Tư duy không bao biện
Chẳng dễ dàng gì để thay đổi thói quen bao biện. Có những người khi thất bại thường bao biện bằng những yếu tố bên ngoài như thời gian, tiền bạc, con người…Nhưng bạn có biết, càng biện minh cho bản thân thì bạn càng không nhìn nhận được sai lầm của mình. Tư duy không bao biện của tác giả Farshad Asl, cuốn sách giúp chúng ta xóa bỏ tất cả những lời biện minh cho những thiếu sót và thất bại của bản thân.
Nhờ cuốn sách này, bạn sẽ hiểu được sự khác biệt giữa những người thành công và người thất bại khi gặp những vấn đề trên. Tư duy không bao biện là chuyến phiêu lưu giúp bạn loại bỏ lối bao biện trong cuộc sống, khi đã học được cách không bào chữa, bạn sẽ mạnh mẽ, trưởng thành hơn, biết cách chuẩn bị tốt hơn và tập trung cao độ để thành công.
Farshad Asl đã đưa một ví dụ thuyết phục của lối sống “không bao biện” trong sự phát triển bản thân đó là Abraham Lincoln – vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, ông là một nhà vô địch và chưa bao giờ bỏ cuộc trong chặng đua nào của cuộc đời.
Chính vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ là minh chứng cho tư duy sống không bao biện từ những thất bại. Ông là người luôn phấn đấu để cải thiện bản thân và làm những điều mà không một ai sẽ làm: Cho phép bản thân không thoải mái với thực tại và thúc đẩy mình phát triển mỗi ngày! Abraham Licoln đã xem mọi thử thách là một cơ hội tuyệt vời để ông phát triển chính mình, ông không dùng lời nói để bao biện lý do mình liên tục gặp thất bại mà dùng hành động làm phương tiện để chứng tỏ bản thân mình.
Trong Tư duy không bao biện, tác giả đã đưa ra giải pháp gồm bảy chữ “I” của tư duy “Không bao biện” trong kinh doanh:
1. Inspiration (Cảm hứng): Đó là nguồn năng lượng giúp bạn làm được những điều vượt xa khả năng của bạn.
2. Incentive (Động cơ): Đó là yếu tố thúc đẩy sức mạnh ý chí trong bạn tăng lên theo cấp số nhân.
3. Imagination (Trí tưởng tượng): Nó là thứ giữ cho kết quả cuối cùng luôn tồn tại trong tâm trí bạn và đưa bạn vượt qua mọi lời bao biện.
4. Ideas (Những ý tưởng): Ý tưởng là hàng hóa chính của bạn; do đó, bạn có thể bán chúng và biến chúng trở thành thương hiệu của bạn.
5. Innovation (Sự đổi mới): Đó là nhân tố hàng đầu giữ bạn đi đúng hướng.
6. Impact (Sự tác động): cho thấy những giá trị cốt lõi và củng cố uy tín của bạn.
7. Influence (Sức ảnh hưởng): giúp những người khác phát triển sẽ tạo cho bạn cơ hội làm được nhiều hơn và tốt hơn.
Tạo ra những giải pháp
-Dừng viện cớ – biến chúng thành các giải pháp và mục tiêu.
-Mường tượng mục đích của bạn và sử dụng Tư duy 3D để xây dựng quy trình đến đích.
-Đầu tư vào bản thân để phát triển thành người mà bạn muốn trở thành.
-Cố gắng ngăn chặn những lý do bào chữa mới.
-Tập trung vào “Mục đích”, và sau đó, bạn sẽ tự biết nên “Làm thế nào”.
Đây là 5 bước quan trọng của Farshad Asl giúp bạn loại bỏ thói quen bao biện để đạt được thành công trong cuộc sống. Hy vọng những bài học trong quyển sách Tư duy không bao biện sẽ giúp người đọc thôi tìm kiếm những lời bào chữa và bắt tay vào những hành động cụ thể để chinh phục ước mơ của mình.