billboard.com
Sao Hollywood diện thời trang Việt
Mùa hè 2017 thực sự trở thành dấu ấn khó quên của thời trang Việt nói chung và các nhà thiết kế nói riêng khi thương hiệu Công Trí được 2 ngôi sao hạng A Hollywood trình diễn trong 2 sự kiện tầm cỡ.
Những dấu ấn cá nhân
Nếu Rihanna chọn Em Hoa, được giới thiệu qua Tokyo Fashion Week để chụp ảnh quảng bá cho một thương hiệu giày, thì Katy Perry đặt riêng Công Trí 3 bộ trang phục cho chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới Witness, qua mối liên kết với chuyên gia trang điểm Hùng Văn Ngô.
“Tôi thấy điều này đáng tự hào. Chúng ta nên nhớ đó là ngôi sao hạng A của thế giới và chúng ta đang sống trong nền văn hóa của các ngôi sao (celebrity culture). Họ có sức ảnh hưởng lớn khủng khiếp đối với giới trẻ toàn cầu. Tiếp cận được họ chứng tỏ bạn phải có “tay trong” rất “quyền lực”. Tôi thán phục Công Trí vì các bước đi của anh, tương tự một nhà thiết kế trẻ khác ít được truyền thông hơn, nhưng cũng làm được một số điều tương tự là Phương My”, ông Nguyễn Danh Quý, Giám đốc Điều hành Công ty Đào tạo và Quản lý người mẫu Nomad MGMT, có hơn 5 năm gắn bó và am hiểu thị trường thời trang Việt, nhận định.
Làm việc với các ngôi sao ca nhạc hàng đầu để quảng bá tên tuổi là cách mà Công Trí chọn từ lúc khởi nghiệp. Anh thẳng thắn: “Ca sĩ giúp quảng bá tên tuổi nhà thiết kế đến khán giả một cách nhanh nhất. Ngày xưa tôi đã là vậy. Tôi không ngần ngại gì khi nói bây giờ tôi tìm cơ hội với các ngôi sao tầm vóc quốc tế”.
Không được đào tạo chính quy, Công Trí trưởng thành qua các show diễn cá nhân, thiết kế trang phục cho các ngôi sao hạng A tại Việt Nam, chinh phục một số tuần lễ thời trang quốc tế và được hỗ trợ đặc biệt từ những mối quan hệ của người trong nghề, trở thành thành viên của Hiệp hội Thời trang cao cấp châu Á.
Trong khi đó, cách tiếp cận của Phương My có vẻ thuần thời trang hơn. Tốt nghiệp Academy of Art University tại California, Mỹ, bằng tài năng, mối quan hệ, trưởng thành trong môi trường thời trang quốc tế, cái tên Phương My không ngừng tỏa sáng ở nhiều sàn diễn uy tín. Không chỉ làm thiết kế, My còn gắn bó với công việc tạo mẫu, sản xuất cho các tạp chí thời trang như Vogue, Harper’s Bazaar, Elle, Her World, Haute Magazine... Sản phẩm của Phương My được giới thiệu tại các cửa hàng ở nhiều nước trên thế giới: trung tâm thương mại Takashimaya - Singapore, Nass Boutique ở Kuwait, My Beautiful Dressing ở Pháp, Soon Lee, Gnossem, Argent Asia shop ở Singapore...
Đồng thời, thiết kế của cô được giới người mẫu quốc tế cực kỳ ưa chuộng. Lydia Hearst từng diện trang phục Phương My trên bìa Tạp chí Genlux năm 2014, diễn viên Elizabeth DiPrinzio chọn Phương My là người thiết kế riêng, siêu mẫu Coco Rocha chọn trang phục Phương My trong những ngày làm việc tại Việt Nam vào tháng 3.2017.
Trước Phương My, Công Trí, có thể kể đến một vài nhà thiết kế từng có mặt tại các tuần lễ thời trang quốc tế như Quỳnh Paris, Lý Quí Khánh, Nguyễn Quang Việt... Điểm chung giữa họ ngoài tài năng, đều được đào tạo thiết kế bài bản từ nước ngoài, có sự thông hiểu nhất định về nghề và thực sự có điều kiện về mặt tài chính. Chính những yếu tố này tạo điều kiện cho họ tiếp cận các sàn diễn quốc tế, quảng bá thương hiệu.
Dù theo cách của Công Trí hay Phương My thì việc trình diễn tại các tuần lễ thời trang quốc tế uy tín là con đường hiệu quả nhất để nhà thiết kế Việt giới thiệu sáng tạo của họ đến giới làm nghề, tạo dựng uy tín. Đây cũng là hướng đi mà bà Quỳnh Trang, người đưa Tuần lễ thời trang quốc tế về Việt Nam, đồng thời đứng sau Vietnam Next’s Top Model, Project Runway, khát khao và nỗ lực thực hiện. Bà không giấu tham vọng sau Công Trí, Hoàng Minh Hà, Vietnam International Fashion Week sẽ giới thiệu thêm nhiều nhà thiết kế tài năng hơn ra khỏi phạm vi quốc gia.
Chuyển động tươi mới
Theo ông Danh Quý, có 4 yếu tố mà nhà thiết kế Việt cần hội tụ để vươn ra thế giới: tài năng, mối quan hệ, sự thông hiểu về nghề nghiệp và thái độ. Ông nhấn mạnh: “Để nhà thiết kế Việt Nam cập bến các tuần lễ thời trang thế giới, phải có người đủ mạnh, đủ mối quan hệ, đứng sau họ đẩy họ đi. Còn việc họ có xứng được đẩy đi không thì phải nói tới tài năng mang tầm cỡ thế giới của các nhà thiết kế Việt. Nhưng đó là câu chuyện chúng ta sẽ nói vào một ngày khác, một dịp khác về sáng tạo, thẩm mỹ, tính quốc tế”.
Cũng theo ông Danh Quý, nếu muốn biết cách mà nhà thiết kế địa phương được đẩy tới các thị trường quốc tế thế nào, cứ nhìn sang Trung Quốc. Cách Tổng Biên tập Tạp chí Vogue Trung Hoa, Angelica Cheung, đã tạo ra những ngôi sao và các nhà thiết kế Trung Quốc mang tầm thế giới, trở thành những đại diện thương hiệu. Nói như vậy để thấy chưa có một nhà thiết kế Việt Nam nào cập bến 1 trong 4 tuần lễ thời trang thế giới một cách đúng nghĩa.
Điều này đồng nghĩa thị trường trong nước phải đủ lực để đẩy các tài năng đi xa, bởi thời trang là một hệ sinh thái hoàn chỉnh, muốn phát triển cần sự đồng bộ của rất nhiều yếu tố. “Nhà thiết kế có thể tạo ra những sản phẩm độc đáo nhưng chưa chắc họ đã giỏi tiếp thị sản phẩm. Họ cần một đội ngũ quản lý, xây dựng chiến lược và phát triển thương hiệu”, nhà thiết kế Thủy Nguyễn chia sẻ.
Nhìn lại trong 5 năm qua, ông Danh Quý đánh giá, thị trường thời trang Việt Nam đã có những bước chuyển “đáng kinh ngạc và đáng tự hào”. Điểm mấu chốt nhất cho những biến chuyển này chính là tư duy hội nhập vào dòng chảy thời trang của thế giới. 5 năm trước hiếm ai quan tâm đến tên thương hiệu, vậy mà giờ đây nhiều người có thể bàn tán sôi nổi về các giám đốc sáng tạo, giám đốc nghệ thuật đứng sau các thương hiệu đó. Việt Nam đang có các ngôi sao, người làm nghề gồm người mẫu, tạo mẫu, nhiếp ảnh gia, nhà sáng tạo... trở thành đại diện nhãn hàng, có sức ảnh hưởng về mặt thương mại đối với số đông. Việt Nam cũng có những show diễn theo mùa thường niên của những nhà thiết kế tên tuổi trong nước, có Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam, có những nhà thiết kế làm đồ cho ngôi sao quốc tế, có người mẫu tự tin tham gia các tuần lễ thời trang quốc tế, có công ty quản lý người mẫu quốc tế, tạp chí thời trang quốc tế... Thời trang trở thành đề tài được xã hội quan tâm. Đây là công sức của rất nhiều người hoạt động trong ngành thời trang, giải trí, kinh doanh hàng cao cấp.
“Tất nhiên, một yếu tố khác tôi nghĩ mạnh mẽ hơn, là do thời trang - trên quy mô toàn cầu - hiện đã trở thành một công cụ “quyền lực mềm” (soft power) mà các nước phát triển đang sử dụng để truyền bá văn hóa, chủ nghĩa tiêu dùng tới những quốc gia đang phát triển, tiềm tàng sức mua lớn, đặc biệt ở khu vực châu Á. Với một quốc gia như Việt Nam, chúng ta khó cưỡng lại được những làn sóng ngoại lai này”, ông Danh Quý cho biết.
Hoàng Linh Lan