Quy mô thị trường socola dự kiến sẽ tăng từ 111,97 tỉ USD vào năm 2023 lên 133,18 tỉ USD vào năm 2028.
Socola Việt trở thành quà tặng cao cấp trên thị trường quốc tế
Tại buổi ra hội thảo có chủ đề “Nâng cao giá trị bản địa cùng nông sản địa phương” được tổ chức tại TP.HCM ngày 16/3, các chuyên gia ngành socola cho biết: Thị trường tiêu thụ socola lớn đang có sự dịch chuyển từ các nước châu Âu sang các nước châu Á. Một số nước đạt mức tăng kỷ lục là: Ấn Độ tăng 20% mỗi năm, Trung Quốc là 30% và Nhật Bản là 35 %. Lượng tiêu thụ sản phẩm socola bình quân trên đầu người ở châu Á chưa cao bằng ở châu Âu nhưng có tốc độ tăng trưởng tốt, do đó tạo nên môi trường thuận lợi để phát triển và tăng trưởng dài hạn.
Theo bà Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Alluvia Chocolate thì Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là thị trường tiêu thụ ngày càng lớn của thương hiệu này. Trong những năm gần đây, xu hướng sử dụng sản phẩm socola được sản xuất bằng phương pháp thủ công bean – to – bar có hương vị đặc biệt lại được ưa chuộng tại Nhật Bản. Sản phẩm được sử dụng làm quà tặng cao cấp bởi chúng có giá bán đắt đỏ hơn những loại socola thường. Người tiêu dùng Nhật rất quan trọng hình thức nên những năm qua, Alluvia Chocolate đặc biệt đầu tư mạnh tay vào thiết kế bao bì, vỏ hộp theo hướng tôn vinh nét đẹp văn hóa bản địa. Ví dụ, sản phẩm mới nhất của công ty này là socola kết hợp với mật hoa dừa, đặc sản của bà con người Khơ me ở Trà Vinh thì bao bì sẽ vẽ hình cô gái mặc trang phục truyền thống của người Khơ me…
Thị trường tiêu thụ socola lớn đang có sự dịch chuyển từ các nước châu Âu sang các nước châu Á. |
Theo Mordor Intelligence, quy mô thị trường socola dự kiến sẽ tăng từ 111,97 tỉ USD vào năm 2023 lên 133,18 tỉ USD vào năm 2028, với tốc độ CAGR là 3,53%. Thị trường socola trên toàn thế giới ngày càng phát triển mạnh do nhu cầu tăng ổn định. Tại Việt Nam, thị trường này cũng ghi nhận sự phát triển khi có ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia bằng việc tìm tòi, nghiên cứu cho ra mắt những sản phẩm đa dạng để thu hút người tiêu dùng.
Ông Olivier Nicod, Chuyên gia trong ngành socola đến từ châu Âu, nhận định rằng hiện nay, khách hàng đang chuyển sang sử dụng những sản phẩm socola mới lạ, bởi họ biết hương vị của sản phẩm này có thể thay đổi vào xuất xứ của nguyên liệu. Những người tiêu dùng yêu thích socola thường tìm hiểu về xuất xứ của hạt cacao không chỉ là tên quốc gia mà còn tìm kiếm cả vùng canh tác chúng. Do đó, các nhà sản xuất cũng phải thay đổi nguồn nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm mới, đáp ứng xu hướng và thị hiếu của người tiêu dùng.
Khách hàng trên toàn cầu đang chuyển sang sử dụng những sản phẩm socola mới lạ |
“Tôi rất thích socola của các bạn và khi thưởng thức món socola mật hoa dừa tôi càng thích thú hơn bởi hương vị đặc biệt, tôi thấy được sự sáng tạo và sự trân trọng nông sản từ người sản xuất. Thanh socola này khiến tôi có thể trải nghiệm vị socola một cách trọn vẹn và cũng rất an tâm về sức khỏe khi chỉ số đường huyết trong sản phẩm thấp, rất phù hợp với người ăn kiêng và tiểu đường”, Chuyên gia Olivier Nicod chia sẻ thêm.
Tại Hội thảo, ông Phạm Đình Ngãi, CEO Sokfarm cho biết, Sokfarm tự hào là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam kế thừa và nối tiếp ngành nghề thu mật hoa dừa truyền thống của người Khmer Nam Bộ. Với diện tích hơn 25.000 ha dừa ở Trà Vinh, Sokfarm áp dụng kỹ thuật masage hoa dừa để thu mật, gia tăng giá trị gấp 3-5 lần so với thu hoạch trái dừa, đồng thời bảo tồn ngành nghề truyền thống và xây dựng nông nghiệp bền vững.
Chia sẻ tiếp từ bà Nguyễn Ngọc Điệp: “Sau sự thành công của các vị socola khác nhau như socola tiêu Phú Quốc, quế Trà Bồng, dừa Bến Tre, gừng Cao Bằng, mắc khén…, sản phẩm socola đen mật hoa dừa mà Alluvia Chocolate và Công ty Trà Vinh Farm kết hợp cho ra đời lần này không chỉ mang đến hương vị mới lạ mà đây còn là cơ hội quảng bá socola và ca cao nguồn gốc tự nhiên được sản xuất bởi vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần đưa sản phẩm của người Việt đến tay người Việt và vươn xa ra thế giới. Đồng thời, hỗ trợ người nông dân trong phân phối sản phẩm và việc làm.”.