Ảnh: QH

 
Việt Dũng Thứ Năm | 25/07/2019 16:00

Sôi động trường phi công

Việc mở rộng của nhiều hãng bay mới đã dẫn đến tình trạng thiếu phi công tại Việt Nam.

Tập đoàn Vingroup mới đây bắt tay với CAE Oxford Aviation Academy, tổ chức đào tạo hàng không quốc tế, thành lập Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không và Trung tâm Huấn luyện bay Vinpearl Air tại Việt Nam, được tuyển sinh ngay từ tháng 8 và dự kiến sẽ có khoảng 400 phi công và thợ máy đạt các tiêu chuẩn quốc tế “ra lò” hằng năm.

Đỏ mắt tìm phi công

Trên thực tế, mảng đào tạo nhân lực hàng không từ nhiều năm nay là bài toán đau đầu với các hãng hàng không Việt Nam, khi thị trường này tăng trưởng nóng trong thời gian qua. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhất toàn cầu trong một thập niên trở lại đây, với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 17,4%, cao gần gấp đôi so với mức bình quân của châu Á. Một báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam tính toán từ nay đến năm 2030, ngành hàng không Việt Nam sẽ cần khoảng 200 phi công mỗi năm để đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, báo cáo này có vẻ chưa theo kịp thị trường, bởi tính riêng báo cáo của Vietnam Airlines thì nhu cầu phi công bổ sung trong năm 2019 đã là 193 người.

Soi dong  truong phi cong

Nhu cầu này trở nên cấp thiết hơn bởi Việt Nam chưa có trung tâm đào tạo huấn luyện phi công, hầu hết phải đào tạo tại nước ngoài.

Dù vậy, một điều đáng chú ý là ngày càng nhiều dự án đào tạo phi công được triển khai ở Việt Nam, trong đó chủ yếu là các hãng hàng không tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình trong tương lai. Chẳng hạn, cuối tháng 11 năm ngoái, Học viện Hàng không VietJet tại Khu Công nghệ cao (TP.HCM) đi vào hoạt động với số vốn đầu tư ban đầu 170 triệu USD.

Thống kê của VietJet Air cho biết Học viện đã tổ chức đào tạo 924 khóa cho 21.611 lượt học viên, trong đó có 157 khóa đào tạo phi công, 127 khóa đào tạo tiếp viên, 128 khóa đào tạo kỹ sư. Điểm nhấn trong đó là việc hợp tác với Airbus, đưa vào hệ thống buồng lái mô phỏng tàu bay và các thiết bị huấn luyện khác. Tính đến cuối năm 2018, Hệ thống buồng lái mô phỏng đã thực hiện hơn 910 giờ huấn luyện cho các phi công trong và ngoài nước, báo cáo thường niên VietJet Air cho biết.

Soi dong  truong phi cong

Tuy nhiên, Vietnam Airlines mới là hãng đưa Tổ hợp buồng lái mô phỏng máy bay (SIM) đầu tiên về Việt Nam vào tháng 8 năm ngoái. Hãng cho biết đã hoàn tất việc nội địa hóa huấn luyện chuyển loại phi công của 3 dòng máy bay chủ lực là A321, A350 và Boeing 787 từ 4 thiết bị mô phỏng buồng lái này.

Trên thực tế, Vietnam Airlines sở hữu Trường phi công Bay Việt, được thành lập năm 2008, nhưng việc đào tạo phi công “bay được” thì vẫn phải đi ra nước ngoài. Đại diện Vietnam Airlines khi đó nhận định tổ hợp này sẽ giúp cho Hãng tiết kiệm hơn 285 tỉ đồng trong 10 năm từ việc tự đào tạo phi công chuyển loại.

Hướng đến khu vực

Với các hãng hàng không, trung tâm huấn luyện bay là một nhân tố quan trọng, không chỉ bổ sung vào chuỗi giá trị của mình, mà còn có thể hướng đến việc cung cấp dịch vụ đào tạo cho các hãng hàng không trong khu vực.

Một “tân binh” khác trên thị trường hàng không là Bamboo Airways cũng có những tính toán riêng. Dù có mạng đường bay chưa nhiều, nhưng Hãng vẫn liên tục tuyển các vị trí như cơ trưởng, cơ phó và đội ngũ tiếp viên. Hồi tháng 6, Bamboo Airways công bố sẽ xây dựng Viện Đào tạo hàng không đặt trụ sở tại tỉnh Bình Định.

Trên thực tế, từ khi Bamboo Airways ra đời, tình trạng cạnh tranh nhân lực hàng không trở nên gay gắt hơn. Tại Việt Nam hiện có 5 hãng bay nội địa đang hoạt động là Vietnam Airlines, VietJer Air, Jetstar Pacific, VASCO và Bamboo Airways. Dự kiến trong thời gian tới còn thêm nhiều hãng bay mới đang chờ cấp phép.

Soi dong  truong phi cong

Hiện nay, có nhiều hình thức đào tạo phi công, như người học tự bỏ tiền túi đi học các trường dạy bay ở nước ngoài, có người ký hợp đồng với hãng hàng không để được tài trợ chi phí. Ước tính chi phí học bay đã lên đến con số 2-3 tỉ đồng, chưa tính đến các chứng nhận chuyên ngành riêng hay các chi phí khác.

Thời gian đào tạo khoảng 2 năm, đầu tư con số tương đối nhưng với mức lương thương mại có thể lên đến 100-200 triệu đồng/tháng, nhanh “thu hồi” vốn nên lĩnh vực phi công thu hút nhiều người tham gia trong thời gian qua.Nghe hấp dẫn là thế, nhưng để đào tạo một phi công chính thực tế rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Như ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, từng chia sẻ, để có một phi công lái chính Airbus A320, A321 cần ít nhất 3-4 năm đào tạo cơ bản, với máy bay A350, Boeing 787 thì có thể kéo dài lên đến 7-8 năm.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển, các hãng hàng không buộc phải chấp nhận thuê phi công nước ngoài dù chi phí cao. Dù vậy, đó chỉ là phương án trong ngắn hạn, về dài hạn thì hãng nào cũng mong muốn mình có thêm mảng đào tạo phi công để chủ động hơn trong chiến lược phát triển.

Báo cáo Pilot & Technician Outlook năm 2018 của Boeing cho thấy hiện tại có khoảng 9 quốc gia tham gia đào tạo phi công, với 14 trung tâm dịch vụ bay trên 5 châu lục. Nhu cầu nhân lực hàng không cũng ngày càng cao hơn trên thế giới, chỉ riêng phi công thương mại con số cần là 630.000 trong vòng 20 năm tới.

Một thông tin cũng đáng chú ý là cả Airbus và Boeing đều đang nghiên cứu các chuyến bay thương mại mà buồng lái chỉ có 1 người, tức nỗ lực cắt giảm số phi công cần thiết hiện nay dựa vào công nghệ tự động hóa.

Theo báo cáo của Ngân hàng UBS, được tờ The Economist dẫn lại, việc chuyển sang mô hình này có thể tiết kiệm cho các hãng hàng không dân dụng 15 tỉ USD mỗi năm trên thế giới, còn nếu tự động hoàn toàn thì con số sẽ lên đến 35 tỉ USD.

Tất nhiên, việc điều khiển tự động sẽ đòi hỏi một hệ thống bay cực kỳ đáng tin cậy. Trong lúc đó, tầm quan trọng của các phi công hiện nay rất lớn, không chỉ liên quan đến sự ổn định của ngành mà trên hết là an toàn bay