Ảnh: KH
Tư duy ngược dịch chuyển thế giới
Năm 2009, khi Adam Grant, 1 trong 40 giáo sư kinh doanh dưới 40 tuổi tài giỏi nhất thế giới, nghe thuyết trình để kêu gọi đầu tư cho dự án mắt kính trực tuyến Warby Parker, ông đã lắc đầu.
Là người giữ vai trò tư vấn cho nhiều doanh nghiệp lớn như Google, Goldman Sachs, Disney Pixar, Johnson & Johnson..., Adam Grant rất say mê theo đuổi ngành khoa học nghiên cứu các động lực thúc đẩy con người. Song với dự án quá mới mẻ của 4 sinh viên nghèo, ông đã chùn tay. 5 năm sau đó, Warby Parker giữ vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp sáng tạo nhất thế giới với doanh thu lên đến 100 triệu USD và thương hiệu này được định giá hơn 1 tỉ USD. Theo Adam Grant, đó là một trong những quyết định tài chính tồi tệ nhất mà ông từng đưa ra.
Lần theo những sai lầm của chính mình, Adam Grant phát hiện ra, quyết định thiếu sáng suốt ngày đó xuất phát từ tâm lý đề phòng những ý tưởng mới lạ mà ông, cũng như nhiều người khác, thường mắc phải. Ông quyết định nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này cũng như tìm kiếm cách khắc phục. Tư Duy Ngược Dịch Chuyển Thế Giới là sản phẩm của đề tài nghiên cứu ấy. Cuốn sách chứa đựng câu trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để chúng ta trở nên độc đáo hơn trong thế giới quá rộng lớn và đầy cởi mở về kiến thức hiện tại?”.
Mở đầu bằng những thống kê khá thú vị, đầy tính thời sự, như việc người dùng trình duyệt web nào thì có mức độ gắn kết với công việc nhiều hơn, tác giả từng bước đưa người đọc vào thế giới của Vuja De, đối diện với những điều rất quen thuộc nhưng với cái nhìn hoàn toàn khác. “Điều này, chắc chắn giúp chúng ta có được những ý tưởng mới mẻ trước các vấn đề tưởng chừng đã cũ”, ông chia sẻ.
Bằng những lập luận sắc bén và các dẫn chứng cụ thể, tác giả phủ định hoàn toàn giả thiết được nhiều người tin tưởng bấy lâu nay về số ít và số đông. Ông phản bác các định kiến kiểu như “chỉ một số ít người sáng tạo bẩm sinh, đa số còn lại ít khi có được những ý tưởng độc đáo”, “ít người sinh ra để làm lãnh đạo, đa số sẽ là những kẻ đi theo”, “chỉ ít người có thể tạo sức ảnh hưởng đến người khác, phần lớn thì không”... Với Adam Grant, bất kỳ ai cũng đều có thể nghĩ ra những ý tưởng thiên tài nhất để cải thiện thế giới xung quanh, nếu biết cách làm chính mình trở nên độc đáo hơn trước những mặc định của thế giới.
Đề cao sáng tạo và những ứng dụng sáng tạo giúp cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng Adam Grant đồng thời cũng cảnh báo về tác dụng ngược của tham vọng sáng tạo. Bởi động lực vươn đến thành công cũng sẽ song hành cùng nỗi sợ thất bại. Điều này hoàn toàn ngăn trở sự xuất hiện của những nhà sáng tạo đích thực.
Đối chiếu với làn sóng nỗ lực giáo dục trẻ thành những thiên tài đang nở rộ hiện nay, thông điệp mà Adam Grant gửi đến cho người làm cha mẹ đầy tính thời sự và cần thiết. “Tác giả chỉ cho chúng ta thấy làm thế nào để có thể nuôi dưỡng tính sáng tạo ở con trẻ và thúc đẩy ý tưởng độc đáo thay vì áp dụng kiểu tư duy nguyên tắc và cứng nhắc”, Sheryl Sandberg, COO Facebook, nhận xét.