Số hóa cải lương
100 năm qua, nghệ thuật cải lương đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với công chúng, đặc biệt là người dân Nam Bộ. Nhưng hiện sân khấu cải lương đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước sự bùng nổ của các chương trình giải trí truyền hình, thị hiếu về sân khấu ca cổ, cải lương giảm dần. Một số sân khấu, nhà hát phải cắt giảm hoạt động do không đủ kinh phí.
Cũng như cải lương, vấn đề về bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống từ lâu đã được đặt ra nhưng chưa có hoạt động tạo ra kết quả đột phá. Việt Nam hiện đang sở hữu 12 loại hình văn hóa phi vật thể đại diện của thế giới nhưng cho đến hiện tại, nhìn chung chỉ có một số loại hình được đưa vào khai thác phục vụ cho sản phẩm du lịch phổ biến nên sức tiếp cận cũng như phổ biến vẫn chưa thực sự mang tính bảo tồn cao.
Về Chợ Nổi Cái Răng tại Cần Thơ, một số điểm phục vụ đờn ca tài tử cho các du khách nước ngoài theo những chiếc thuyền cập bến cơ bản chỉ là những mô hình nhỏ lẻ, mang tính tự phát, nghệ sĩ biểu diễn bằng đam mê và cũng nhận được những khoản thu nhập thấp.
Được mệnh danh là một trong những cái nôi của một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại do UNESCO công nhận nhưng dường như đờn ca tài tử nói riêng và các di sản khác như Hát Xoan, Dân ca Bắc Ninh, Ca trù… vẫn chưa có được một sân chơi xứng tầm mang tính bảo tồn và phát huy cũng như đẩy mạnh sức ảnh hưởng đến thị hiếu của các quốc gia khác. Riêng đối với đờn ca tài tử Nam Bộ, chỉ có thể xây dựng được sân chơi nhỏ theo mô hình câu lạc bộ, nhóm sinh hoạt nhỏ tại một số địa phương.
“Trong sự ảm đạm của ngành sân khấu, chúng tôi luôn mong muốn sẽ tạo được động lực để thúc đẩy nghệ thuật dân tộc được đi lên cũng như tạo được sân chơi, đất diễn cho các nghệ sĩ”, đạo diễn Phạm Văn Đằng tâm sự.
Có rất nhiều hội thảo chuyên đề được thực hiện nhằm tìm lối ra cho âm nhạc truyền thống trong đời sống đương đại. Rất nhiều giải pháp được đề nghị như xây dựng những nhà hát cho cải lương; có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho những người làm nghệ thuật truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo những soạn giả, đạo diễn, diễn viên trẻ; đưa cải lương vào học đường để cải lương đến gần với người trẻ, nuôi dưỡng một lớp khán giả mới...
Thực tế cho thấy, sàn diễn cải lương tuồng cổ mới đây đã có những thành công bất ngờ với 4 vở diễn Má Hồng Soi Kiếm Bạc, Loạn Chiến Phụng Hoàng Cung, Ngai Vàng Và Tội Ác, Dương Gia Tướng. Các suất diễn của 4 vở này thu hút khán giả đến kín rạp. Mức đầu tư không cao, chỉ từ 150-200 triệu đồng/vở. Sau nhiều suất diễn, nhà đầu tư có thể lấy lại vốn và phát sinh lãi... Nếu có kịch bản tốt, biết làm mới, cải lương vẫn thu hút được khán giả.
Dù không ồn ào nhưng việc đưa cải lương vào trong trường học đang là một hướng đi thú vị, gieo hạt mầm tình yêu của giới trẻ dành cho thể loại âm nhạc truyền thống. Học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh (quận 8, TP.HCM) đã bắt đầu một tuần học tập mới bằng những làn điệu cải lương trong buổi hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với chủ đề “Thanh niên với văn hóa dân tộc”.
Chương trình giới thiệu nghệ thuật sân khấu cải lương do nhà trường tổ chức, được dẫn dắt bởi chính các nghệ sĩ đến từ những gia đình có truyền thống cải lương lâu đời như nghệ sĩ Gia Bảo và Bình Tinh. Qua chương trình này, các em học sinh hiểu hơn về lịch sử hình thành, phát triển của nghệ thuật sân khấu cải lương ở Việt Nam. Tình yêu với cải lương, vốn đã ăn sâu vào thế hệ ông bà, cha mẹ, sẽ được nhen nhóm trong các bạn trẻ.
Ở một hoạt động khác, những website nhạc số như Nhaccuatui.com hay Mp3.zing.vn liên tục cập nhật, số hóa các kho nhạc cải lương. Lượt tải xuống và nghe những bản nhạc này cũng cao không kém những bản hit nhạc trẻ. Tìm kiếm một số tác phẩm tân cổ nổi tiếng như Chợ Mới, Tình Anh Bán Chiếu, Lá Sầu Riêng… trên một số trang web âm nhạc trực tuyến sẽ thấy được các tác phẩm này vẫn có lượt xem cao. Đặc biệt, với những tác phẩm được thể hiện lại bởi những ca sĩ, nghệ sĩ tài năng trẻ như Hồ Văn Cường, Phương Mỹ Chi… có lượng nghe, xem từ vài ngàn đến vài trăm ngàn.
Cách tiếp thị cho việc bán vé cũng năng động hơn khi hầu hết các nghệ sĩ có trang cá nhân trên mạng, thậm chí tạo các diễn đàn cho từng vở diễn để được lắng nghe ý kiến khán giả khi vở diễn ra mắt...
Có thể thấy, nếu biết cách khơi gợi, cải lương vẫn có chỗ đứng trong nền âm nhạc, nghệ thuật trong đời sống hiện tại. Đặc biệt, nhạc số có cách tiếp cận khác dành cho các di sản âm nhạc tại Việt Nam vốn lâu nay đứng trước lo ngại bị mai một vì giới trẻ thờ ơ, hoặc không có đất thương mại.
Theo bà Joana Wong, Trưởng bộ phận Tiếp thị Doanh nghiệp của Spotify, nhạc số tận dụng thế mạnh công nghệ cũng như dữ liệu (data-driven) để nâng cao trải nghiệm người dùng, giúp khám phá và cá nhân hóa âm nhạc theo nhiều cách khác nhau. Đại diện của Spotify cho rằng, trong xu hướng cá nhân hóa âm nhạc, nhiều thể loại nhạc truyền thống có cơ hội phát triển mạnh hơn.
Trong khi các dịch vụ kinh doanh nhạc trực tuyến như Spotify đang được nhiều kỳ vọng sẽ mang lại nguồn lợi cho kho nhạc được “số hóa”, phát biểu này cũng mang lại hy vọng “số hóa” cho các di sản âm nhạc tại Việt Nam, tiếp cận rộng rãi hơn với thế hệ trẻ.
“Cùng với số hóa, sự phát triển thông qua những ngôi sao mới nổi, sẽ phần nào giúp cho đờn ca tài tử tiếp cận được giới trẻ”, soạn giả Mai Thanh cho biết. Trong khi đó, đạo diễn Trần Minh Ngọc cho rằng: “Muốn tồn tại và phát triển, cải lương phải thay đổi, người làm cải lương phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, tìm ra con đường mới cho sân khấu cải lương”. Ông đưa ra giải pháp phải tạo ra công chúng cho sân khấu và có kế hoạch đào tạo đội ngũ sáng tác, biểu diễn và đạo diễn cải lương. Trước mắt, cần đào tạo những người quản lý có những hiểu biết kiểu các bầu gánh ngày xưa, nghĩa là biết nắm lấy thời cơ, các quy luật cung cầu của thị trường...
Đối với quy luật cung cầu của thị trường, số hóa đang là hướng tiếp cận phù hợp với giới trẻ và người yêu âm nhạc. Thời điểm năm 2004, với số tiền đầu tư thời bấy giờ là hơn 10 tỉ đồng, Ngân hàng Dữ liệu âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn truyền thông Việt Nam của Viện Âm nhạc được xem là một trong những ngân hàng đầu tiên hình thành được đầy đủ dữ liệu về các thể loại âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn truyền thống của các dân tộc trên mọi miền đất nước. Tuy nhiên, ở mức độ tiếp cận, quảng bá và khai thác những di sản âm nhạc này dưới góc độ kinh doanh, thu lợi nhuận nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế.
Hiện nay, số người sở hữu các thiết bị di động bùng nổ, đã tạo nền tảng cho việc phát triển các ứng dụng và dịch vụ nghe nhạc trên di động. Đồng thời, các website nhạc số cũng nở rộ và ngày càng đi theo hướng tuân thủ bản quyền, đem lại cơ hội thương mại hóa mạnh hơn cho các sản phẩm âm nhạc.
Theo nghiên cứu thị trường của Spotify, một nửa dân số thế giới nghe nhạc trực tuyến. Thói quen nghe nhạc miễn phí của Việt Nam cũng là một mỏ vàng cho các nhà khai thác quảng cáo trực tuyến. Theo nghiên cứu của Spotify, doanh thu của ngành tăng từ 1,5 tỉ USD hiện nay lên 7 tỉ USD vào năm 2020. Đại diện của Spotify cũng nhận định, người Việt cũng đã có thói quen trả tiền cho các dịch vụ như internet, tivi, thì cũng sẽ sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ nghe nhạc trong thời gian tới.
Ông Nhan Thế Luân, Giám đốc Công ty Cổ phần NCT (NhacCuaTui), chia sẻ với báo chí: “Trong khoảng 3 năm nữa là thời điểm chín mùi, tôi nghĩ mức thu phí sẽ đạt mốc 50% tổng doanh thu. Những người ở độ tuổi cuối 8X, đầu 9X và sắp tới đây là cuối 9X đã chấp nhận việc nghe nhạc trả phí”. Sự thay đổi tích cực của thị trường được cho là động lực để các doanh nghiệp kinh doanh nhạc số hàng đầu thế giới lần lượt đặt chân vào Việt Nam. Xu hướng này cũng đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội mới cho các loại hình âm nhạc truyền thống như cải lương