Arkki là sự kết hợp giữa STEM (Science - Technology - Engineering - Mathematics) với tâm điểm là kiến trúc (Architecture). Ảnh: T.L.
Sứ mệnh giáo dục của Arkki
Những tia nắng vàng như mật ong xuyên qua tán cây đậu lại ở ly cà phê trên chiếc bàn ngoài trời, làm cho buổi sáng càng trở nên thi vị và đầy sức sống. Thế nhưng, bên ly cà phê đã tan đá, chị Nguyễn Huỳnh Thu Trúc, trong chiếc đầm màu tím hoa sim, đã 3 lần khởi nghiệp với giáo dục, lại đầy vẻ ưu tư: “Làm sao để lan tỏa chương trình giáo dục kỹ năng Arkki đến nhiều học sinh hơn?”.
“Đứa trẻ Việt Nam sẽ thua trên chính sân nhà!”. Nhận định này không chỉ của riêng chị Trúc mà đã được nhiều chuyên gia nhân sự dự báo sau khi biên giới địa lý được xóa nhòa trên thị trường lao động toàn cầu trong các năm gần đây, đặc biệt sau khi cộng đồng ASEAN chính thức cho phép lao động tự do dịch chuyển. Những công việc hiện tại càng trở nên bấp bênh sau sự ra đời của công cụ ChatGPT vào cuối năm ngoái. Như vậy, khi tham gia thị trường lao động 10-20 năm sau, những đứa trẻ Việt phải cạnh tranh không chỉ với con người thật mà còn với phần mềm, máy móc.
Thông qua việc thiết kế và xây dựng các mô hình, trẻ được liên kết các kiến thức rời rạc đã học, đồng thời tích lũy các kỹ năng về tư duy và làm việc nhóm. Ảnh: Arkki |
Đó là lý do chị Trúc cố gắng đưa Arkki vào hệ thống trường công lập vì “đó là nơi tập trung nhiều học sinh nhất”. Việc đưa Arkki vào chương trình chính thức của trường học sẽ giúp tối đa hóa số lượng học sinh được trang bị kỹ năng, thay vì chỉ giới hạn ở những nơi có đầy đủ năng lực tài chính để theo đuổi một chương trình được mua bản quyền từ nước ngoài như Arkki.
Arkki là sự kết hợp giữa STEM (Science - Technology - Engineering - Mathematics) với tâm điểm là kiến trúc (Architecture). Thông qua việc thiết kế và xây dựng các mô hình, trẻ được liên kết các kiến thức rời rạc đã học, đồng thời tích lũy các kỹ năng về tư duy và làm việc nhóm. “STEM hay Arkki đều chỉ là những công cụ giúp mình đạt được mục tiêu giáo dục đứa trẻ”, chị Trúc tâm sự.
Trước khi vào Việt Nam từ năm 2018, chương trình giáo dục kỹ năng có tuổi đời 1/4 thế kỷ xuất phát từ Phần Lan đã được công nhận và giảng dạy trong hệ thống giáo dục của đất nước Bắc Âu này. Hình ảnh thường thấy trong những buổi học của Arkki là các nhóm bạn cùng nhau vẽ thiết kế trên giấy, sau đó thảo luận và xây dựng mô hình như dựng tòa nhà cao nhất thế giới bằng giấy báo hay cây mì Ý, làm máng trượt hay ngôi nhà cây... Không chỉ tìm kiếm thông tin khi dựng mô hình, đứa trẻ sẽ tiếp tục quá trình suy nghĩ sau đó cho những vướng mắc còn chưa được giải quyết. “Arkki giúp làm cho bộ lọc của đứa trẻ được kích hoạt vì có nhiều thông tin”, chị Trúc nói.
Nhưng không có con đường nào được trải hoa hồng. Hành trình gập ghềnh chinh phục thị trường trong nước 4 năm vừa qua đã cho Arkki nhiều trải nghiệm. Những chương trình thử nghiệm tại hơn 30 trường trong thành phố đầu năm 2022 đã đem lại tín hiệu tích cực từ Ban giám hiệu nhà trường và phụ huynh. Đến thời điểm hiện nay, Arkki đã có mặt ở 6 trường từ mầm non cho đến cấp 3, trong đó có thêm 2 trường tiểu học công lập là Lương Thế Vinh (Thủ Đức) và Võ Trường Toản (quận 10).
“Trầy trật lắm”, chị Trúc nói về hành trình 2 năm thuyết phục các trường học để đưa Arkki vào chương trình giảng dạy cho học sinh. “Ở trường tư, chỉ cần Hiệu trưởng nhìn thấy được lợi ích cho học sinh thì sẽ áp dụng. Nhưng ở trường công thì khó hơn nhiều”, chị tâm sự.
“Chương trình cần được Sở Giáo dục chấp thuận và có văn bản gửi đến trường”, cô Hiệu phó (không muốn nêu tên) của một trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại thành phố Thủ Đức cho biết quy trình để một chương trình bên ngoài đi vào hệ thống trường công. Một rào cản khác nằm ở nhận thức của phụ huynh rất thấp về việc cần giáo dục kỹ năng cho con em mình, vị này cho biết thêm.
Đó là chưa kể rào cản về tài chính. Anh Hồng Ngự, cha của một bé trai 5 tuổi, khá lưỡng lự khi nghe về mức phí tối thiểu khoảng vài ba trăm ngàn dự kiến, bằng khoảng 1/5 học phí hằng tháng của trường. “Tuy nhiên, nếu giúp phụ huynh thấy được lợi ích cho con so với đi học kỹ năng bên ngoài thì có thể sẽ khả thi”, anh Ngự nói.
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết 1 đồng đầu tư cho giáo dục sẽ mang lại 5 đồng lợi nhuận trong suốt cuộc đời của đứa trẻ. Khoản lợi tức thu được này thậm chí còn lớn hơn ở các nước thu nhập thấp so với các nước thu nhập cao.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phương Mai (Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam - Hà Lan), trong một bài viết trên trang cá nhân của mình, đã nói về thế giới mới phi trật tự bất trắc, bất ổn, mơ hồ và phức tạp. Trong thế giới này, 2/3 nghề nghiệp hiện tại sẽ biến mất, 2/3 học sinh tiểu học hiện nay sẽ làm những công việc bây giờ chưa tồn tại. “Việc học một lĩnh vực trong vài năm để cả đời chỉ làm vài nghề liên quan đang nhanh chóng trở thành quá khứ”, bà viết. “Chỉ có đứa trẻ mới định hướng cho mình tốt nhất”, người phụ nữ ngũ tuần có mối duyên sâu đậm với giáo dục trầm ngâm.