Ảnh: kienviet.net

 
Lê Phan Thứ Hai | 08/03/2021 13:30

Số hóa di sản: Cầu nối với đương đại

Công nghệ từng bước tiến vào các hoạt động thời trang, làm đẹp, nghệ thuật và cả trong bảo tồn, phục dựng di sản văn hóa.

Vào tháng 10.2020, nhóm Sen Heritage gồm các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, nhà văn hóa và những người yêu văn hóa cổ chính thức giới thiệu phiên bản kiến trúc Chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo VR3D (cho phép các nhà khoa học tái lập giả thuyết, chỉnh sửa giả thuyết trên phế tích thu thập được).

Tiến sĩ Trần Trọng Dương (chủ trì khoa học của dự án) cho biết, dựa trên sử liệu của văn bia Sùng Thiện Diên Linh (1121), Sen Heritage đã tái hiện quần thể kiến trúc của chùa Diên Hựu với tháp Một Cột ở trung tâm, được bao bọc bởi 2 vòng ao, 2 vòng sân, 2 vòng hành lang giải vũ và hệ thống các tháp lưu ly, các cầu bắc qua các ao. Mô hình này giúp người xem có cảm giác bước đi trong không gian chùa tháp thời Lý.

Đại diện Sen Heritage cho biết để có được thành quả này, họ đã mất gần 10 năm nghiên cứu các giả thuyết từ hàng trăm mảnh vụn, phế tích khảo cổ để có thể phỏng dựng tổng thể chùa tháp thời Lý với phong cách mỹ thuật và kỹ thuật xây dựng đặc trưng. Sau Chùa Một Cột, nhóm sẽ tiếp tục đưa công nghệ VR3D vào các dự án khác về số hóa di sản như đài đèn Quảng Chiếu thời Lý.

Sen Heritage không phải là nhóm đầu tiên áp dụng việc số hóa di sản. Trước đó, vào năm 2018, CyArk (công ty đến từ Afganistan, từng dữ liệu hóa hơn 200 địa điểm trên cả 7 châu lục, từ kỳ quan hiện đại cho đến những địa điểm khảo cổ học) đã phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (HMCC) số hóa 3D thành công điện Hòa Khiêm, văn bia Lăng Tự Đức và Lăng Hoàng hậu Lệ Thiên Anh. Năm 2019, CyArk cũng đã số hóa thành công phiên bản 3D toàn bộ Lăng Tự Đức, đưa di sản đến gần hơn với công chúng.

Ảnh: Số hóa Chùa Một Cột
Ảnh: Số hóa Chùa Một Cột
 

Dễ dàng nhận thấy, việc số hóa di sản giúp tạo ra hình ảnh chính xác có độ phân giải cao, phục vụ hiệu quả cho công tác bảo tồn, tham khảo tài liệu trong tương lai với cả ngành sử học và các ngành liên quan như phim ảnh, phục dựng.

COVID-19 đã làm thay đổi cách thưởng lãm và tiếp cận nghệ thuật cũng như cách các nhà đấu giá tranh, tổ chức triển lãm mang tác phẩm đến với người xem. Ở khía cạnh tích cực, dịch bệnh đã thúc đẩy việc số hóa các tác phẩm nghệ thuật tiến thêm một bậc. Trên trang mạng xã hội, website của các bảo tàng xuất hiện nhiều hiệu ứng hình ảnh động về những tác phẩm tranh cổ điển, tạo sự hứng thú cho người xem. Các hoạt động đấu giá tranh ảnh không vì dịch bệnh mà dừng lại, thay vào đó, chúng diễn ra qua mạng xã hội, thậm chí có phần sôi nổi hơn.

Tại Việt Nam, cuối năm 2020, sau 4 tháng nghiên cứu, 2 giảng viên của Đại học RMIT là Tiến sĩ Emma Duester và Michal Teague lần đầu giới thiệu đến công chúng những tác phẩm nghệ thuật qua con đường số hóa trong triển lãm mang tên “Không mây không mưa: Lưu giữ Nghệ thuật và Văn hóa Việt Nam cho tương lai” trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2020 qua nền tảng KunstMatrix. Triển lãm này quy tụ 22 nghệ sĩ đương đại Việt Nam tên tuổi như Bùi Công Khánh, Hà Trí Hiếu, Hà Thúc Phù Nam, Phan Thảo Nguyên, Lê Hoàng Bích Phượng... Chọn điểm dừng ở các tác phẩm nghệ thuật đương đại, mục tiêu của nhóm nghiên cứu, theo Tiến sĩ Duester là mang đến cơ hội xuất khẩu văn hóa kỹ thuật số trên toàn cầu. Hình thức xuất khẩu văn hóa này vừa rẻ, vừa tức thời hơn.

Theo Tiến sĩ Trần Trọng Dương, việc số hóa di sản và các tác phẩm nghệ thuật đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng từ rất lâu, nhằm bảo tồn di sản, tránh nguy cơ mất sử liệu do thiên tai, hoặc để làm phim cổ trang, game cổ trang nhằm phát huy hiệu quả giá trị của di sản. Mặt khác, việc số hóa di sản bằng công nghệ VR3D còn là cách thổi sức sống vào di sản, để di sản không nằm im trong bảo tàng, mà là chiếc cầu kết nối lịch sử - quá khứ với hiện tại và tương lai.

 

Bà Michal Teague, giảng viên ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo tại Đại học RMIT, cho biết, nền tảng kỹ thuật số cho phép các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa đem đến hình ảnh bao quát hơn về văn hóa Việt Nam đương đại. Nhờ đó, cơ hội đến từ việc số hóa các bộ sưu tập văn hóa nghệ thuật có thể tăng lên gấp 3 lần vì sẽ giúp nhiều người truy cập và thưởng lãm các tác phẩm/bộ sưu tập văn hóa nghệ thuật, cả truyền thống và đương đại. Cơ hội giới thiệu các nghệ sĩ Việt Nam ra thế giới cũng rộng mở hơn. Ở góc độ vĩ mô, theo nhóm nghiên cứu, ngành công nghiệp sáng tạo của Việt Nam có nguy cơ bị tụt hậu nếu tiến trình số hóa không đuổi kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của môi trường xung quanh. Tất nhiên, số hóa di sản hay các tác phẩm nghệ thuật không phải là chuyện một sớm một chiều. Nó đòi hỏi sự đầu tư đúng mức về tiền bạc, thời gian, tâm sức và trang thiết bị kỹ thuật.

“Thách thức thường gặp đối với các đơn vị văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội, mà chúng tôi tin rằng cũng là thách thức chung ghi nhận trên khắp Việt Nam, là thiếu nguồn nhân lực, thiếu vốn đầu tư, và thiếu trang thiết bị kỹ thuật như máy quét 3D, để số hóa các hiện vật văn hóa một cách bài bản”, Tiến sĩ Duester nhận định.

Có thể bạn quan tâm:

Năm thứ 2 liên tiếp Trung Quốc vượt Mỹ về hồ sơ xin bằng sáng chế