Vòng đời sản phẩm tinh gọn - Cuốn sách cho những “kẻ thay đổi cuộc chơi”
Với bối cảnh thị trường ngày nay, để cung cấp các phương pháp và công cụ phát triển các sản phẩm bền vững và mô hình kinh doanh mới, sáng tạo trong khi quản lý danh mục đầu tư cốt lõi, các tác giả Tendayi Viki, Craig Strong và Sonja Kresojevic đã cho ra đời quyển sách “Vòng đời sản phẩm tinh gọn”. Đây là cuốn sách dành cho những người muốn kiến tạo hành trình đổi mới và tăng trưởng bền vững. “Những kẻ thay đổi cuộc chơi” này có thể là bất kỳ ai: công nhân, giám đốc sản phẩm (product manager), chủ sở hữu sản phẩm (product owner), nhà thiết kế, kỹ sư phần mềm, giám đốc đổi mới, giám đốc công nghệ số, giám đốc marketing và kinh doanh, giám đốc tài chính, quản lý cấp cao và những người nằm trong ban điều hành.
Như thế nào là “tinh gọn”?
Hơn 20 năm qua, những phương pháp dựa trên tư duy tinh gọn và linh hoạt đã làm thay đổi cách các công ty phát triển và quản lý sản phẩm. Mặc dù các startup công nghệ là những công ty tiên phong trong việc ứng dụng những phương pháp này, nhưng không có nghĩa là những phương pháp đó chỉ phù hợp với môi trường khởi nghiệp.
Tư duy tinh gọn và linh hoạt dựa trên một tập hợp các nguyên tắc cơ bản, mà khi nắm được những nguyên tắc này, bất cứ công ty nào cũng có thể sử dụng nó. Nắm chắc và vận dụng các nguyên tắc này sẽ rất hữu ích trong quá trình chuyển đổi doanh nghiệp. Tư duy tinh gọn không phải là thu hẹp ngân sách hay quy mô. Quy mô đầu tư không phản ánh một quy trình là có tinh gọn hay không. Thay vào đó, tư duy tinh gọn là: làm đúng việc vào đúng thời điểm. Trong tư duy tinh gọn, điều đáng tiếc nhất là việc tiến hành sai phương án, ở một thời điểm không thích hợp.
Ví dụ, một trong những lý do khiến sản phẩm mới không thành công là vì thị trường của sản phẩm được mở rộng quá sớm (chi quá nhiều tiền và tài nguyên để xây dựng và cho ra mắt sản phẩm tại thị trường rộng hơn, nhưng lại bỏ qua bước thử nghiệm với người dùng).
Mô hình Vòng đời sản phẩm tinh gọn
Mô hình “Vòng đời sản phẩm tinh gọn” (hay còn gọi là Lean PLC, viết tắt của Lean Product Lifecycle) có 6 giai đoạn dựa theo quá trình phát triển của sản phẩm bao gồm Ý tưởng, Khám phá, Xác nhận, Tăng trưởng, Duy trì và Rút lui.
Để thực hiện những bước này, doanh nghiệp cần có đủ nguồn lực vào mỗi thời điểm thích hợp. Điều đó có nghĩa là quá trình phát triển sản phẩm gắn liền với quyết định đầu tư được đưa ra bởi ban điều hành, và những quyết định này sẽ tác động trực tiếp đến kết quả của việc áp dụng Lean PLC trong chu trình xây dựng sản phẩm.
Mô hình Vòng đời sản phẩm tinh gọn (Lean PLC) là vòng lặp xây dựng – đo lường – học hỏi. Mô hình này sẽ giúp bạn đưa ra các giả định và liên tục kiểm chứng chúng trong thực tế. Xuyên suốt quá trình thực hiện theo mô hình Lean PLC, việc lặp lại và liên tục cải tiến là nguyên tắc chính yếu. Bạn cần đặt câu hỏi cho mọi giả định. Không một kế hoạch kinh doanh nào có thể hiệu quả ngay trong lần đầu khách hàng tiếp xúc với sản phẩm. Thử nghiệm nhanh, trên quy mô nhỏ và càng sớm càng tốt! Hãy thử nghiệm các giả định và mô hình kinh doanh trước khi thâm nhập vào một thị trường mới, ngay cả khi sản phẩm của bạn đang tăng trưởng tốt.
Hãy cố hết sức với lựa chọn ban đầu của bạn, nhưng hãy chuyển hướng hoặc dừng lại khi cảm thấy đã đến lúc. Đây chính là biểu hiện của đúng việc, đúng thời điểm. Và tất nhiên, bạn không thể làm hết những điều ấy một mình, bạn cần một đội nhóm gồm những nhân sự đến từ các phòng ban và chuyên môn khác nhau, mà ở đó, sự đóng góp của mỗi thành viên đều mang lại giá trị. Ở những giai đoạn đầu của PLC, hãy giữ cho quy mô nhóm càng nhỏ càng tốt, và sau đó bổ sung thêm người khi bạn thấy cần.