Tư duy đột phá
Một ngôi làng tại Nhật muốn xây dựng một nhà dưỡng lão mới, với mục đích mang đến không gian sống tốt hơn cho các cụ già. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thực sự nhu cầu, thành phố mới phát hiện, người lớn tuổi cần có việc làm hàng ngày hữu ích hơn là một nơi ở. Cuối cùng, giải pháp được chọn là tạo ra một khu vườn công cộng. Người cao tuổi trong làng có thể đến đây, gặp nhau, trò chuyện và chăm vườn. Giải pháp đó được đón nhận nồng nhiệt.
Câu chuyện còn lan rộng và thu hút người già từ các khu vực lân cận đến vườn tham gia. Nhờ vậy, tỉ lệ người già sống cô đơn trong các viện dưỡng lão giảm gần 70%. Từ con số này, chính quyền địa phương đã phải thay đổi định hướng cũng như cách thức cải thiện đời sống cho người dân. Đó là một trong những ví dụ của việc áp dụng Tư Duy Đột Phá, Extraordinary Breakthrough Thinking (EBT).
EBT là sáng kiến của Giáo sư hàng đầu nước Nhật Shozo Hibino. Ông là một nhà tư vấn đã làm việc miệt mài chỉ với mục tiêu duy nhất: mang đến giải pháp thiết thực và hiệu quả hơn cho các vấn đề của đời sống. Theo Giáo sư, con người hiện đại đang tiến hành mọi thứ dựa trên tư duy phân tích. Nghĩa là, tập hợp dữ liệu, thông tin mình có được rồi đưa ra các giải pháp dựa trên nền những thông tin ấy.
Như việc khảo sát viện dưỡng lão, thấy được cơ sở vật chất xuống cấp thì đề xuất xây mới. Nhưng rất nhiều vấn đề trong cuộc sống không thể xử lý triệt để và hiệu quả được bằng tư duy phân tích. Việc phân tích khiến con người thường xuyên sử dụng sai phương pháp giải quyết vấn đề. Hậu quả là tạo ra giải pháp sai. Hay tệ hơn là cứ tưởng mình đưa ra giải pháp đúng trong khi thực tế lại làm vấn đề phức tạp hơn. Ông khẳng định: “Phương pháp tư duy của chúng ta chưa thay đổi trong hàng trăm năm qua trong khi thế giới đã thay đổi rất nhiều”.
Vấn đề chủ chốt của Tư Duy Đột Phá là xác định được mục đích. Thế nhưng, theo Giáo sư Shozo Hibino, con đường tìm lại sứ mệnh, đưa ra giải pháp không hề đơn giản mà gồm rất nhiều bước, cần sử dụng nhiều bộ công cụ khác nhau. Bằng kinh nghiệm hơn 70 năm tư vấn để tạo nên bước phát triển ấn tượng cho các thương hiệu lớn như Toyota, Toto, Matsushita, Aisin, Denso..., Giáo sư Shozo Hibino cùng đồng nghiệp của mình mới có thể đúc kết nên EBT.
Trong Tư Duy Đột Phá, người đọc sẽ được cùng ông đi từ giai đoạn đầu tiên, tiếp cận hiện trạng dự án đến bước cuối cùng, chiêm ngưỡng thành quả. Những phân tích chi tiết được trình bày mạch lạc trong tập sách giúp người đọc hình dung được phương pháp ứng dụng EBT để từ đó dễ dàng đối chiếu với cách làm việc thực tế mà mình đang theo đuổi để có những điều chỉnh phù hợp.
Xuyên suốt hơn 400 trang sách là hàng loạt dự án minh họa sống động, tác giả cùng đồng thời tạo nên những khoảng trống trong các dự án để người đọc có thể đặt mình vào tình huống ấy, đưa ra các giải pháp của mình.
“Điều quan trọng không phải là chúng ta biết cái gì mà chúng ta phải biết làm cách nào. EBT cho bạn điều đó và chính bạn sẽ là người sử dụng phương pháp ấy theo cách của mình để tạo nên kết quả đột phá”, Giáo sư Shozo Hibino nói