Vì sao Phật giáo giàu chân lý?
Vì sao Phật giáo giàu chân lý? của tác giả Wright dẫn người đọc vào một cuộc hành trình về tâm lý học, triết học và nhiều khóa tu im lặng để chỉ ra cách thức và lý do thiền định có thể đóng vai trò là nền tảng cho đời sống tinh thần trong thời đại thế tục.
Tùy theo dân tộc và văn hóa khác nhau, người ta hiểu Phật giáo một cách khác nhau. Chúng ta sẽ không nói đến những khía cạnh “siêu nhiên” hay siêu hình vốn dĩ của đạo Phật – chẳng hạn như sự đầu thai – mà bàn về các khía cạnh tự nhiên: các ý tưởng vừa vặn nằm trong phạm vi của tâm lý học và triết học hiện đại. Chúng ta nên hiểu rằng không hề có một đạo Phật duy nhất, mà có rất nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau về đủ mọi phương diện lý luận. Nhưng cuốn sách này chỉ tập trung vào một “cốt lõi chung” – những tư tưởng cốt lõi được tìm thấy trong các trường phái chính của đạo Phật, dù những tư tưởng này có mức độ quan trọng khác nhau và có thể có cách nhìn nhận khác biệt ở những trường phái khác nhau.
“Vì sao Phật giáo giàu chân lý” không nói nhiều về Phật giáo, đây có thể xem như một cuốn sách tâm lý, vì giải thích nguyên nhân và cách giải quyết các vấn đề về tâm lý con người. Gạt sang một bên giá trị siêu hình của cảm giác thông thường trong ta về bản ngã, cũng như các lựa chọn thay thế thông thường về bản ngã đó, thì vẫn tồn tại một câu hỏi về giá trị đạo đức.
Quan điểm của Phật giáo phương Tây và quan điểm truyền thống Á Đông đối với Phật giáo là khác nhau. Tuy nhiên những điều được tác giả lý luận trong cuốn sách này đều được chứng thực từ khoa học hiện đại, với sự nhấn mạnh đặc biệt vào tâm lý học tiến hóa – tức là nhấn mạnh đặc biệt vào nghiên cứu về việc làm thế nào để chọn lọc tự nhiên định hình tâm trí con người.
Đây là một cuốn sách đặc biệt, bởi nó chọn cách giải thích tôn giáo bằng khoa học – nhìn Thiền và Giác ngộ từ góc độ khoa học và triết học. Xuyên suốt các phần, tác giả đều đưa ra nhiều ví dụ cụ thể trong từng trường hợp, để người đọc cảm thấy gần gũi, dễ hiểu và tiếp thu!
Hơn nữa, chân lý (true) quả là một từ tế nhị, và việc khẳng định chân lý về bất cứ điều gì, bao gồm cả những tư tưởng sâu sắc trong triết học hay tâm lý học, là một việc tế nhị. Thực tế, bài học lớn rút ra từ đạo Phật chính là hãy luôn nghi ngờ khả năng trực giác mà lối nhận thức thế giới thông thường đã mang lại và khiến bạn tin rằng chính trực giác giúp bạn nhìn thấy chân lý. Một số ghi chép của Phật giáo thời kỳ đầu, thậm chí còn đặt ra những hoài nghi: liệu một thứ như “chân lý” rốt cuộc có tồn tại hay không.
Tuy nhiên, trong bài thuyết pháp nổi tiếng nhất của Đức Phật, Ngài đã trình bày những tư tưởng thường được biết đến với tên gọi Tứ diệu đế (bốn chân lý cao quý), do vậy cũng không thể nói từ chân lý chưa từng hiện diện trong các cuộc đàm luận về tư tưởng Phật giáo. Robert Wright đã cố gắng bước đi bằng lòng khiêm nhường và thái độ thỏa đáng khi đưa ra nhận định: chẩn đoán của Phật giáo đối với tình trạng khó khăn của con người về cơ bản là đúng, và toa thuốc đạo Phật đã kê là hết sức hợp lý và quan trọng hàng đầu.
Cuối cùng, thừa nhận giá trị của các tư tưởng cốt lõi trong đạo Phật không nhất thiết là đưa ra quan điểm nào đó, theo cách này hay cách khác, về các trường phái tôn giáo hay triết học khác. Đôi khi sẽ có sự xung khắc về logic giữa một tư tưởng Phật giáo với một tư tưởng thuộc trường phái khác, nhưng thường thì điều này không xảy ra. Đức Đạt Lai Lạt Ma từng khuyên: “Đừng cố sử dụng những gì học được từ đạo Phật để trở thành một Phật tử tốt hơn. Hãy áp dụng những điều ấy để trở thành phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình ở hiện tại”.
Tác giả là một nhà báo nổi tiếng và là một chuyên gia về tâm lý học tiến hóa, Robert Wright. Ông đã dành hơn 10 năm nỗ lực để đánh giá hay ít nhất là kết nối những quan điểm cốt lõi của Phật giáo cũng như những kinh nghiệm thiền quán của bản thân ông, với những lý thuyết trong ngành tâm lý học tiến hóa và sâu hơn là với những nghiên cứu mới trong ngành thần kinh học.