Tự do của Willink
Khi Kỷ Luật = Tự Do của tác giả Jocko Willink ra đời, cuốn sách nhanh chóng có mặt trong bảng xếp hạng của The New York Times Bestseller. Từng phục vụ trong Đội đặc nhiệm Thủy quân lục chiến Mỹ, thuộc Hải quân Mỹ trong 20 năm, Jocko Willink là chỉ huy của Tổ công tác Bruiser, đơn vị hoạt động đặc biệt trong chiến tranh Iraq.
Sau khi giải ngũ, ông dành thời gian viết sách và trở thành nhà truyền cảm hứng về lối sống lành mạnh. Tuy nhiên, sách của Willink không dễ đọc. Bởi như chính con người, sách của ông không có những dẫn dụ, kiệm chữ và cô đọng. Tất cả những điều muốn nói, Willink dường như thể hiện thông qua những gạch đầu dòng. Việc lĩnh hội cũng như chiêm nghiệm, thực hành, ông dành cho người đọc.
Trong Kỷ Luật = Tự Do, người đọc không khó để nhận thấy tinh thần cùng phong thái cứng rắn của người lính đặc nhiệm. Tác giả dường như muốn “huấn luyện” người đọc thực hành tư duy nghiêm túc, tập trung và nhất là rèn luyện lối sống kỷ luật trong từng ngày. Ông khẳng định, cuộc đối thoại nghiêm khắc với bản thân là việc phải làm trong từng khoảnh khắc bởi chỉ cần vài giây buông lơi, thói quen xấu sẽ hình thành và kết quả là một con người không như bản thân mình mong muốn cũng thành hình.
Đề cao việc kiểm soát bản thân, kiểm soát tâm trí, Willink cũng không quên đề cập đến một khía cạnh ít được chú ý đến: Bản năng xấu. Bằng những phân tích gãy gọn, Willink khiến người đọc bất ngờ với những khám phá về những diễn biến sâu bên trong con người. Gọi bản năng xấu là một “tên dối trá”, vị cựu binh một lần nữa đề cao tinh thần kỷ luật mà mỗi người luôn cần áp dụng cho bản thân mình.
Có một câu hỏi được đặt ra, khác với một quân dân, một cựu binh, chúng ta có cần phải hà khắc với bản thân khi mỗi người cũng chỉ hữu hạn trong 100 năm tồn tại? Và sách của Willink, liệu có phù hợp với người đang hướng đến một cuộc sống bình thường, dung dị và hạnh phúc từ những điều nhỏ bé? Câu trả lời là có. Bởi nếu nhìn cuộc sống như một cuộc chiến và những thói quen xấu, buông tuồng, chiều chuộng bản thân là kẻ thù mà chúng ta không quyết tâm chiến đấu, liệu chúng ta có thể đấu tranh với những sóng gió vốn luôn hiện diện ở cuộc đời? Đấu tranh với bản thân để mạnh mẽ hơn, thông minh hơn, nhanh hơn, lành mạnh hơn, tốt hơn... Với Willink, đó chính là con đường tốt nhất để mỗi người có thể chạm đến tự do.
Chia nội dung sách làm hai phần, Ngẫm và Hành Động, sau những phân tích, Willink dành không ít dung lượng hướng dẫn người đọc những bước thực hành cụ thể để có thể nuôi dưỡng những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Đơn giản như việc nói không với chiếc bánh ngọt nhiều màu thơm béo, hay từ chối một ly nước ngọt có gas, chúng ta đã có những chiến thắng nhỏ để làm nền cho những “cuộc chiến” lớn hơn, những đòi hỏi lớn hơn từ phần bên kia, phần chưa tốt trong bản thân.
Như lời “cảnh báo” ngay từ những dòng đầu tiên của cuốn sách, con người thường tìm lối tắt. Đó là hack. Và nếu đã tìm đến cuốn sách để mong tìm thứ này, thì e rằng, bạn đọc sẽ không tìm được gì. Bởi lối tắt tựa như lời nói dối, sẽ chẳng đưa chúng ta tới đâu cả. “Nếu muốn đi trên một con đường không có chông gai, bạn sẽ chẳng thể đến nơi mang lại những thứ bạn hằng mong đợi”, Jocko Willink khẳng định