Nguồn ảnh: Quý Hòa
Sách thời giãn cách
Dịch COVID-19 tái bùng phát, mọi kế hoạch tổ chức giao lưu giới thiệu và quảng bá sách mới của giới xuất bản Việt Nam hầu hết đều phá sản. Sau nửa năm lo lắng, xoay xở và hy vọng, đến giờ này có thể nói phần lớn các nhà làm sách đều không còn nghĩ đến chuyện tăng trưởng.
Đầu vào, đầu ra đều khó
Ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Công ty Sách Omega Việt Nam, chia sẻ: “Mục tiêu tăng trưởng của Omega trong năm 2020 chắc chắn không đạt được. Nếu duy trì được mức của năm 2019 đã là thành công. Tôi cho rằng các tổ chức khác cũng có tình hình tương tự”. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu của Omega chưa bằng 50%.
Một số người trong ngành cho rằng việc tạm dừng và hủy hàng loạt hội chợ giao dịch bản quyền quốc tế đã tạo sự khan hiếm sách mới. Vì vậy, điểm sống còn cho các nhà xuất bản là quản lý danh mục sách tái bản. Nhà xuất bản nào có danh mục sách tái bản tốt, có vòng đời sản phẩm dài, sẽ có cơ hội sống sót nếu dịch bệnh kéo dài cả năm. Nhà xuất bản nào chỉ trông chờ vào sách mới để làm đòn bẩy cho doanh số trong ngắn hạn sẽ thực sự khó khăn khi dịch không được kiềm chế. Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, số lượng đăng ký xuất bản từ các nhà xuất bản và công ty từ đầu năm đến nay giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đầu vào đã khó, đầu ra cho sách cũng gây sức ép lớn cho các đơn vị xuất bản. Thị trường phát hành sách truyền thống, dựa chủ yếu vào hệ thống cửa hàng bán lẻ chứng kiến sức mua liên tục giảm sút. Công tác phát hành sách hiện đã chững lại, các đơn vị phát hành lớn gần như chỉ nhập sách để duy trì mối quan hệ hoặc lựa chọn những đầu sách có khả năng bán chạy. Ngoài ra, do khó khăn về dòng tiền, một số đơn vị phát hành đề nghị giãn nợ, thay vì quyết toán theo định kỳ 6 tháng như trước đây.
Để thích ứng, nhiều doanh nghiệp sách đẩy mạnh bán sách qua hình thức online. Tuy nhiên, ngay cả những đơn vị có nguồn lực thì việc chuyển dịch sang online cũng gặp nhiều khó khăn, kết quả hạn chế. Hiện đầu tư một App để bán sách cần từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, một số tiền không nhỏ đối với lĩnh vực có biên lợi nhuận mỏng như làm sách. Ngoài ra, đi cùng App này cần duy trì đội ngũ đủ kỹ năng vận hành chuyên nghiệp, giúp tăng tỉ lệ người truy cập và sử dụng.
Trước tình thế đó, đa số đơn vị xuất bản đành chấp nhận giảm số lượng in. Tại Công ty Sách Omega, nếu năm 2019 với mỗi đầu sách đơn vị này cho in 3.000 bản thì trong năm nay, mỗi đầu sách chỉ in từ 2.000-2.500 bản. Nhà xuất bản Tổng hợp hiện nay với mỗi đầu sách cũng chỉ in 1.000 bản, so với 1.500 bản của năm ngoái. Lợi nhuận mỏng, thị trường diễn biến bất định đang tạo sức ép buộc các doanh nghiệp sách phải tinh giản bộ máy, đồng thời nâng cao chất lượng tổ hợp xuất bản.
Theo ông Vũ Trọng Đại, Công ty Sách Omega, các đơn vị cần chuẩn bị cho việc sống chung với dịch bệnh có thể kéo dài từ nay đến hết năm, thậm chí sang năm 2021. “Thay vì chủ động cơ cấu lại sản phẩm, bây giờ ngay cả việc khai thác sản phẩm mới cũng phải theo chiều hướng hoặc tầm nhìn từ nay cho đến hết năm 2021. Như vậy, sự chuẩn bị cần phải dài hạn hơn”, ông Đại nhận định.
Online cũng không dễ
Nhiều ý kiến cho rằng chuyển hướng xuất bản sách online là giải pháp cho các đơn vị xuất bản trong bối cảnh xuất bản truyền thống suy giảm nặng nề. Tuy nhiên, mảnh đất online không dễ khai thác đối với phần lớn nhà xuất bản Việt Nam ít vốn, thiếu kinh nghiệm quản trị và nền tảng công nghệ yếu.
Nguồn ảnh: Quý Hòa |
Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books, nhận xét: “Việc phát triển một nền tảng thương mại đủ lớn, có tầm vóc thì phải trông cậy những nhà phát hành hay các đơn vị công nghệ, còn phía xuất bản chỉ nên giữ vai trò liên kết. Nhưng triển vọng kinh doanh sách điện tử ở Việt Nam không hấp dẫn, nên không có nhiều người sẵn lòng đầu tư phát triển những nền tảng như vậy”.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, cho rằng việc phát triển thị trường sách điện tử cần một thời gian tương đối dài với sự hỗ trợ của Nhà nước. Chẳng hạn, Hàn Quốc đã cần quãng thời gian 5-7 năm với sự hỗ trợ, kích cầu của Chính phủ qua cơ chế tài trợ giá.
Liên quan tới hình thức xuất bản, phát hành trực tuyến, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cũng nêu ý kiến, để loại hình này phát triển rất cần sự chung tay của các đơn vị mạng viễn thông, như giảm phí thu từ bán sách điện tử hoặc thay vì giảm thu phí, hỗ trợ cung cấp một số gói quy đổi lợi ích khác.
Một số giải pháp lâu dài cần được đưa ra như xây dựng luật cơ chế giá sách; đẩy mạnh công tác bảo vệ bản quyền nhằm duy trì động lực phát triển của ngành; tăng cường hơn nữa hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn hành vi bán sách lậu online, đặc biệt là phát huy vai trò của các sở và cơ quan liên quan trong phòng chống in lậu.
Thực tế cho thấy sự e ngại của các nhà xuất bản, công ty sách trước doanh thu thấp của sách điện tử và nguy cơ bị đánh cắp bản quyền khiến cho sách điện tử Việt Nam chậm phát triển so với thế giới. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Cảnh Bình, hiện trên Amazon, sách điện tử đã chiếm thị phần tương đương với sách giấy, còn một số quốc gia châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng hình thành những công ty kinh doanh sách điện tử.
Trên thế giới, dịch bệnh đã thúc đẩy các giao dịch bản quyền trên nền tảng Zoom, Teams, Hang-out...và đưa các nhà xuất bản xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Hoạt động quảng bá của tác giả trên YouTube và trên các phần mềm họp trực tuyến đã giúp họ tiếp cận trực tiếp tới độc giả. Phương thức xuất bản trên thế giới hiện đã thay đổi nhiều. Có một số cách phổ biến trên thế giới để xuất bản một cuốn sách. Đó là thông qua đại diện bản quyền hoặc nhà xuất bản; thông qua nhà xuất bản; thông qua một dự án đặt hàng; tự xuất bản qua Amazon; xuất bản qua một nhà xuất bản chuyên làm sách điện tử; xuất bản qua APub, chi nhánh của Amazon; xuất bản thông qua công ty in/thiết kế; tự xuất bản rồi sau đó phát hành qua kênh truyền thống...
Trước dịch cúm, ngành xuất bản Việt Nam đã tụt hậu khá xa so với thế giới. Trong lúc dịch kéo dài, nếu thiếu sự cập nhật của hệ thống luật và chính sách liên quan, thiếu sự cải tổ của các nhà xuất bản, e rằng sự tụt hậu sẽ còn xa hơn nữa.