Quỳnh Anh Thứ Ba | 29/04/2025 18:00

Tưởng như không thể

Hiểu biết về đất nước và con người Iran, Ukraine qua lăng kính của một cựu đại sứ.

Đối với những nhà ngoại giao Việt Nam, Iran và Ukraine là hai vùng đất khó nhằn: một nước thì bị phương Tây cấm vận, còn một nước thì đang trong cuộc xung đột căng thẳng với một cường quốc.

Giữa bối cảnh đó, làm sao để thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam và hai nước này? Cựu đại sứ Nguyễn Hồng Thạch từng trải qua nhiệm kỳ đại sứ tại Iran (2014-2018) và tại Ukraine (2020-2024). Biết rằng khó sát lại gần nhau được bằng kinh tế hay chính trị, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch quyết định chọn “khe cửa hẹp” độc đáo là ngoại giao văn hoá.

Cuốn sách “Tưởng như không thể” gồm 28 mẩu chuyện thú vị về cách đại sứ dùng thơ ca, điện ảnh, âm nhạc, ẩm thực… để “bắc cầu” mối quan hệ giữa Việt Nam với hai đất nước này. Tác phẩm này dành cho những ai quan tâm đến ngoại giao, những bạn đọc yêu mến văn hoá Việt Nam và việc quảng bá văn hoá nước nhà ra quốc tế.

Sát lại gần nhau nhờ các hoạt động văn hoá

“Tưởng như không thể” được chia làm 2 phần: phần một gồm 12 mẩu chuyện ngoại giao văn hoá tại Iran; và phần hai gồm 16 mẩu chuyện tại Ukraine. Đầu mỗi phần, tác giả có một bài viết ngắn phác họa vài nét chính về lịch sử, tôn giáo, chính trị từng nước. Phần nội dung nào cũng đậm đà những mẩu chuyện về cách cựu đại sứ dùng văn hoá để tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và hai quốc gia.

Ở Iran, đại sứ Nguyễn Hồng Thạch cùng đội ngũ trong Đại sứ quán đã thực hiện nhiều hoạt động văn hóa rất đáng nể. Chẳng hạn như biến những bài thơ trong cuốn “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành một chương trình văn nghệ tiếng Farsi đầy hấp dẫn (tiếng Farsi là ngôn ngữ chính được sử dụng ở Iran).

Hay như triển lãm ảnh “Việt Nam hôm nay” vào năm 2015. Triển lãm này đã khiến cho cựu đại sứ Iran tại Hà Nội nhận xét: “Ông đã làm cho người Iran biết đến tên Việt Nam. Trước đây người Iran chỉ biết đến Việt Nam như một cuộc chiến tranh”.

Trong phần này, cũng có những câu chuyện cho thấy sự sáng tạo của cựu đại sứ trong khâu tổ chức, thương thảo, tận dụng nhiều nguồn lực. Điển hình là việc kêu gọi sự hợp tác của các doanh nghiệp Iran dựa trên tinh thần “hai bên cùng thắng”. Đại sứ quán Việt Nam tại Iran đã mời một nhóm tứ tấu Việt Nam sang Iran biểu diễn, còn các công ty Iran tài trợ cho sự kiện đó - như một cơ hội để các doanh nghiệp này giới thiệu với khách các tour du lịch của họ…

Trong phần hai về Ukraine, tác giả cũng kể lại những ý tưởng quảng bá văn hoá độc đáo không kém, như thực hiện vở múa rối Lục Vân Tiên; tổ chức múa lân ngày ASEAN ở Kyiv (thủ đô Ukraine)… Đâu đó, những nỗ lực quảng bá văn hoá và hình ảnh Việt Nam còn nằm ở những cải cách nho nhỏ mà tinh tế, như tân trang lại hàng rào, sửa sang lại phòng lãnh sự, hay sử dụng ẩm thực Việt trong các sự kiện để chinh phục trái tim của bạn bè quốc tế. Chính cựu đại sứ đã có một đúc kết rất đơn giản mà thấm thía: “Ẩm thực Việt Nam là thế mạnh của ngoại giao Việt Nam”.

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra căng thẳng, nhiều mẩu chuyện làm văn hoá được kể lại thật ly kỳ. Và thật đáng nể khi trong bối cảnh phải sơ tán, thiếu thốn nhân sự và nguồn lực, nhiều hoạt động của đối tác ngừng trệ thì các hoạt động ngoại giao văn hoá vẫn được thực hiện một cách kiên trì và quyết tâm.

Trước việc khó cần nghĩ "ngoài khuôn khổ"

Trong “Tưởng như không thể”, bạn đọc sẽ phần nào nhận ra phong cách ngoại giao… phóng khoáng và sáng tạo của cựu đại sứ Nguyễn Hồng Thạch. Thay vì chỉ trông chờ vào nguồn lực sẵn có, ông xoay xở nhờ bạn bè thân quý, nhờ mạng xã hội, nhờ doanh nghiệp, đối tác; không nghĩ theo lối mòn cứng nhắc, mà linh hoạt và khéo léo; không chùn bước trước hoàn cảnh mà quyết tâm thực hiện những điều mình muốn tạo dựng.

Đơn cử như chuyện treo ảnh chủ đề Việt Nam lên hàng rào của Đại sứ quán tại Ukraine để giới thiệu hình ảnh đất nước, cựu Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch kể lại: “Đi xin ảnh của các cơ quan trong nước chắc không nhanh. Tết lại gần đến nơi rồi. Tốt nhất là xin bạn bè”. Vậy là đúng trước Tết 2021, Đại sứ quán kịp khánh thành hàng rào mới, khiến nhiều người phấn khởi.

“Tưởng như không thể” được viết bằng giọng văn gần gũi, thân tình, đem đến cho bạn đọc một góc nhìn từ bên trong công việc của một đại sứ quán. Đọc sách, ta cảm nhận được một trái tim nồng nhiệt với bản sắc văn hoá Việt Nam, và thấy thật tự hào vì nét hồn cốt văn hoá Việt được tôn vinh và có vị trí quan trọng trong ngoại giao.

Cuốn sách không chỉ dành cho những ai quan tâm đến ngoại giao hay quan tâm đến hai vùng đất trên, mà còn là một món quà cho những trái tim yêu văn hoá và mong muốn lan toả văn hoá Việt Nam đến với quốc tế. Sách cũng đem đến cho bạn đọc trẻ những bài học giá trị về thương thuyết, đàm phán, tạo dựng mối quan hệ… và trên hết là về một tinh thần đẹp sẽ giúp bạn tiến xa trong bất cứ lĩnh vực nào: Dám làm, dám sáng kiến, dám nghĩ ngoài khuôn khổ để làm được những điều “tưởng như không thể”.

Về tác giả - cựu Đại sứ, tiến sĩ Nguyễn Hồng Thạch

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow (Liên Xô cũ); tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Tổng hợp Quốc gia Australia; tiến sĩ Đại học New South Wales, Australia.

Ông từng làm Phó Tổng Biên tập Báo Thế giới và Việt Nam (Bộ Ngoại giao); Tổng Biên tập Tạp chí Đối ngoại, Ban Đối ngoại Trung ương; Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp Ban Đối ngoại Trung ương.

Ông làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại CH Hồi giáo Iran, kiêm nhiệm Syria và Iraq nhiệm kỳ 2014-2018. Giai đoạn 2020 - 2024, ông làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Ukraine, kiêm nhiệm Moldova.