Triết lý kinh doanh vị quốc
Dù đã có hẳn một cuốn tự truyện của Chung Ju Yung nhưng Richard M Steer, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực quản trị kinh doanh quốc tế, cựu Chủ tịch Học viện Quản lý thành phố Eugene, Oregon, Mỹ, vẫn đích thân tìm hiểu câu chuyện cuộc đời đầy bất ngờ của nhà sáng lập Tập đoàn Hyundai, Hàn Quốc. Mục đích lớn nhất của Richard M Steer là người phương Tây phải hiểu về đối thủ của họ, trong diễn tiến rất nhanh của quá trình kinh doanh toàn cầu hóa. Made In Korea là cuốn sách đã làm được điều đó.
Để đạt được mục tiêu của mình, Richard M Steer tập trung vào quá trình tăng trưởng cũng như nguyên nhân thành công của một công ty Hàn Quốc. Ông chọn câu chuyện của Hyundai với sợi dây xuyên suốt là cuộc đời của người sáng lập Chung Ju Yung. Cùng với 32 trang ảnh màu chưa từng được công bố, bao gồm cả thông tin về chuyến thăm Triều Tiên mang tính lịch sử của nhà sáng lập Tập đoàn Hyundai năm 1998, Made In Korea phác họa chân dung Chung Ju Yung cùng những cống hiến của ông cho xã hội và những bài học từ sự nghiệp của ông để lại cho các doanh nhân trẻ.
Kể lại câu chuyện của Chung Ju Yung, người đã tự đứng lên từ nghèo khó để gầy dựng nên một đế chế lớn nhất, thành công bậc nhất trên thế giới - Hyundai, Made In Korea chứng minh cho người đọc thấy rằng, sự sáng tạo, kiên trì, lựa chọn thời điểm phù hợp và chiến lược kinh doanh đúng đắn chính là chìa khóa của những doanh nhân Hàn Quốc, đặc biệt là Chung Ju Yung. Đây là những phẩm chất mà ít doanh nhân trong số đối thủ của ông có thể lĩnh hội được.
Với thế giới và cả trong khu vực, Chung Ju Yung luôn là một ẩn số. Ông gia nhập ngành đóng tàu với kinh nghiệm là con số 0 nhưng vẫn tạo ra được xưởng đóng tàu lớn nhất thế giới. Khi ông bắt đầu tham gia sản xuất xe hơi thì các chuyên gia quốc tế đều nhất loạt dự báo ông thất bại. Để rồi, hiện nay, logo Hyundai là biểu tượng đầy tự hào của những người lựa chọn xe hơi sản xuất tại Hàn Quốc.
Tương tự, doanh nghiệp xây dựng mà Chung Ju Yung sáng lập là đơn vị đã thi công nhiều kỳ quan trên thế giới. Ông thậm chí còn thuyết phục được Ủy ban Olympic Quốc tế chọn Hàn Quốc thay vì Nhật làm quốc gia đăng cai Thế vận hội 1988. Theo tác giả, trong mỗi cuộc phiêu lưu của mình, Chủ tịch Chung Ju Yung đều thể hiện sự quyết tâm dù vấp phải vô vàn khó khăn.
Ông gọi ý chí không khoan nhượng này là tinh thần doanh nghiệp. Ông làm việc không mệt mỏi để truyền tải tinh thần đó đến 200.000 nhân viên dưới quyền. Đây chính là dấu ấn trong câu chuyện thành công của Hyundai. Giải mã tất cả những thành tích này, Made In Korea khiến người đọc ngỡ ngàng trước khái niệm kinh doanh vì tổ quốc. “Doanh nghiệp và quốc gia là hai khái niệm khó mà tách rời trong tâm thức kinh doanh của doanh nhân Hàn Quốc và hiếm có người nào từng thử làm chuyện đó”, Richard M Steer khẳng định.
Trong quá trình thực hiện cuốn sách, tác giả dành rất nhiều thời gian để phỏng vấn các quản lý, lãnh đạo của Hyundai cũng như các thành viên trong gia đình Chung Ju Yung để có cái nhìn khách quan nhất. Nỗ lực ấy giúp Made In Korea, dù nội dung chỉ xoay quanh cuộc đời và công cuộc gầy dựng Hyundai, nhưng hoàn toàn khác với cuốn tự truyện của Chung Ju Yung trước đó. Sách mang đến cho người đọc cái nhìn đa chiều và được viết với tâm thế của người quan sát nên có nhiều “đất” để lý giải những diễn tiến thành công trên thương trường của Hyundai. Đó chính là lý do, sách được doanh giới phương Tây nồng nhiệt đón nhận ngay khi trình làng.
“Đây không phải là một cuốn tiểu sử như người ta vẫn nghĩ mà là một thước phim chân thực. Trong đó, những khó khăn về kinh tế, những rào cản chính trị hay những bất đồng mang tính xã hội dường như đã làm nền để tinh thần doanh nhân và khả năng lãnh đạo thăng hoa”, P. Christopher Earley, Giáo sư về Lãnh đạo toàn cầu, Trường Kinh doanh Kelley, Đại học Indiana, nhận xét về tác phẩm như thế. Sách do Alpha Books thực hiện, Nhà xuất bản Thế giới ấn hành.