Nguồn ảnh: Khánh Bình
Tự do Đầu tiên & Cuối cùng
Jiddu Krishnamurti (1895-1986) là một tác gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề tinh thần. Được trao tặng Huân chương Hòa Bình của Liên Hiệp Quốc vào năm 1984, ông được xem là một trong những triết gia có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến ý thức nhân loại trong thời hiện đại. Toàn bộ tác phẩm của Krishnamurti và các tác phẩm viết về ông tương đương với khoảng 400 quyển sách cỡ trung. Bởi các chủ đề triết gia này quan tâm gắn liền với đời sống tinh thần như mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người, phương cách để tạo nên sự thay đổi xã hội tích cực trên phạm vi toàn cầu...
Trong hơn 70 đầu sách tổng hợp nội dung từ những buổi diễn thuyết, thảo luận trên khắp thế giới của ông đang được phát hành và tái bản nhiều lần trên khắp thế giới, Tự Do Đầu Tiên & Cuối Cùng có vị trí khá đặc biệt. Có thể nói, đây là một trong những tựa sách đầu tiên làm nên tên tuổi của Krishnamurti và cũng là tác phẩm quan trọng nhất để hiểu được tư tưởng của ông. Sách tập hợp 20 bài nói chuyện và 38 lời giải đáp thắc mắc về nhiều chủ đề. Trong đó, có nhiều vấn đề mang tính cốt yếu của đời sống như Chúng ta đang tìm kiếm điều gì? Bản ngã là gì? Chức năng của tâm trí là gì? Có nên giải quyết vấn đề của chúng ta không?...
Diễn dịch dưới dạng đối thoại, từng vấn đề đều được tác giả trả lời bằng những phân tích thấu đáo. Tuy nhiên, ông cũng rất sòng phẳng khi thừa nhận, cách nhìn nhận của ông hoàn toàn có thể đối lập với suy nghĩ và niềm tin của người đọc. Để có được thống nhất, Krishnamurti mong muốn có thể cùng độc giả của mình cùng nhau xem xét. Với ông, không ai có thể trao cho người khác sự thật, mà tự mỗi người phải khám phá.
Ra mắt lần đầu tiên vào năm 1954, đến nay, sau hơn 65 năm, Tự Do Đầu Tiên & Cuối Cùng vẫn là tác phẩm được tìm đọc nhiều nhất. Nguyên nhân là vì những vấn đề mà ông đặt ra gắn liền và là vấn đề cốt yếu với đời sống, cả tinh thần lẫn vật chất. Từ nhận thức, trạng thái, các uẩn ức đến vấn đề nhạy cảm là tình dục, nỗi sợ hãi, nỗi cô đơn... đều được ông mổ xẻ thẳng thắn. Cách nhìn nhận vấn đề của Krishnamurti sâu sắc và rất hiện đại. “Bản thân hành vi không bao giờ là một vấn đề mà chính suy nghĩ về hành vi đó mới gây ra vấn đề”, Krishnamurti nói.
Giữa những hỗn loạn của đời sống, bản thân mỗi người cũng chứa đầy hỗn loạn và càng xem trọng những giá trị thuộc về cảm tính sẽ càng gây ra hỗn loạn. Đi tìm phương cách để chấm dứt cả hai sự hỗn loạn ấy, không gì khác là nhận thức đủ đầy về chính bản thân mình.
Theo Krishnamurti, chấp nhận, biết được mình là ai đã là khởi đầu của trí tuệ, cội nguồn của hiểu biết. Trước khi có thể hành động, trước khi có thể có bất kỳ mối quan hệ với người nào khác thì nhất thiết phải bắt đầu tự hiểu mình. Như cách nói của ông, khi bản ngã không còn lo lắng về chính nó, chúng ta đã vượt qua làn sóng hủy diệt.