Thùy Giang Thứ Bảy | 11/07/2020 14:00

Tương lai có thuộc về châu Á?

Một nghiên cứu cặn kẽ, đa lĩnh vực giúp người đọc hiểu được sức ảnh hưởng của châu Á.

Được biết đến như một chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Parag Khanna là người Mỹ gốc Ấn có mặt trong danh sách 75 nhân vật có ảnh hưởng lớn của thế giới trong thế kỷ XXI. Ông là đồng sáng lập, kiêm CEO của Factotum. Say mê nghiên cứu chuyên ngành quan hệ quốc tế, Parag Khanna dành không ít thời gian để thực hiện những đầu sách ghi nhận những biến chuyển mới của thế giới. 10 năm sau khi xuất bản tác phẩm đầu tay The Second World: Empires And Influence In The New Global Order, ông lại khiến thế giới giật mình khi cho ra mắt The Future Is Asian: Commerce, Conflict And Culture In The 21st Century (Tương Lai Thuộc Về Châu Á: Thương Mại, Xung Đột Và Văn Hóa Trong Thế Kỷ 21).
Đây là một quyển sách dài với khá nhiều dữ kiện, đòi hỏi độc giả phải dành thời gian nghiền ngẫm. Châu Á kéo dài từ bán đảo Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Tây đến Nhật và New Zealand ở phía Đông và từ Nga ở phía Bắc xuống Úc ở phía Nam. Về kinh tế, châu Á hiện chiếm 50% GDP toàn cầu và 2/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Châu Á cũng chiếm 60% dân số thế giới, có dân số nhiều gấp 10 lần châu Âu và gấp 12 lần Bắc Mỹ. Một khu vực với quy mô và sức sống như vậy đang khiến cho nền kinh tế thế giới ngày càng tập trung vào mình, lèo lái nền kinh tế đó đi theo hướng của mình và có thể tạo ra một sự thay đổi trong sức mạnh toàn cầu. 

 


Bằng những viện dẫn thuyết phục, tác giả Parag Khanna đã chứng minh trung tâm của thế giới đang chuyển về châu Á. Đi từ quá khứ đến hiện tại, tác giả khéo léo dẫn dắt người đọc khám phá địa lý khu vực chứa đựng nhiều yếu tố thần bí này để rồi từ đó đưa ra những bài học mà cả người châu Á lẫn phần còn lại của thế giới rút ra cho hiện tại lẫn tương lai.

Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra nhiều góc nhìn độc đáo, chẳng hạn qua lăng kính sắc tộc, người Nga và người Úc cũng nên được nhìn nhận và nên tự nhìn nhận mình là người châu Á da trắng.

Cuốn sách cũng nhắc khá nhiều đến Việt Nam với những câu chuyện và chi tiết thú vị từ góc nhìn của một nhà quan sát khách quan. Chẳng hạn, “cái tên ketchup, nước xốt cà chua, có nguồn gốc là một loại nước mắm lên men của Việt Nam mà các thương nhân người Anh đã mang về Anh từ đầu thế kỷ XVIII, nơi họ đã thay thế nguyên liệu gốc bằng cà chua để làm nền cho món nước xốt này”.
Thực tế không thể chối bỏ là ngày càng có nhiều người phương Tây đang thử vận may ở châu Á mà không có kế hoạch trở về nhà. Vùng đất này chứa đựng nhiều năng lượng và tính hấp dẫn đủ lớn để những người đến từ phương Tây say mê và muốn gắn bó. May mắn sở hữu hai dòng máu, giữa giao thoa Á - Âu, Parag Khanna hiểu được đặc trưng lẫn tiềm năng của từng vùng đất. Những đánh giá của ông, vì vậy mà sát thực, dễ thuyết phục người đọc. “Châu Á đã tính toán xong tác động mà lịch sử phương Tây gây ra cho hiện tại của mình. Giờ đây đã đến lúc phương Tây phải tính toán tác động mà sự trỗi dậy của châu Á sẽ gây ra cho tương lai của mình...”, Parag Khanna nói