều vô cùng quan trọng.
Hành trình của chiếc túi sơ cứu
Bắt đầu từ những chia sẻ của bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo, chuyên khoa nhi đang công tác tại TP.HCM. Đó là tình trạng các trẻ em bị thương chảy máu, hóc dị vật hay sốt co giật... nhưng phụ huynh đều sơ cứu sai cách, dẫn đến tình trạng nguy hiểm hơn. Sau khi nghe bác sĩ tâm sự, chị Thùy đã có ý tưởng sẽ làm túi sơ cứu cho gia đình Việt và bên cạnh đó sẽ phối hợp mở khóa học kỹ năng sơ cứu.
Chị bắt đầu tìm hiểu về dụng cụ sơ cứu, mua túi sơ cứu ở Mỹ và châu Âu về nghiên cứu, tìm hiểu các dụng cụ sơ cứu tại Việt Nam, khảo sát kiến thức về sơ cứu của người Việt. Đến đầu năm 2021, chị ra mắt sản phẩm túi sơ cứu theo kiểm định và tư vấn của bác sĩ và đăng ký theo quy định của Bộ Y tế. 1Life có 5 loại túi sơ cứu trong đó có đầy đủ hướng dẫn sử dụng. Bước đầu khá thuận lợi: trong năm 2023, 1Life đã bán được 4.000 túi sơ cứu các loại.
Tự đầu tư đòi hỏi chi phí lớn nhưng tìm kiếm nhà đầu tư thì không ai có đủ kiên nhẫn để chờ hiệu quả của sản phẩm này. Bởi vì, đây là sản phẩm cần thời gian để truyền tải kiến thức đến người tiêu dùng. Dù đối mặt với khó khăn nhưng 1Life nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức về y khoa đồng hành cho một mục tiêu cấp thiết.
Thực tế, 1Life đã khảo sát trên 3.456 người qua trang mạng xã hội tại Hà Nội và TP.HCM vào tháng 6/2023 và có kết quả: 51% trả lời sai về sơ cứu khi chảy máu cam, 39% trả lời sai về sơ cứu co giật, 38% không biết về tư thế hồi sức, 27% trả lời sai về sơ cứu khi trẻ em bị hóc dị vật.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có hơn 900.000 trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích. Tại Việt Nam, con số này là 370.000 trẻ/năm, trong đó hơn 8.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích gây ra, chủ yếu là ngã, bỏng, cháy, tai nạn giao thông, súc vật cắn, đuối nước, ngạt thở, hóc, nghẹn...
Những con số trên cho thấy kỹ năng sơ cứu chưa thực sự coi trọng tại Việt Nam. Trong khi đó, trên các sàn thương mại điện tử, sản phẩm có giá tương đương hoặc rẻ hơn, nhiều số lượng dụng cụ hơn nhưng dụng cụ quan trọng lại không có và cũng không hướng dẫn sơ cứu cho người dùng. ”Rất khó để thuyết phục các nhà thuốc bán túi sơ cứu vì người tiêu dùng chưa có nhu cầu mua”, người sáng lập 1Life trăn trở.
Sứ mệnh cho cuộc sống
Để chào bán thành công vào các nhà thuốc lớn và nhà sách, chị phải tìm các mối quan hệ từ cấp cao hơn để tìm sự thông hiểu của họ về tác động xã hội cũng như tầm nhìn lâu dài với sức khỏe cộng đồng. “Đương nhiên mình đã phải nhận rất nhiều lời từ chối từ các kênh phân phối khác. Nhưng bên cạnh đó, mình rất trân trọng các cửa hàng nhỏ lại hiểu ý nghĩa và đã giúp mình lan tỏa sản phẩm như QuanCamp, GoCamping, Kala Outdoor, Dalat Discovery, Konnit“.
Không thể phủ nhận lĩnh vực này còn khá mới trong ngành kinh doanh mảng y tế, đã từng có một số công ty làm về túi sơ cứu nhưng phải dừng chân sau đợt ra sản phẩm đầu tiên. Tuy nhiên, 1Life vẫn tiếp tục kiên nhẫn duy trì thiết kế túi sơ cứu giúp trải nghiệm sử dụng nhanh, thuận tiện và kỳ vọng người dùng sẽ thay đổi thói quen như ở nhiều nước. Chẳng hạn, tại Mỹ, mỗi người có đến 3-5 túi sơ cứu khác nhau cho từng mục đích sử dụng riêng như trong nhà, trong xe máy, ô tô, khi đi du lịch, đi chơi thể thao...
Mục tiêu của 1Life là mỗi trẻ em được học sơ cứu từ sớm và biết túi sơ cứu quan trọng thế nào trong hoạt động mỗi ngày. Mỗi xe máy, ô tô trang bị túi sơ cứu và kỹ năng sơ cứu thì người tham gia giao thông cũng ý thức hơn đến an toàn của chính mình và người xung quanh. Chị Thùy chia sẻ: “Mình và 1Life cảm thấy hạnh phúc khi theo đuổi sản phẩm này vì biết rằng nó tạo ra một tác động trong xã hội, giúp cho cộng đồng sống trở nên an toàn, mọi người biết và sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần”.
Tín hiệu tích cực là sản phẩm của 1Life được sử dụng rộng rãi trong các cộng động chạy bộ, các giải chạy yêu cầu người tham gia phải trang bị túi sơ cứu ở cự ly 15 km trở lên và đây cũng là nhóm khách hàng lớn nhất của 1Life. Tiếp theo là những người đam mê du lịch bắt đầu quan tâm trang bị túi sơ cứu cho mỗi chuyến du lịch nước ngoài, nơi họ chưa tự tin tiếp cận hỗ trợ y tế khi cần. Anh Trần Đặng Đăng Khoa, quê Tiền Giang, một phượt thủ từng đi vòng quanh thế giới qua 65 nước bằng xe máy, cho biết: “Túi sơ cứu là người bạn đồng hành của tôi, là một vật không thể thiếu trong mỗi chuyến đi”. Việc quan trọng nhất trước mỗi chuyến đi của anh là ưu tiên kiểm tra túi sơ cứu đã có đầy đủ tất cả các thiết bị và vật dụng cần thiết. “Mình trang bị cho bản thân mình và cho tất cả mọi người xung quanh khi cần giúp đỡ”, anh nói thêm.
1Life đã hợp tác với nhiều trung tâm dạy sơ cứu và cập nhật lịch học cho cộng đồng hằng tháng, dạy theo quy chuẩn và kiến thức của Hội Tim mạch Mỹ. 1Life đang phát triển một giáo trình dạy sơ cấp cứu theo mô hình trường học của Anh, dạy bắt buộc mỗi năm cho học sinh trường công lập từ 6-18 tuổi. 1Life sẵn sàng chia sẻ miễn phí bộ giáo trình cho bất cứ trường học nào quan tâm. “Trong tương lai, chúng tôi hy vọng sẽ triển khai thử nghiệm giáo trình dạy sơ cứu cho trẻ em tại trường học”, chị Thùy nói.
Trên chặng đường mang đến giá trị cho cuộc sống, 1Life đã đồng hành rất nhiều trong các chiến dịch, như hồi tháng 2, Công ty đã đồng hành cùng Hội Chữ thập đỏ TP.HCM tặng 6 túi sơ cứu trợ giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả động đất. Hay tháng 6, Công ty đã phối hợp cùng Xóm Đảo Library tại Quảng Ngãi tổ chức lớp học sơ cứu với hơn 70 bạn nhỏ cùng phụ huynh tham gia... “Dù chỉ là những chiếc túi sơ cứu nhỏ nhưng chúng tôi vẫn theo đuổi hành trình của những hoạt động đòi hỏi phải giải quyết được các vấn đề xã hội một cách lâu dài và bền vững”, chị Thùy nói.