Vọng vang ký ức qua tiếng gọi đò
Nhà quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn là người đứng sau máy quay những bộ phim đã trở thành kinh điển của điện ảnh Việt Nam như: Thương Nhớ Đồng Quê, Hy Vọng Cuối Cùng, Hoa Ban Đỏ, Bến Không Chồng…
Xen kẽ các đợt đi làm phim là những chuyến đi dã ngoại tìm bối cảnh. Nhờ những chuyến đi này, NSND Nguyễn Hữu Tuấn đã rong ruổi tới nhiều nơi trên dải đất hình chữ S. Tài sản 40 năm chụp ảnh là hàng chồng hộp ảnh xếp đầy trong các căn phòng của ông.
Mấy chục năm đi chụp ảnh nông thôn, NSND Nguyễn Hữu Tuấn đặc biệt rất yêu thích chụp ảnh những bến đò. Bến đò trong ảnh của ông không chỉ là phong cảnh mà ẩn sau đó còn là chuyện đời, chuyện người. Sau rất nhiều năm góp nhặt, ông đã gói gọn những hình ảnh ấy vào cuốn sách Tiếng Gọi Đò - một tiêu đề gợi nhiều ý nghĩa và cảm xúc.
Gói gọn trong 147 trang, cuốn sách bao gồm 85 bức ảnh chọn lọc từ hàng ngàn bức đã chụp trong hơn 30 năm, từ 1987 đến 2018. Toàn bộ ảnh được in với hai sắc đen trắng gợi không khí hoài cổ.
Lật mở cuốn sách, bạn đọc như bước lên một chuyến đò trở về với những miền ký ức. Bên dưới mỗi bức ảnh, tác giả chú thích bằng hàng chữ viết tay, chỉ cho ta thấy ảnh ấy chụp ở đâu, khi nào. Những bến đò của ông hết sức quen thuộc, như bến đò Đông Trù (Hà Nội), bến đò Nương (Hiệp Hòa, Bắc Giang), bến đò Vân (Bắc Ninh)...
Đôi khi tác giả cũng kể lại câu chuyện khi qua mỗi chuyến đò ấy. Những câu chuyện riêng tư, những tâm tình ấp ủ, những lời qua tiếng lại, những tin đồn hay những giai thoại dân gian. Tất cả đều xoay quanh những bến sông, bến đò, những dòng chảy trôi nơi làng quê Việt.
"Mỗi bức ảnh của Hữu Tuấn dường như vang lên tiếng gọi đò từ ngàn xưa – đò ơi, đò hỡi, đò hời, hay như câu ca hát đối: Trăm năm dầu lỗi hẹn hò/ Cây đa, bến nước, con đò vẫn đưa. Tiếng gọi đò, thì thực chất đến thời điểm những năm 1980 đã mất, nhịp độ qua sống tương đối nhộn nhịp, không thưa vắng như thời cổ, nên người ta chỉ là đến bến đợi đò sang. Ở những cái bến này, cũng có tuổi đời vài ba trăm năm, tùy theo sự thay đổi của dòng sống và cách thức đường đi thuận tiện cho dân sinh hai bờ, nó thường là một triền đê, có điếm canh đò, quán trên bến và cây đa báo hiệu từ xa đây là bến đò, hai bên bờ cũng tương tự như vậy" - nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng viết trong bài giới thiệu.
Một số hình ảnh trong sách. Ảnh: NSND Nguyễn Hữu Tuấn |
Điều ấn tượng trong những bức ảnh của NSND Nguyễn Hữu Tuấn đó là ống kính của ông luôn hướng về những người phụ nữ. Hơn 80% những bức ảnh trong những bến đò của ông chụp về người phụ nữ ở nông thôn. Càng chụp ông càng gặp nhiều phụ nữ ở chợ lao động, bến sông, chợ dân sinh, những lúc nắng hay cả những ngày mưa họ đều xuất hiện. Họ phải xếp lốt cả tháng được 2 lần, mỗi lần 6km, được 300.000 đồng, xã lấy mất 150.000 đồng, hai bà mỗi bà còn 150.000 đồng. Bóng của họ vẫn là bóng đen, vẫn là những người chịu thiệt thòi trong cuộc sống. Ông chụp ảnh thênh thang thế, nhưng những câu chuyện ông kể trong ảnh mang lại nhiều suy ngẫm.
“Tôi luôn thấy họ đẹp, và tôi yêu những con người đó, yêu đất nước đã sinh ra những con người như vậy. Cũng như tôi đã đi qua nhiều vùng quê Việt Nam, chụp ảnh về những con người, những ngôi làng. Tôi thấy không có nơi nào đẹp hơn đất nước chúng ta bởi chính những con người bình dị đó” - NSND Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.
Mặc dù là sách ảnh nhưng Tiếng Gọi Đò lại cuốn hút từ đầu đến cuối trang sách bởi lối viết dung dị, dí dỏm và sâu sắc của ông. Những bến đò và con người ở đó mang vẻ đẹp của thời gian và ký ức, những nỗi niềm chung của những người con xa quê trước sự biến đổi nhanh chóng của làng; gợi nhiều suy ngẫm về cuộc sống hôm nay.
Đến một ngày, những bến đò, bãi sông sẽ chỉ còn trong ảnh. Cuộc sống đi lên và những bến đò dần được thay thế bằng những chiếc cầu, dần thiếu vắng tiếng ai gọi “Đò ơi!” da diết. Nhưng ký ức của một thời đoạn ấy vẫn lưu giữ trong tâm thức của tập thể như lời dẫn của tác giả, bao người “qua sông, có bao giờ không nghe thấy tiếng hát” và khiến người hôm nay bồi hồi.
Tiếng gọi "Đò ơi!" gợi nhiều ký ức và hoài niệm |
Nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho rằng, khi cuộc sống thay đổi, cảnh vật nhiều nơi không còn nữa, những bức ảnh chính là nhân chứng lịch sử. “Bến đò, tiếng gọi đò, người dân đi lại qua sông là phần hiện hữu của văn minh lúa nước Việt Nam trong quá khứ, còn kéo dài đến bây giờ, dù tính chất của con đò và bến đò bây giờ cũng đã rất khác, ngay cả canh tác nông nghiệp cũng thay đổi hoàn toàn, làng xã cổ truyền cũng tan vỡ theo nhiều nghĩa. Chính những bức ảnh này làm người ta nhớ nhung, đôi khi lưu luyến một quá khứ không lặp lại - một kỷ niệm của bất kỳ ai từng đi đò, chờ đò và sống trong sự yên bình của làng xã sông nước Việt”.