Ảnh: NY.
Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội tích cực. Ông tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức và có bằng tiến sĩ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna, Áo nhưng hoạt động nghiên cứu, vận động chính sách của ông lại tập trung vào việc nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, thúc đẩy tiếng nói của người dân. Sau quyết định trở về và làm việc tại Việt Nam, ông nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, truyền bá tri thức, phá bỏ định kiến, kỳ thị, kêu gọi khoan dung và trắc ẩn.
Song song với các hoạt động phát triển, ông dành nhiều thời gian để thực hiện các đầu sách phản ánh thực trạng xã hội khá ấn tượng như Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can, Thiện Ác Và Smartphone, Điểm Đến Của Cuộc Đời... Những đầu sách của ông thường chứa góc nhìn rất mới và lời giải cho vấn đề của đời sống hiện đại mà rất nhiều người, dù thấy, vẫn tặc lưỡi, chấp nhận thay vì nỗ lực thay đổi.
Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ cũng chứa đựng vấn đề hết sức thời sự là sự cô đơn và khát khao của những người trên dưới 20, lứa tuổi không còn trẻ con, nhưng cũng chưa thực sự là người lớn. Những con người này đang rất nỗ lực để tìm được tiếng nói cho bản thân, trong thế giới đang quay cuồng bởi rất nhiều khung giá trị.
Sách được sắp xếp trong 3 phần chính: Thế giới vắng bóng người lớn, Những đứa trẻ nhầm vai và Trong ngục tù của tình yêu. Từng câu chuyện của những người trẻ đều được trình bày dưới dạng nhân vật kể lại câu chuyện của chính mình, để có thể bộc lộ từng góc khuất trong tâm hồn họ. Sau mỗi phần, dưới góc độ khoa học, tác giả sẽ trình bày những phân tích tâm lý để người đọc hiểu hơn từng hành động và suy nghĩ của nhân vật.
Tất cả những câu chuyện đều là thật, do đích thân ông phỏng vấn và ghi lại trong khoảng 2 năm ròng. Nhưng, tựu chung trong tất cả các câu chuyện đó là nỗi buồn. “Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong các bài giảng thường nhấn mạnh, tình yêu, nếu không đi kèm hiểu biết, có thể tra tấn và gây ra sự ngạt thở... Thực tế, có rất nhiều tình yêu như vậy trong cuộc sống”, Đặng Hoàng Giang nói.
Soi chiếu những nỗi buồn đến từ yêu thương của người trẻ, Đặng Hoàng Giang cũng đồng thời vạch ra thực tế rất khốc liệt trong đời sống hiện đại mà thành phần chính yếu của xã hội, là những bậc phụ huynh, phải đối mặt. Họ đang phải mải miết và mệt nhoài trong câu chuyện tìm kiếm danh vọng, tiền tài... Tuy nhiên, người đọc không nhìn thấy tiếng nói đả kích, thay vào đó là sự cảm thông sâu sắc bởi các hình mẫu gắn kết tiêu cực đều bắt nguồn từ những trải nghiệm tổn thương ở tuổi thơ.
Và hành trình chữa lành hoàn toàn có thể được bắt đầu để cải thiện sức khỏe của tâm lý và để các mối quan hệ giữa nhiều thế hệ được cải thiện tích cực. Thông điệp hãy dịu dàng với chính mình, chấp nhận bản thân với tất cả khiếm khuyết, vụng về và tổn thương cuối sách khiến người đọc rưng rưng. Như lời của tác giả, trắc ẩn với chính mình không có nghĩa là tự thương hại.