Tỉ lệ sinh viên chọn Nhật và Hàn Quốc tăng từ 10% lên 25%.
Sóng du học chuyển về châu Á
Đầu tháng 9, Hương Thảo (sinh viên năm 2, TP.HCM) hoàn tất thủ tục du học và chuẩn bị cho kỳ nhập học chính vào tháng 10 tại Nhật, một điểm đến mà chỉ vài năm trước, ít ai nghĩ sẽ trở thành lựa chọn phổ biến.
Chuyến du học đầu tiên của Thảo là xu hướng mới trong thị trường giáo dục của thế giới. Cách đây một thập kỷ, nếu câu chuyện du học của nhiều sinh viên Đông Nam Á thường xoay quanh những quốc gia như Mỹ, Anh hay Úc thì hiện nay, xu hướng đã có sự thay đổi rõ rệt. Báo cáo từ Tổ chức ICEF Monitor năm 2023 cho thấy Nhật và Hàn Quốc đã thu hút hơn 150.000 sinh viên quốc tế đến từ khu vực này, tăng gần 30% so với năm 2018.
Có thể thấy, bức tranh du học của sinh viên Đông Nam Á đã có sự dịch chuyển đáng kể. Các quốc gia châu Á như Nhật, Hàn Quốc, thậm chí là Singapore dần chiếm ưu thế trong lựa chọn của nhiều Gen Z Đông Nam Á.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam năm 2023, số lượng sinh viên du học tại Mỹ đã giảm hơn 8% so với giai đoạn 2010-2015. Cùng thời gian, tỉ lệ sinh viên chọn Nhật và Hàn Quốc tăng từ 10% lên 25%, thậm chí nhiều hơn ở một số quốc gia Đông Nam Á khác. Trong đó, Việt Nam và Thái Lan là 2 nguồn cung cấp sinh viên chính.
Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) đưa ra báo cáo về một số lý do khiến số lượng sinh viên quốc tế tại Mỹ giảm liên tục trong những năm gần đây là chi phí học tập và sinh hoạt cao, bên cạnh chính sách nhập cư chặt chẽ hơn từ Chính phủ Mỹ. “Các quốc gia châu Á không chỉ thu hút bằng chất lượng giáo dục mà còn nhờ vào sự tương đồng văn hóa và chi phí sinh hoạt hợp lý”, bà Nancy Gleason, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Tương lai tại Đại học Yale-NUS College, Singapore, nhận định. Hơn nữa, Gen Z dường như không còn bị ảnh hưởng nhiều bởi “hào quang phương Tây” như các thế hệ trước, mà hướng đến những lựa chọn thực tế hơn.
Quay trở lại câu chuyện của Hương Thảo, từng cân nhắc việc du học Anh như nhiều bạn bè, nhưng cuối cùng cô chọn Nhật. Dữ liệu từ Universities UK năm 2023 cho thấy, học phí dành cho sinh viên quốc tế du học tại Anh đã tăng từ 10.000 bảng Anh/năm lên mức 15.000-20.000 bảng Anh/năm. “Học phí ở Nhật chỉ bằng 60-70% so với các trường đại học ở Anh, chưa kể chi phí sinh hoạt cũng thấp hơn rất nhiều. Và Nhật cũng gần Việt Nam hơn”, Thảo nói.
Nghiên cứu trong năm 2024 của ICEF Monitor chỉ ra các lý do ảnh hưởng đến quyết định chọn quốc gia du học của sinh viên khu vực Đông Nam Á là chi phí rẻ hơn, khoảng cách địa lý, sự tương đồng văn hóa, chế độ học bổng và cuối cùng là cơ hội việc làm trong và sau khi học tập ở nước sở tại. Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ cơ hội nghề nghiệp chiếm hơn 60% sinh viên được khảo sát.
Tính sẵn có của cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp được xem là yếu tố ảnh hưởng đến sinh viên khi chọn du học tại các nước. Việc sinh viên ngày càng quan tâm đến triển vọng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp là lý do khiến các quốc gia châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Singapore... xuất hiện nhiều hơn trong quá trình cân nhắc du học của nhiều sinh viên. Được biết, số lượng sinh viên quốc tế ở lại làm việc tại Hàn Quốc đã tăng 15% từ năm 2020-2023, nhờ các chính sách tạo điều kiện làm việc thuận lợi sau tốt nghiệp.
Trong khi đó, xu hướng đối lập dường như đang diễn ra ở phương Tây. Chẳng hạn như trường hợp của Phương Thy (23 tuổi), đang tìm việc làm sau khi tốt nghiệp bằng cử nhân chuyên ngành marketing tại Anh. “Các công ty ở Anh thường ưu tiên người của nước họ nên mức độ cạnh tranh và đào thải của người ngoại quốc khá cao. Tôi cần phải tìm được việc làm hoặc học lên nếu muốn tiếp tục ở lại”, cô nói. Phương Thy cho biết cô chưa cân nhắc về nước làm việc, bởi như vậy tốc độ thu hồi vốn cho việc du học sẽ chậm đi rất nhiều.
Có thể thấy sự tương phản rõ rệt với Nhật và Hàn Quốc, nhất là trong bối cảnh các quốc gia châu Á đang tận dụng cơ hội để thu hút nguồn nhân lực tài năng từ Đông Nam Á. Không chỉ có các chính sách mở cửa ở nước sở tại, mà báo cáo từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật năm 2023 cho thấy số lượng doanh nghiệp Nhật có chi nhánh tại Đông Nam Á đã tăng hơn 20% trong vòng 5 năm qua và dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 con số mỗi năm.
Hàn Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng này. Theo Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, tổng vốn đầu tư của nước này vào Đông Nam Á năm 2023 đạt gần 8 tỉ USD. Nếu chỉ tính riêng Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Hàn Quốc, Singapore và Nhật là 3 nước có nguồn vốn đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, tính từ năm 1998 đến tháng 9/2024. Như vậy, sinh viên Đông Nam Á lựa chọn du học tại các quốc gia châu Á sẽ có nhiều lựa chọn hơn ngoài việc ở lại nước du học để tìm việc. Điều này mở ra cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sau khi hoàn thành chương trình học ở các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật... và muốn trở về quê hương.
“Thế giới đang chứng kiến một cuộc dịch chuyển trọng tâm trong giáo dục và các quốc gia châu Á có thể sẽ trở thành những điểm đến tiềm năng trong thập kỷ tới”, Giáo sư Philip Altbach, chuyên gia hàng đầu về giáo dục tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế Boston College, nhận định.