T.S. Phạm Toàn ký tặng độc giả. Ảnh: CLXH

 
Minh Lan Thứ Hai | 19/09/2022 15:01

Tiến sĩ Phạm Toàn và những trang sách trị liệu tâm lý

Những chia sẻ giá trị và hữu ích của tiến sĩ trị liệu tâm lý tâm thần mang đến góc nhìn cụ thể cho người đọc.

T.S. Phạm Toàn là bác sĩ tham vấn, trị liệu tâm lý tâm thần, nguyên Trưởng khoa Tâm lý trị liệu, Trung tâm sức khỏe tâm thần Halmilton Madison New York (Hoa Kỳ). Ông nhận được giải thưởng chuyên viên danh dự phục vụ cộng đồng của tổ chức quốc tế Chamberlain Foundation (Welcome Back Awards) khu vực Hoa Kỳ - Canada trong năm 2006.

Sau 2 tác phẩm: Tâm Bệnh Học (xuất bản năm 2020, tái bản năm 2021) và Hướng Dẫn Chẩn Đoán Tâm Lý Tâm Thần Theo DSM-5 (xuất bản năm 2021, tái bản năm 2022), T.S. Phạm Toàn tiếp tục giới thiệu cuốn sách mới nhất - Tâm Lý Học Trẻ Em. Trước đó, vào năm 2014, ông từng xuất bản cuốn Thấu Hiểu Và Hỗ Trợ Trẻ Tự Kỷ (First News và NXB Trẻ), viết cùng Bác sĩ Lâm Hiếu Minh.

3 nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm lý tâm thần

Trong bối cảnh hậu COVID-19, số lượng người gặp các vấn đề tâm lý, tinh thần ngày càng gia tăng, kể cả tại Việt Nam. Các vấn đề này bao gồm: lo lắng, trầm cảm, có suy nghĩ muốn tự tử và rối loạn giấc ngủ, gia  tăng nguy cơ sử dụng chất gây nghiện (SUD) như rượu, ma túy. Một nghiên cứu của ĐH Washington (Mỹ) chỉ ra, người mắc COVID-19 có nguy cơ bị rối loạn lo âu cao hơn 35%, và gần 40% có nguy cơ bị trầm cảm hay các rối loạn liên quan đến căng thẳng.

Họ cũng phát hiện các bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ sử dụng thuốc chống trầm cảm cao hơn 55%, và có khả năng sử dụng benzodiazepines để điều trị lo âu cao hơn 65%. Theo nghiên cứu, những người trong nhóm này cũng có nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ cao hơn 41%. Nhiều bệnh nhân COVID-19 cũng bị chứng "sương mù não" hoặc suy giảm chức năng nhận thức. Nghiên cứu cho thấy họ có nguy cơ bị suy giảm chức năng nhận thức cao hơn 80%, với các triệu chứng như hay quên, lú lẫn và thiếu tập trung.

Do đó, vấn đề này nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả tại buổi giao lưu. “Với chứng rối loạn lo âu, khi nào được xem là bệnh, khi nào vẫn là bình thường?” - một độc giả hỏi.

T.S. Phạm Toàn nhận định lo âu là chuyện hết sức bình thường của con người nhưng nếu ở trạng thái luôn luôn lo âu, lo âu kéo dài và ở trạng thái quá đáng là dấu hiệu cần phải chú ý. “Có những người không biết sao đầu luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng từ chuyện này đến chuyện khác. Chính sự lo âu làm cho họ mất ăn mất ngủ, không làm việc được, cơ thể suy nhược.

Đó chính là triệu chứng của rối loạn lo âu. Nếu để lâu dài không chữa thì sẽ có hại rất nhiều cho cơ thể”. T.S. chỉ ra các dấu hiệu được xem là bất thường trong cá tính/tâm lý của một người như: bỗng dưng mất hết năng lực làm việc, chỉ muốn nằm ì ra, hay đùng một cái hủy hoại cơ thể mình hoặc tấn công người khác...

Theo ông, bất cứ cái gì liên quan đến bệnh tâm lý tâm thần cũng đều có nguyên nhân của nó. Trong đó, có 3 lý do chính: bẩm sinh, di truyền và sự tác động của bên ngoài. Chính ba yếu tố đó khiến cho một cá nhân bình thường trở nên rối loạn lo âu.

Cuốn Tâm Bệnh Học của T.S. Phạm Toàn
Cuốn Tâm Bệnh Học của T.S. Phạm Toàn

Vậy buồn đến mức nào được xem là trầm cảm?

T.S. chia sẻ: “Mức độ nào xác định trầm cảm là tùy cá nhân và tùy vấn đề gặp phải. Thường thì không ăn không ngủ được, nghĩ đến những điều xa xôi nặng nề không đáng nghĩ. Mức độ nào thì tùy cá nhân họ chịu đựng đến đâu, như thất tình có người thấy bình thường, có người lại đi tự tử. Mình không vui được trước những vấn đề lẽ ra rất vui, như vậy cũng là trầm cảm”.

Lý giải cụ thể hơn về yếu tố di truyền, T.S. Phạm Toàn đưa ra kết quả từ một nghiên cứu: Nếu cha hoặc mẹ có gen về vấn đề tâm thần phân liệt (gây ra những hoang tưởng, ảo giác) thì 13% con cái sinh ra đều có gen như vậy; nếu cả cha và mẹ đều có gen vấn đề tâm thần phân liệt thì 46% con cái sẽ bị. Trường hợp hai anh em (chị em) sinh đôi cùng trứng thì một người bị, 48% người còn lại cũng bị.

Trẻ cần được quan tâm sớm để tránh những tác động tâm lý

Với cuốn sách mới nhất, Tâm Lý Học Trẻ Em, T.S. Phạm Toàn ghi lại những chi tiết thuộc về tiến trình phát triển của trẻ trên cả hai mặt thể chất và tinh thần đã được ngành y học hiện đại nghiên cứu và khảo sát trong suốt các thập niên gần đây. Cuốn sách nặng ký theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, với hơn 1.000 trang

Chứng “nghiện” smartphone ở trẻ, chăm sóc sức khỏe của trẻ em sau đại dịch Covid-19, những kỹ năng cần thiết cho trẻ ở độ tuổi dậy thì… cũng được TS Phạm Toàn chia sẻ và “gỡ vướng” bằng sự thân tình và dễ hiểu.

Và mặc dù cụm từ "nghiện smart phone" không được xem là chính thống trong khoa học tâm lý tâm thần, nhưng nếu thấy con cái có dấu hiệu sa đà vào các thói quen vô bổ thì phụ huynh nên ngăn chặn dần, vì điều đó có hại cho sức khỏe tâm lý tâm thần. Ông cũng lưu ý thêm, trầm cảm có hai nguyên nhân là nội sinh và ngoại sinh. Nội sinh gần như có sẵn khả năng trầm cảm, gặp một yếu tố gì đó sẽ bộc lộ; còn ngoại sinh là do sự cố từ bên ngoài tác động gây trầm cảm. Trầm cảm ngoại sinh dễ phục hồi hơn trầm cảm nội sinh.

Quyển sách mới nhất của T.S. Phạm Toàn
Quyển sách mới nhất của T.S. Phạm Toàn

Đặc biệt, lứa tuổi đầu đời và độ tuổi dậy thì là những thời điểm dễ xảy ra các vấn đề tâm lý tâm thần. Một đứa trẻ cần cha mẹ dạy cho các thói quen để từ đó hình thành nên tính khí. Và tính khí hình thành có sự tác động lớn từ môi trường. Do vậy các cách giáo dục con cái như thế nào thường mang lại kết quả rõ nét về tính khí.

Liên quan đến các cơ sở tự giới thiệu sẽ chữa hết các chứng trầm cảm, tự kỷ hay các rối loạn tâm lý tâm thần hiện nay, T.S Phạm Toàn cho biết ở Mỹ và các nước phương Tây không cho phép bác sĩ hay chuyên gia tự quảng cáo rằng mình chữa hết hay điều trị dứt các chứng bệnh đó. “Họ chỉ cho phép mình tự giới thiệu là chuyên gia về lĩnh vực này", ông chia sẻ.

Ông cũng cho biết các bệnh tâm lý tâm thần trên thế giới hiện có hai cách trị chính: dùng thuốc, và tâm lý trị liệu. “Tôi thú nhận hai cách này chữa lâu dài nhưng kết quả rất khó nói sẽ đến đâu. Thuốc thì cầm cự các triệu chứng thôi chứ không chữa được bệnh đó. Tâm lý trị liệu thì đòi hỏi sự hợp tác của người bệnh và khả năng của người chữa. Các quốc gia Tây phương đã để dành nguồn vốn riêng để chữa các bệnh tâm lý tâm thần cho người dân, vì đây là những loại bệnh khó chữa hết được. Hy vọng chính quyền và các đơn vị tư nhân ngày càng để ý vấn đề này”.