Trước mỗi mùa diễn, toàn đội sẽ tập hợp trước 3 tháng để ráp, dựng vở mới, bố trí bối cảnh cũng như thiết kế âm thanh, ánh sáng. Ảnh: T.L.
Sân khấu kịch qua tư duy người trẻ
Sân khấu kịch Báo chí Nhân văn vừa khép lại mùa diễn thứ 7, trong đó có vở diễn mới Đạo Chích Và Quốc Vương - dị bản cổ tích lấy cảm hứng từ 3 câu chuyện quen thuộc trong dân gian gồm Dã Tràng, Đúc Người, Quận Gió. Gây ấn tượng với người xem bằng cách kể mới là một trong những điểm sáng và khác biệt của sân khấu này so với những sân khấu chuyên nghiệp tại TP.HCM.
Chàng trai sinh năm 1995 Nguyễn Đức Huy cho biết, sân khấu kịch đang trong giai đoạn bão hòa nội dung, rất khó để tạo cú hích thực sự. Do đó, để làm mới, để kéo khán giả đến rạp là cách kể. Không cố tình gây cười hay lấy nước mắt, mỗi vở diễn của sân khấu kịch Báo chí Nhân văn đều mang một màu sắc khác nhau. Kết hợp thủ pháp đồng hiện, thủ pháp điện ảnh, nghệ thuật múa đương đại vào dàn dựng, sân khấu đã kể những câu chuyện bằng góc nhìn, tư duy của người trẻ. Đây là lý do giúp sân khấu vượt khỏi khuôn viên trường học.
Khởi nguồn từ hội diễn Xuân Tình Nguyện của trường với một tiểu phẩm hài, Huy, lúc bấy giờ là bí thư Đoàn khoa, quyết định thành lập đội kịch để có thêm sân chơi cho sinh viên. Chính Huy cũng không hình dung được rằng, đội kịch chỉ vỏn vẹn vài thành viên ngày nào giờ đã lên đến gần 40 người đều là sinh viên, gồm các tổ, từ đạo cụ, phục trang, âm thanh, ánh sáng... cho đến diễn viên, hoạt động nghiêm túc chẳng kém gì một sân khấu chuyên nghiệp.
Trước mỗi mùa diễn, toàn đội sẽ tập hợp trước 3 tháng để ráp, dựng vở mới, bố trí bối cảnh cũng như thiết kế âm thanh, ánh sáng. Mỗi vở diễn trung bình ngốn mất khoảng 130-150 triệu đồng (riêng Đạo Chích Và Quốc Vương lên đến 190 triệu đồng) đều được dàn dựng lớp lang, kết hợp hiệu quả các loại hình nghệ thuật nhằm thể hiện thông điệp được truyền tải.
Thoạt đầu, phần đông khán giả của sân khấu là sinh viên hoặc người thân của các em. Tuy nhiên, chất lượng mỗi vở diễn đã tạo hiệu ứng lan tỏa trên mạng xã hội, nhiều khán giả bắt đầu biết và tìm đến sân khấu. Không ít vở gây được tiếng vang lớn, được khán giả yêu cầu diễn thêm suất như Lá Hát Như Mưa hay Trái Tim Hóa Thạch...
Bắt đầu bán vé từ mùa diễn thứ 5 với giá 110.000 đồng/vé, mỗi mùa diễn khoảng 3 suất và đều có vở mới, tính đến hiện tại, sân khấu kịch Báo chí Nhân văn đã bán được hơn 3.000 vé. Con số này nếu so với số lượng vé tại các rạp khác hay vé của các concert khiêm tốn vô cùng. Thế nhưng, đặt trong bối cảnh các sân khấu chuyên nghiệp cũng phải co cụm, gom lại theo mùa diễn thì 3.000 vé là minh chứng cho tinh thần “dám đam mê, dám rực rỡ” của một sân khấu tập hợp toàn những “tay ngang” trẻ tuổi.
Là giọng đọc đứng sau nhiều video quảng cáo của các thương hiệu tỉ USD, Nguyễn Đức Huy thay vì chọn lối sống tận hưởng lại gắn bó với sân khấu. Điều này bắt nguồn từ tình yêu vô điều kiện mà Huy được thắp lên từ sân khấu Hoàng Thái Thanh. Mãi đến khi trở thành sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trong lần đi xem cùng bạn, Huy mới biết kịch nghệ là gì. Từ ngỡ ngàng, Huy làm quen, rồi trở thành người dựng video trailer cho Hoàng Thái Thanh. Đó cũng là lúc Huy bắt đầu quan sát và tích lũy kinh nghiệm, lên ý tưởng cho sân khấu kịch Báo chí Nhân văn hiện tại. Huy nói mình học được nhiều từ 2 người thầy, cũng là 2 nghệ sĩ đáng kính Thành Hội và Ái Như, tinh thần làm việc nghiêm cẩn, hăng say.
“Tôi nghĩ mình may mắn khi sở hữu giọng đọc trời phú, nhờ nó mà tôi ổn định được cuộc sống. Vì thế, tôi muốn mang một phần sức lực của mình để nuôi dưỡng và phát triển một loại hình nghệ thuật khác. Phim ảnh thì tôi không có khả năng nhưng kịch thì tôi có rất nhiều ý tưởng”, Huy chia sẻ.
Đồng cảm, gắn bó với Huy và sân khấu từ mùa diễn thứ 2 là Võ Ngọc Quỳnh Như (sinh năm 1998), hiện là nhân viên của một công ty truyền thông. Như nói, hành trình cô và các thành viên trong đội kịch gắn bó với sân khấu là hành trình trưởng thành của tuổi trẻ, dám dấn thân, dám sống hết mình cho lý tưởng. “Ở đó, chúng tôi như một gia đình, anh chị em đôi lúc tranh luận để chọn ra phương án tốt nhất nhưng luôn yêu thương nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau dù là trên sân khấu hay trong hậu đài”, Như chia sẻ. Vì là sân khấu sinh viên, mỗi thành viên đảm nhận cùng lúc 2, 3 vai trò, nhưng luôn phối hợp nhịp nhàng với tinh thần tương thân tương ái và tận hiến dù không ai nhận được bất kỳ khoản thù lao nào.
Trước khó khăn về tài chính, vé bán ra không đủ chi nên mỗi mùa diễn, Huy đều phải bỏ tiền túi bù thêm gần phân nửa. Huy cho biết, đây chưa phải là trở ngại duy nhất. Thử thách còn đến từ lịch học, thi cử, lịch làm thêm của các thành viên trong đội cũng như sự lo lắng của các bậc phụ huynh, sợ con tụ tập bạn bè chơi bời bỏ bê học hành. “Sau nhiều suất diễn thành công, có tiếng vang, một số phụ huynh hiểu và cảm thông hơn”, Như cho biết.
Để sân khấu có thể đi dài hơi, bài toán đặt ra cho Huy và các thành viên trong ban chủ nhiệm là cân đối thu chi, cũng như tạo thêm cơ hội nghề nghiệp cho các thành viên. “Tôi đang cố gắng lùi về sau, hỗ trợ các bạn ở khâu cần thiết để mọi người được cọ xát và trưởng thành hơn”. Huy cũng mong mỏi thu xếp thêm suất diễn và khẳng định, chừng nào còn sức sẽ đi với sân khấu đến cùng. “Phát triển thành chuyên nghiệp e chưa thể vì tôi còn phải học thêm rất nhiều nhưng sau mỗi mùa diễn, chúng tôi đều ngồi lại, lắng nghe góp ý từ các thầy cô làm sân khấu, anh chị diễn viên và cố gắng để chuyên nghiệp hơn”, Huy nói.