Văn Quốc Thứ Năm | 15/03/2018 08:30

SOS ô nhiễm nhựa!

Tổng lượng rác thải nhựa rắn chưa được tái chế hoặc đốt đã lên tới 4,9 tỉ tấn, cần một bãi rác sâu 70m và rộng 57km2 để chôn hết.

Trong một bài báo được công bố trên Science Advances, Roland Geyer, thuộc Đại học California, Santa Barbara và các đồng sự tính toán, tổng cộng lượng rác thải nhựa rắn được sản xuất kể từ thập niên 1950 mà chưa được tái chế hoặc đốt đã lên tới 4,9 tỉ tấn. Giả sử tất cả lượng rác này đều được chôn thì bãi chôn rác cũng sâu tới 70m, bao phủ diện tích rộng 57km2 - xấp xỉ diện tích của khu Manhattan, New York.

Nhưng không may, hầu hết lượng rác thải nhựa của thế giới đều được thả xuống đại dương. Do được các dòng chảy “đưa đẩy”, rác nhựa không có cách nào thu hồi lại được, nhất là khi chúng bị phân mảnh thành những hạt nhựa cực nhỏ. Ước tính, đại dương đang chứa tới 51.000 tỉ hạt nhựa cực nhỏ. Những hạt nhựa này lại được đi vào dạ dày của các sinh vật biển và nhiều trong số các sinh vật biển này lại có kết cục là nằm trên bàn ăn của con người.

Lượng lớn rác nhựa được đổ xuống biển có thể tổng cộng lên tới 10 triệu tấn mỗi năm và đáng nói hơn là con người sẽ không dừng việc quăng rác xuống biển trong một sớm một chiều. Bởi lẽ, hầu hết nhựa ở các đại dương hiện nay không phải đến từ châu Âu và châu Mỹ, vốn có ý thức môi trường cao, mà đến từ các nước Đông Á đang phát triển nhanh, nơi có các hệ thống thu gom rác thải yếu kém hoặc không hề tồn tại. Tháng 10 năm ngoái, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Helmholtz (Đức) đã phát hiện 10 con sông, trong đó có 2 con sông ở châu Phi và 8 ở châu Á đã thải ra 90% tổng lượng rác thải nhựa ở biển. Chỉ riêng sông Trường Giang (Trung Quốc) đã “nhận lãnh” tới 1,5 triệu tấn mỗi năm. 

Nếu tình hình này vẫn cứ tiếp diễn, đến năm 2050, lượng nhựa trong các đại dương trên thế giới sẽ còn nhiều hơn là cá, xét theo trọng lượng. Những con số trên đã khiến cho nhiều người kinh hãi và họ đã phần nào thay đổi cách hành xử. 9 trong số 10 người châu Âu lo ngại về tác động của nhựa đối với môi trường. Trong cuộc thăm dò ý kiến Eurobarometer năm 2017, hơn phân nửa nói rằng họ tránh dùng túi nhựa khi đi mua sắm. Ngược lại, chỉ 1/10 cân nhắc đến yếu tố tiết kiệm nhiên liệu khi đi mua xe ô tô mới. Không giống các loại ô nhiễm khác, nhựa là nỗi nhức nhối trong mắt nhiều người, theo nhận định của Liz Goodwin, thuộc Viện Tài nguyên Thế giới. 

SOS o nhiem nhua!
 

Một số quốc gia như Bangladesh, Pháp và Rwanda đã cấm các túi nhựa. Kể từ năm ngoái, bất kỳ ai dùng túi nhựa tại Kenya có nguy cơ bị phạt 4 năm tù hoặc phạt tiền lên tới 40.000USD. Vào tháng 1.2018, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu rác thải nhựa trong khi Liên minh châu Âu (EU) đã tung ra một “chiến lược nhựa”, hướng tới mục tiêu tái chế tất cả các bao bì nhựa đến năm 2030 và nâng tỉ trọng được tái chế từ 30% lên tới 55% trong 7 năm tiếp theo. Tại Anh, quy định ra đời vào năm 2015 phạt những ai dùng túi mua sắm bằng nhựa đã giúp cắt giảm sử dụng túi nhựa tới 85%. Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Môi trường Anh Michael Gove đã nghĩ đến chuyện cấm cả ống hút bằng nhựa.

Vì lo ngại ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín, các công ty lớn cũng đã bắt tay hành động. Coca-Cola cam kết thu gom và tái chế lượng chai lọ mà Tập đoàn sử dụng mỗi năm trong đó có 110 tỉ chai nhựa. Các tập đoàn hàng tiêu dùng như Unilever và Procter & Gamble cũng hứa sẽ dùng nhựa tái chế nhiều hơn. McDonald’s đặt ra kế hoạch lớn: tất cả các loại bao bì của chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh này sẽ đến từ các nguồn tái chế hoặc có thể tái tạo vào năm 2025, so với mức 50% hiện nay và mong muốn mỗi một nhà hàng McDonald’s đều tái chế ống hút, giấy gói, tách và những thứ tương tự như thế.

Trucost, một bộ phận nghiên cứu của Standard & Poor’s, ước tính rác ở biển gây tổn thất 13 tỉ USD mỗi năm, chủ yếu qua tác động tiêu cực của nó đối với ngành đánh bắt cá, du lịch và tính đa dạng sinh học. Nó khiến cho tổng mức tổn thất môi trường và xã hội do ô nhiễm nhựa lên tới 139 tỉ USD mỗi năm. Trong số đó, phân nửa đến từ hiệu ứng khí thải nhà kính liên quan đến việc sản xuất và vận chuyển nhựa; 1/3 đến từ tác động của ô nhiễm không khí, nước và đất đối với sức khỏe, mùa màng và môi trường cộng với chi phí xử lý rác thải.

Đáng nói hơn, đến năm 2100, tình trạng a-xít hóa đại dương (hiện tượng giảm nồng độ pH liên tục trong các đại dương do sự hấp thu khí CO2 mà quá trình tác động của con người thải ra khí quyển) có thể gây tổn thất tới 1.200 tỉ USD mỗi năm. Chi phí do tình trạng nước biển nóng lên bởi biến đổi khí hậu rất khó mà tính toán nhưng ước tính mức chi phí đó là rất lớn.

Tổng mức tổn thất do ô nhiễm nhựa “vẫn đỡ hơn” so với các loại ô nhiễm khác do con người gây ra, chủ yếu bởi vì nhựa nhẹ. Sản xuất 1kg nhựa nguyên thủy thải ra từ 2-3kg khí CO2, tương đương thép và gấp 5 lần gỗ. Nhưng một sản phẩm được làm từ nhựa có thể cân nặng chỉ bằng một phần nhỏ của một sản phẩm tương đương làm từ các chất liệu khác. 

Đó là lý do vì sao thay nhựa bằng các vật liệu khác có thể làm tăng chi phí môi trường ít nhất 4 lần, theo các chuyên gia phân tích của Trucost. Một phân tích của Chính phủ Anh năm 2011 cho thấy để lượng khí thải nhà kính từ quá trình sản xuất và vận chuyển một túi xách bằng cotton vượt cao hơn túi nhựa sử dụng 1 lần, thì chiếc túi cotton đó phải được sử dụng 131 lần. Con số này tăng lên gấp 173 lần nếu 40% số túi nhựa được tái sử dụng thành các túi đựng rác. Lượng carbon thải ra của một túi giấy mà không được tái chế lại gấp đến 4 lần một túi nhựa. 

Và các vật liệu khác cũng không thể thay thế nhựa cho dù ở tình huống nào, như một bệnh viện không thể không có găng tay phẫu thuật. Bằng cách giữ cho thực phẩm tươi mới sử dụng được lâu hơn, các bao bì nhựa về căn bản đã làm giảm được lượng chất thải hữu cơ (tức hạn chế lượng thực phẩm hỏng bị bỏ đi), vốn là một vấn đề môi trường đang ngày càng nhức nhối. Vào năm 2015, J. Sainsbury (Anh) đã giảm được lượng thải ra đối với món thịt bò bít tết tới hơn phân nửa bằng cách dùng bao bì nhựa hút chân không. 

Theo như lời của một quan chức châu Âu, ô nhiễm nhựa “không phải là vấn đề bức thiết nhất của trái đất”. Nhưng ông cũng lưu ý rằng chỉ bởi vì nhựa có thể không phải là vấn đề lớn nhất mà con người đang đối mặt cũng không có nghĩa là chúng không gây ra những rắc rối. 

Một vấn đề khác là nhiều nỗ lực bảo vệ môi trường do ô nhiễm nhựa vô tình để lại hậu quả. Chẳng hạn, sản xuất ra nhựa phân hủy sinh học lại khiến cho loại nhựa này trở nên khó tái chế hơn. Các nhà tài chế đã rất chật vật trong việc đầu tư gia tăng công suất hoặc cải tiến. Trong khi đó, giá dầu giảm theo chu kỳ, vốn khiến cho nhựa nguyên thủy rẻ hơn, có thể đẩy các nhà tái chế vào tình cảnh phá sản, nhiều trong số đó lại là các công ty nhỏ và vừa, theo Peter Borkey thuộc OECD. 

Trong khi đó, các tập đoàn hàng tiêu dùng nói rằng có quá ít nhựa tái chế để họ có thể mua được. “Nguồn cung là vấn đề rắc rối còn lớn hơn cả chi phí”, Virginie Helias, Phó Chủ tịch về bền vững của Procter & Gamble, nhận định. Nói cách khác, nhu cầu không ổn định dường như làm què quặt nguồn cung trong khi nguồn cung không đủ cũng làm yếu đi sức cầu. Các nhà tái chế trên khắp thế giới đang phải đối mặt với vòng luẩn quẩn này. 

Dù sao các nỗ lực cũng rất đáng ghi nhận. Chẳng hạn như nỗ lực gia tăng công suất tái chế của các doanh nghiệp và áp dụng các công nghệ mới như công nghệ tái chế plasma. Hay việc Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải nhựa có thể là một động lực. Vào năm 2017, các nước châu Âu đã xuất đi 1/6 lượng rác thải nhựa ra nước ngoài. Hầu hết số rác thải này đi sang Trung Quốc. Với quy định mới của Trung Quốc, trong ngắn hạn, một phần lượng rác thải dư thừa có thể đi sang Malaysia hoặc Ấn Độ nhưng công suất của những nước này chỉ bằng một phần nhỏ của Trung Quốc. Do đó, các nhà xuất khẩu rác thải sẽ phải tìm cách xử lý phần lớn lượng rác thải ngay ở trong nước.

Nguồn The Economist