Ông Phạm Nhật Vượng đang là tỉ phú có khối tài sản lớn nhất của Việt Nam trong danh sách tỉ phú thế giới. Nguồn ảnh: Sputnik.

 
Sơn Mai Thứ Năm | 07/03/2019 17:15

Siêu giàu Việt Nam có bao nhiêu tiền?

Ông Phạm Nhật Vượng rời ghế Chủ tịch Vinhomes ngay thời điểm được vinh danh trong danh sách 200 tỉ phú thế giới.

→Giới siêu giàu thế giới sống ở đâu?

Tài sản của ông Vượng không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2018, ông Vượng sở hữu khối tài sản 5,5 tỉ USD thì đến cuối tháng 2.2019, khối tài sản của ông Vượng tăng lên 6,6 tỉ USD, đứng vị trí 198 thế giới.

Giới siêu giàu Việt tăng nhanh?

Những “đại gia” có tài sản sở hữu từ 30 triệu USD (khoảng 688 tỉ đồng) trở lên được xếp vào nhóm siêu giàu. Theo Báo cáo Thịnh vượng 2019 (Wealth Report) vừa được Knight Frank công bố, Việt Nam là nước có nền kinh tế đang phát triển cũng đóng góp 142 người siêu giàu.

Trong năm 2018, giới siêu giàu người Việt tăng thêm 7 người so với năm ngoái.

Các tỉ phú USD ở nước ta, ngoài ông Vượng còn có người phụ nữ “thép” Nguyễn Thị Phương Thảo, với khối tài sản 2,3 tỉ USD đang đứng vị trí thứ 2 tại Việt Nam và 1.015 thế giới. Bà Thảo hiện được biết đến nhiều nhất với 2 vai trò, Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (VietJetAir; HoSE: VJC) và Phó Chủ tịch thường trực HDBank (HoSE: HDB).

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải, và gia đình đứng vị trí thứ 3, khi sở hữu khối tài sản 1,7 tỉ USD, xếp thứ 1.329 thế giới.

Mặc dù là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản 6,6 tỉ USD, nhưng xét trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN), khối tài sản của ông Phạm Nhật Vương vẫn thấp hơn nhiều tỉ phú các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines.. nếu xét về tuổi, ông Vượng lại là người trẻ nhất.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) ghi nhận tài sản hơn 1,7 tỉ USD. Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) có khối tài sản được định giá 1,3 tỉ USD.

Trong nhóm 5 tỉ phú năm nay, ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Hồ Hùng Anh, Trần Bá Dương, Nguyễn Đăng Quang…có tổng tài sản khoảng 13,6 tỉ USD.

Việt Nam là nước có tỉ lệ người giàu tăng nhanh. Cũng theo khẳng định của Knight Frank, trong vòng 5 năm tới, tăng trưởng của giới siêu giàu tại Việt Nam có thể tăng nhanh hàng đầu thế giới với tỉ lệ đạt trên 31%.

Về số triệu phú có tài sản từ 3 triệu USD đến dưới 30 triệu USD, năm 2018 Việt Nam có khoảng 12.300 người, tăng hơn 5% so với trước đó. Dự báo năm 2023, con số triệu phú tại Việt Nam có thể tăng lên hơn 15.700 người.

Một tỉ phú doanh nhân người Mỹ gốc Việt bị loại khỏi danh sách tỉ phú Thế giới là ông Hoàng Kiều. Với 1,65 tỉ USD, ông Hoàng Kiều lần đầu tiên lọt danh sách tỉ phú thế giới năm 2014. Tài sản của ông từng lên tới 3,8 tỉ USD trong 2015. Tuy nhiên, trong danh sách năm ngoái, Hoàng Kiều tụt hơn 160 bậc, với 2,8 tỉ USD, ông đứng thứ 859 thế giới.

Sieu giau Viet Nam co bao nhieu tien?
 

Đến tháng 10.2018, trong danh sách người giàu nhất nước Mỹ, ông cũng vắng mặt sau 3 năm liên tiếp có tên với tài sản còn 1,6 tỉ USD, dưới mức tối thiểu là 2,1 tỉ USD. Còn trong danh sách tỉ phú Việt Nam, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát đã rời khỏi danh sách tỉ phú khi tài sản chỉ còn 1 tỉ USD.

Không chỉ có Việt Nam

Mức tài sản của ông Vượng hiện nay đang cao hơn cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, với khối tài sản 3,1 tỉ USD, và cũng cao hơn ông chủ các câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng thế giới như gia đình Srivaddhanaprabha (5,1 tỉ USD, sở hữu Leicester City), hay gia đình Glazer (4,9 tỉ USD, sở hữu Manchester United) ...

Và trong số các tỉ phú Thái Lan, có đến 4 tỉ phú đang có nhiều tài sản tại Việt Nam với nhiều khoản đầu tư lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, bán lẻ...Hầu hết các tỉ phú này đều có gốc người Hoa.

Không chỉ có Việt Nam mà nhóm người giàu khu vực châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ cũng đang tăng nhanh. Knight Frank cho biết năm 2018 thế giới có hơn 200.000 người siêu giàu đến từ châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Các nước châu Âu đóng góp hơn 1/3 số lượng giới siêu giàu với khoảng 70.000 người, các nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Philipines có số người giàu gia tăng nhanh chóng hơn khi đạt mức tăng từ 35% đến gần 40%.

Trong 3 thành phố lớn, London vẫn là thành phố có nhiều người siêu giàu nhất năm nay, với gần 5.000 đại diện, Theo sau là Tokyo với hơn 3.700 người và Singapore với gần 3.600 người. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng lại tập trung ở nhóm nền kinh tế châu Á, như Ấn Độ (39%), Philippines (38%) hay Trung Quốc (35%). Trong 5 năm tới, tổng số người siêu giàu toàn cầu được dự báo tăng 22%.

Theo báo cáo, 10 năm tới, thế giới sẽ có rất nhiều thay đổi. Trong đó, nhà đầu tư sẽ quyết định dựa trên căng thẳng địa chính trị. Knight Frank nhận định rằng nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài, một số nước xuất khẩu sang Mỹ, như Mexico, Canada, Việt Nam, Bangladesh và Đức sẽ được hưởng lợi.