Thứ Bảy | 08/02/2014 19:21

Tiểu thuyết duy nhất của Charlie Chaplin: Nỗi buồn của thiên tài buổi xế chiều

Trong Footlights (Ánh đèn sân khấu), nhà làm phim vĩ đại đóng vai trò một nhà văn, viết chứ không diễn để bày tỏ nỗi buồn về sự phụ bạc của công chúng với một nghệ sĩ khi hết thời.

Theo The Guardian, Footlights là một tiểu thuyết ngắn, dung lượng chỉ 34.000 từ. Đây là tác phẩm gốc của bộ phim vĩ đại Limelight (1952, cũng có nghĩa Ánh đèn sân khấu) của Charlie Chaplin, hay "Vua hề Sác lô" như người Việt Nam hay gọi.

Tiểu thuyết viết năm 1948, đến nay mới được in, với bản gốc do nhà tiểu sử David Robinson sưu tầm, sẽ ra mắt trong tháng 1 này.

Cựu danh hài viết về cựu danh hài

Footlights chưa từng được xuất bản trong suốt 6 thập kỷ qua. Trong suốt thời gian đó, tác phẩm được lưu giữ trong số những ghi chép cá nhân của Chaplin. Tổ chức đứng ra xuất bản cuốn tiểu thuyết là Cineteca di Bologna, một viện nghiên cứu điện ảnh ở Italy lâu nay vẫn được gia đình Chaplin ủy quyền cho số hóa các di sản của ông.

Footlights có câu chuyện y hệt trong Limelight, kể về một diễn viên hài già, nghiện rượu tên Calvero và một vũ công ballet mà ông cứu khi cô định tự tử. Trong phim, Chaplin đóng vai Calvero và nữ diễn viên Claire Bloom vào vai vũ nữ ballet. Đây là bộ phim cuối cùng mà Chaplin sản xuất ở Mỹ, trước khi ông bị cấm làm phim vì quan điểm chính trị.

So với tiểu thuyết gốc, bộ phim mở rộng và đào sâu hơn về câu chuyện, phản ánh rõ hơn tâm tư tình cảm của người nghệ sĩ đại tài ở thời điểm khó khăn đó.

Cecilia Cenciarelli, đồng giám đốc dự án về Chaplin của Viện Cineteca, đã nhận xét về cuốn tiểu thuyết: "Đây là cuốn sách có bóng tối. Chuyện kể về một danh hài đánh mất danh tiếng. Người viết ra câu chuyện cũng chính là một danh hài và "một nhà làm phim từng rất thành công”, bị báo chí thời đó gọi là "cựu danh hài"

Nỗi đau của người nghệ sĩ vĩ đại

Vì nội dung được mở rộng của phim Limelight nên cuốn tiểu thuyết có thể coi như phần trước (prequel) của bộ phim. Khác phim một chút, cuốn tiểu thuyết đề cập đến mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả và ý nghĩa của nghệ thuật. Nhân vật chính Calvero suy sụp, gặp ác mộng và sa vào rượu chè vì đã đi đến giai đoạn xế chiều của sự nghiệp.

Khi viết tiểu thuyết này, cuộc đời Chaplin đang rơi vào đúng giai đoạn đó, không chỉ trong sự nghiệp mà cả trong cuộc sống. Lúc này công chúng và chính quyền đều quay lưng với ông. "Đó là một cú sốc lớn đối với ông, một nghệ sĩ từng được yêu quý nhất nước Mỹ trong suốt 30 năm" - nhà tiểu sử Robinson nói.

Robinson cũng cho biết Chaplin chưa bao giờ có ý định xuất bản cuốn sách. Nó là một thứ hoàn toàn riêng tư và ông giống như viết cho chính mình. Footlights hiện chưa được nhà xuất bản nào của Mỹ hay Anh nhận in.

Charlie Chaplin (1889-1977) là người Anh nhưng thành danh ở nền điện ảnh Mỹ. Bộ phim đậm chất tự truyện Limelight (1952) của ông được châu Âu chào đón, được giới phê bình khen ngợi nhưng lại bị tẩy chay và thù địch ở nước Mỹ.

Năm 1952, khi rời Mỹ để đi Anh quảng bá phim, Chaplin bị cấm trở lại vì "quan điểm chính trị và đạo đức". Về sau, lệnh cấm bị gỡ bỏ nhưng ông cảm thấy bị xúc phạm đến nỗi không muốn trở lại. Đây được coi là bi kịch lớn nhất của một ngôi sao vĩ đại trong lịch sử nghệ thuật Mỹ.

Trích đoạn trong tiểu thuyết Footlights

"Khán giả ư? Sao ông lại ghét họ?"

Ông cười đầy đăm chiêu. "Vì ta già và đầy cay đắng, có lẽ thế".

Cô gái lắc đầu, vẫn nhìn ông chằm chằm. "Ông không già, và tôi chắc chắn ông cũng không cay đắng. Ông rất yêu quý mọi người".

"Theo từng cá nhân thôi" - ông nói - "Trong mỗi người đều chứa đựng sự vĩ đại. Nhưng khán giả, họ là chính họ, một mớ hỗn tạp với những mục đích trái ngược nhau. Từng là ngôi sao vĩ đại, rồi tắt lịm, ta nhận ra, điều đó cũng có thể xảy đến với mình… Còn về khán giả, khi đó ta bắt đầu sợ họ, tàn nhẫn, khó đoán, như một con quỷ không đầu; ta sẽ không biết nó đang nhắm tới hướng nào. Nó có thể tấn công ta ở bất kỳ hướng nào"…


Mi Ly

Nguồn Thể thao & Văn hóa


Sự kiện