Ảnh: TL

 
Thùy Phạm Thứ Năm | 20/02/2020 07:02

Sợ Corona, lo rác khẩu trang

Mối lo rác thải từ hàng triệu chếc khẩu trang dùng một lần.

Cùng với sự sợ hãi trong đỉnh điểm của dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) gây ra, người dân nhiều nước châu Á cũng như Việt Nam vội vã tìm đến các biện pháp tự phòng vệ, đặc biệt là sử dụng khẩu trang. Kéo theo đó là cơn sốt khẩu trang trong mấy tuần qua ở khắp các thành phố. Đến mức, tại hệ thống Pharmacity và hệ thống Saigon Co.op, chỉ trong vòng 1 ngày, lượng khẩu trang được tiêu thụ đã lên tới trên 30 triệu chiếc, gấp 16 lần so với cùng kỳ.

Con số này vẫn tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Hệ thống Saigon Co.op, chẳng hạn, đang phối hợp các nhà sản xuất đưa ra thị trường đều đặn trung bình 200.000 khẩu trang mỗi ngày. Số lượng khẩu trang đưa ra thị trường dự kiến tăng mạnh khi các công ty bắt đầu quay trở lại sản xuất.

Trên thực tế, các loại khẩu trang y tế hiện chưa được khẳng định là có thể ngăn chặn và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh như siêu vi, virus, vi khuẩn. Trong chỉ dẫn chính thức từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) không đề cập mang khẩu trang giúp ngăn chặn virus. Tuy nhiên, các cơ quan này cũng không khuyến nghị tránh dùng khẩu trang.

Theo Tiến sĩ David Carrington, Đại học London, mặt nạ phẫu thuật, khẩu trang y tế thông thường không phải là sự bảo vệ hiệu quả chống lại virus hoặc vi khuẩn trong không khí, bởi vì chúng quá lỏng lẻo, không có bộ lọc không khí và để mắt lộ ra ngoài. Nhưng nó có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm virus thông qua văng từ hắt hơi hoặc ho và cung cấp một số biện pháp bảo vệ chống lây truyền qua đường miệng.

Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Hùng Vân là giảng viên môn vi sinh, Khoa Y, Đại học Y dược TP.HCM, chia sẻ thêm trên mạng xã hội: “Virus corona chủng mới lây lan qua giọt bắn từ ho, nhảy mũi sang người đứng gần, do vậy nếu chúng ta có khẩu trang che mũi và miệng là tránh được nguy cơ này. Khẩu trang nào cũng được, y tế cũng được, N95 hay 3M cũng được. Thậm chí, khẩu trang làm từ giấy nhiều lớp hay khẩu trang vải nhiều lớp cũng được”.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hàng triệu khẩu trang sau khi sử dụng sẽ đi về đâu, thì vẫn chưa có thông tin hướng dẫn hay chỉ đạo hình thức thanh tra, giám sát cụ thể từ các cơ quan chức năng. Thực tế, nhiều thành phố đã lên tiếng khi rất nhiều khẩu trang y tế đã sử dụng vứt bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và mất mỹ quan đô thị.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Tổng cục Môi trường chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng phương án bảo vệ môi trường trong phòng chống dịch bệnh. Cơ quan này cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Y tế hướng dẫn xử lý khẩu trang sau khi đã sử dụng đảm bảo hợp vệ sinh và bảo vệ môi trường.

Rõ ràng, khẩu trang dùng một lần đang ẩn mình trong 9.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày của thành phố. Nơi tập kết chính của chúng là các bãi rác lớn là Đa Phước, Vietstar, Tâm Sinh Nghĩa và Phước Hiệp..., dẫn đến rủi ro tiếp xúc cho hơn 4.000 công nhân thu gom rác, chưa kể các nhân viên lao công. Việc xử lý không đúng sẽ tăng nguy cơ dính dịch có chứa mầm bệnh cho đội ngũ thu gom.

Phó Giáo sư Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục y tế Dự phòng, Bộ Y tế, thông tin với truyền thông, người dân ngoài cộng đồng có thể dùng khẩu trang vải thay thế. Khi dùng khẩu trang vải nên có 3-4 chiếc khẩu trang để thay nhau sử dụng. Lúc tháo khẩu trang, người dân nên cuộn mặt ngoài của khẩu trang vào trong, cho vào túi ny-lon bọc kín lại để cuối ngày đem giặt bằng xà bông và phơi nắng thường xuyên. Đối với khẩu trang y tế dùng 1 lần nên cuộn lại và để vào một túi riêng và vứt cùng rác sinh hoạt.

Lịch sử các đại dịch lớn của thế giới như Cái chết đen hay cúm Tây Ban Nha cho thấy môi trường vùng dịch không được vệ sinh tốt là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng hơn là việc tiếp xúc với nguồn lây bệnh trực tiếp. Việc thu gom khẩu trang tại nguồn, đưa ra các hình thức khuyến cáo, kỷ luật hợp lý là rất cần thiết để ngăn chặn thói xấu vứt khẩu trang sau khi sử dụng bừa bãi, phòng ngừa kẻ gian lợi dụng để trục lợi và ngăn ngừa dịch bệnh ở Việt Nam hiệu quả hơn.