Nghệ sĩ tham gia vào Sốnglab không giới hạn ở những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật kỹ thuật số, mà mở rộng ra đa dạng lĩnh vực. Ảnh: toquoc.vn.

 
Tú Nguyễn Thứ Năm | 01/02/2024 14:00

Sốnglab mở cửa vào vũ trụ ký ức

Những tác phẩm nghệ thuật nhập vai đầu tiên cùng công nghệ 3D kể những câu chuyện mới về di sản, văn hóa Huế...

Sau 5 năm ấp ủ, không gian nghệ thuật kỹ thuật số Sốnglab với vốn đầu tư ban đầu hơn 50 tỉ đồng tại đường Bà Triệu, thành phố Huế đã đi vào vận hành. 5 không gian độc lập với các nhóm tác phẩm với nhiều hiệu ứng khác nhau, có tác phẩm chỉ cần chiêm ngưỡng hình ảnh chuyển động trên màn hình, có tác phẩm kết hợp màn hình phẳng với những khối sắp đặt, có tác phẩm lại đưa người xem nhập vai vào một không gian rộng lớn và đa tầng, có tác phẩm cho người xem ấn tượng khi soi chiếu qua gương, có nơi lại cho mọi người một “bờ biển” đồ họa số tương tác theo từng bước chân...

Một nền tảng thể nghiệm cho nghệ sĩ Việt Nam

Về mặt kỹ thuật, dự án hợp tác với đơn vị cung cấp thiết bị trình chiếu 3D mapping hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Nghệ thuật kỹ thuật số là quá trình xây dựng hình ảnh, tạo hiệu ứng thị giác bằng các phương tiện đồ họa máy tính, ngôn ngữ lập trình và trí tuệ nhân tạo (A.I). Loại hình này đã phát triển rộng rãi trên thế giới, nhưng ở Việt Nam thì chưa nhiều người tiếp cận được. Thậm chí, ở Việt Nam, nghệ thuật số vẫn là một dòng chảy tương đối tách biệt so với nghệ thuật truyền thống.

 

Một phần lý do là vì chưa từng có một sự đầu tư đủ chất lượng cả về không gian lẫn công nghệ cho loại hình nghệ thuật này. Theo anh Dương Đỗ, nhà sáng lập kiêm chỉ đạo thực hiện Sốnglab, không gian rộng hơn 1.000 m2 này có thiết bị máy móc, không gian đặc thù để phục vụ chức năng kết nối những người làm sáng tạo thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Tại đây, các nghệ sĩ có thể thoải mái thể nghiệm và dùng công nghệ để trình diễn các tác phẩm của mình.

Hiện nay, Tùng Monkey, nghệ sĩ thị giác Việt Nam với nhiều màn trình diễn digital art tại nhiều liên hoan nghệ thuật uy tín trên thế giới, như tại London Design Biennale ở Somerset House - Anh, hay HOW Art Museum, Trung Quốc, là Giám tuyển nghệ thuật của Sốnglab. Anh cùng hơn 10 nghệ sĩ đã tạo một không gian lấy cảm hứng từ sự đa dạng của sự sống nói chung và văn hóa di sản Huế nói riêng.

Những hình ảnh nghệ thuật số mang tính vị lai, qua nhiều thủ pháp đồ họa, người xem đi từ rừng hoa tạo ra bởi A.I, đến sự sắp đặt tượng, ánh sáng và Pop-art... Tất cả được trình chiếu bởi công nghệ 3D Projection Mapping.

Nghệ sĩ tham gia vào Sốnglab không giới hạn ở những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật kỹ thuật số, mà mở rộng ra đa dạng lĩnh vực. Chẳng hạn, các nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như vẽ sơn mài, sơn dầu... cũng có thể thi triển và trình chiếu tác phẩm của mình, qua sự hỗ trợ của các thủ pháp đồ họa. Hay nghệ sĩ về âm nhạc, múa đương đại hay các nhà điêu khắc cũng có thể trình diễn trong không gian vào tương tác với các tác phẩm ở đây để tạo một trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn hơn.
 
Mang đến ngôn ngữ nghệ thuật đương đại cho người xem

“Nghệ thuật đương đại đã khá quen thuộc với du khách trên thế giới và ở các thành phố lớn, nên sự có mặt của không gian trải nghiệm nghệ thuật đương đại tại Huế sẽ giúp địa phương này thu hút một số lượng lớn người thưởng lãm trong và ngoài nước. Ngôn ngữ nghệ thuật được xem là ngôn ngữ đại chúng, nên việc chuyển tải vẻ đẹp đời sống văn hóa địa phương qua ngôn ngữ nghệ thuật đương đại cũng là cách người xem thẩm thấu dễ dàng”, nhà sáng lập Sốnglab kỳ vọng.

 

Các tác phẩm ở Sốnglab không mô tả nguyên mẫu di sản, chất liệu văn hóa Huế. Những hình ảnh quen thuộc ở đất cố đô như lăng tẩm, khu chợ đến ngõ hẻm, gánh hàng rong, đò xứ huế, đèn hoa đăng, vịnh Lăng Cô... đều được nghệ sĩ quét 3D rồi tái diễn trong môi trường đồ họa lập thể. Người xem như bị cuốn vào những chiếc thuyền trôi lững lờ trong tiềm thức bỗng chốc tan mờ thành hàng ngàn chấm sáng di chuyển trong không gian nhiều tầng lớp. Qua lăng kính sáng tạo của nghệ sĩ, người xem sẽ như đi vào một thế giới khác, màu sắc hơn, huyền ảo hơn và đôi khi bị lạc vào một vũ trụ ký ức nửa thực nửa mơ đậm chất Huế. Theo các nghệ sĩ trẻ tại Sốnglab thì đến đây, mọi người sẽ cảm thụ nghệ thuật ở nhiều mức độ khác nhau. Trẻ em hoặc người chưa hiểu sâu về nghệ thuật có thể tiếp cận vui tươi nhẹ nhàng, người trình độ cao hơn thì tiến gần hơn với các ý niệm, triết lý nhân văn.

Dương Đỗ tin rằng không gian nghệ thuật mới mẻ này sẽ thu hút cả người dân địa phương lẫn du khách trong và ngoài nước. Theo định kỳ, những tác phẩm này sẽ được thay thế để tạo sự mới lạ cho du khách. Sốnglab chiếm một phần tầng trên cùng tại một tổ hợp giải trí và thương mại sáng tạo, quy mô gần 9.000 m2 ngay giữa thành phố Huế. Đây là bước tiến đáng kể trong hành trình xây dựng một hệ sinh thái dịch vụ, phục vụ nhu cầu làm việc, giải trí, nghỉ ngơi, thưởng lãm nghệ thuật, mua sắm, ăn uống và học tập mà Dương Đỗ đã ấp ủ từ khi mới thành lập chuỗi không gian làm việc chung Toong từ năm 2015.

Tiêu chí đề cao văn hóa tiếp tục được thể hiện ở việc tuyển lựa các doanh nghiệp đối tác, kinh doanh tại Sốngplatform phải ưu tiên nguồn nguyên liệu địa phương, phát triển theo tiêu chí bền vững... Đặc biệt, năm 2023 cũng là kỷ niệm 30 năm quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO vinh danh. Một không gian giải trí và nghệ thuật thế hệ mới, trang bị các thiết bị và công nghệ tối tân hình thành ngay giữa trung tâm cố đô, không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn là sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần nâng cao vị thế về du lịch và di sản cho thành phố Huế và Việt Nam.