Ảnh: TL

 
Thanh Hằng Thứ Năm | 28/02/2019 13:30

STEM ở biên giới

Làm thế nào một tổ chức tư nhân có thể thâm nhập nền giáo dục công lập Việt Nam, thay đổi cách môn ngoại ngữ được dạy?

Khi Bùi Văn Dương từ bỏ công việc trong ngành tài chính một năm trước để theo đuổi việc dạy học tình nguyện trong vòng 2 năm tại tỉnh biên giới Tây Nam nắng gió là Tây Ninh, anh vẫn chưa hình dung được mình sẽ dạy môn học STEM mới mẻ cho học sinh cấp II như thế nào. Vậy mà giờ đây, không những 50 học sinh lớp 7 của Dương đã có thể học hỏi kỹ năng trồng trọt, đóng gói và bán sản phẩm từ việc trồng rau mầm củ cải đỏ, mà một dự án mang tên “Nông dân tí hon” còn đang được tiến hành trong dịp Tết Nguyên đán để huy động vốn cho học sinh của Dương tiến một bước xa hơn, tự động hóa việc tưới nước trồng rau.

 Dương là 1 trong 34 giáo viên của Teach for Vietnam (TFV) đang tham gia giảng dạy môn tiếng Anh và STEM tại 47 trường trung tiểu học ở các huyện khó khăn tỉnh Tây Ninh. Được TFV gọi là fellow, họ là những người đã tốt nghiệp và làm đa dạng lĩnh vực, từ kinh tế đến kỹ thuật, được tuyển chọn để giảng dạy thông qua một quy trình nghiêm ngặt với 5 vòng kiểm tra. Không yêu cầu bằng cấp về sư phạm, Dương và các fellow khác được tập huấn 6 tuần về kỹ năng sư phạm trong môi trường quốc tế. Mọi quy trình và khuôn mẫu chương trình mà TFV đang áp dụng đều theo khuôn mẫu của tổ chức phi chính phủ quốc tế Teach for All, mà TVF là 1 trong 48 thành viên.

STEM o bien gioi
 

TFV được Huỳnh Hạnh Phúc, Thạc sĩ Chính sách công Đại học Harvard 34 tuổi, thành lập năm 2016. Xuất thân nhà giáo của gia đình đã là tiền đề để chàng trai Bình Định lựa chọn giáo dục là chìa khóa để giải phóng tất cả tiềm năng của con người. Bắt đầu với môn tiếng Anh, môn học có điểm trung bình thấp nhất trong kỳ thi trung học quốc gia 2016 và là môn học giúp mở cánh cửa tiếp cận kho kiến thức của nhân loại, TFV đã đưa các fellow vào giảng dạy môn tiếng Anh chính thức và sau đó mở rộng sang môn học STEM ngoại khóa trong các trường công lập, được trả một phần lương bằng ngân sách của tỉnh Tây Ninh. 5.500 học sinh tại 47 trường, cùng với 300 giáo viên địa phương tại 7 huyện trong tỉnh Tây Ninh  là những người được thụ hưởng tác động từ chương trình fellowship của TFV.

Tuy nhiên, chặng đường họ đã đi qua không trải hoa hồng. Huỳnh Hạnh Phúc đã từng thất bại khi thuyết phục quê hương Bình Định triển khai chương trình của TFV trước đó. Từ việc rất ít người dám ra quyết định can thiệp vào chương trình công lập, Phúc chọn con đường tiếp cận từ cấp cao nhất. Cùng với sự giúp đỡ của đồng môn Harvard, Phúc đã thuyết phục được lãnh đạo của tỉnh thử nghiệm cùng TFV để cải tiến chất lượng giáo dục của tỉnh Tây Ninh, bằng cách đưa TFV trở thành nhà tư vấn cho trụ cột cải cách giáo dục, 1 trong 3 trụ cột trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế và xã hội của tỉnh.

STEM o bien gioi
 

TFV không xem giáo dục là một thành phần đơn lẻ cần được cải thiện, mà họ xem xét giáo dục trong một hệ sinh thái, nơi khu vực công, trong đó có nhà trường, khu vực tư nhân, cùng các nhóm xã hội dân sự và cộng đồng tương tác với nhau. Vì vậy, để các khu vực trong hệ sinh thái cùng vận động, bên cạnh các hoạt động trước mắt với khu vực công cũng như hệ thống doanh nghiệp và các nhóm cộng đồng xã hội dân sự, TFV hướng đến mục tiêu dài hạn tạo nên một thế hệ những nhà lãnh đạo cùng chia sẻ những trăn trở và nỗ lực hướng đến một nền giáo dục tốt hơn, hoạt động trong đa ngành nghề.

Trong lúc Huỳnh Hạnh Phúc làm việc với những người có quyền quyết định trong hệ thống, thì các fellow - giáo viên cảm nhận được sự thay đổi từ trong lớp học. Từ người học thụ động, học sinh trở thành trung tâm trong các lớp học tương tác, được kích thích, mở rộng kỹ năng và giác quan với thế giới xung quanh qua các dự án như Thư viện mở, mang những cuốn sách từ trong 4 bức tường ra đến sân trường cho mọi học sinh, hay dự án chụp ảnh “Tây Ninh trong em là...”, nơi những học sinh trường chuyên trước giờ chỉ biết đến sách vở lần đầu tiên đưa sự chú ý của mình vào cuộc sống đang vận động xung quanh. Từ học sinh, tác động lan tỏa đến những thầy cô giáo, đến ngôi trường mà các fellow đang trú ngụ, rồi đến phụ huynh của các em.

“Cả huy động tài chính và nhân lực đều là thử thách của chúng tôi”, Phúc tâm sự về những vướng mắc trong hoạt động của TFV. Nhận được nguồn tài trợ hằng năm từ TFA và tỉnh Tây Ninh, nhưng TFV vẫn cần huy động thêm nguồn lực từ bên ngoài để trang trải mức lương 8 triệu mỗi tháng cho mỗi fellow, một mức tuy thấp hơn nhiều so với cơ hội tại những thành phố mà fellow đã bỏ qua, nhưng cũng cao gần gấp 3 so với những đồng nghiệp nhà giáo của họ. Mặt khác, mong muốn đưa vào hàng ngũ fellow những cá nhân xuất sắc đam mê với sự nghiệp giáo dục đã khiến việc thu hút chọn lựa nhân tài khó khăn hơn bao giờ hết.

“Vào năm 2050, tất cả trẻ em Việt Nam đều tiếp cận được nền giáo dục hoàn thiện”. Niềm tin ấy đã dẫn lối cho Huỳnh Hạnh Phúc và TFV.