Tiền lương chưa bao giờ là tất cả
Trong cuộc sống hiện nay, tiền lương tuy là một trong những động lực to lớn để chúng ta làm việc, nhưng nó lại chưa thật sự là động lực lớn nhất để ta đi làm mỗi ngày cũng như hài lòng với công việc của chính mình. Trong một tổ chức, doanh nghiệp nếu toàn bộ nhân lực hoàn toàn đi làm vì mục đích tăng lương, thăng chức, đi làm luôn đặt lợi ích của bản thân lên trên hết, thì có lẽ doanh nghiệp đó sẽ sớm phá sản vì những mục tiêu, ý tưởng, chiến lược sẽ dần không còn là mục tiêu chung nữa, mà chỉ là của cá nhân, tinh thần làm việc tập thể sẽ không còn.
Vì sao chúng ta không nên đi làm vì tiền lương?
Tiền là một thứ luôn thay đổi theo nhu cầu của chúng ta, và nhu cầu ấy sẽ luôn ngày một tăng cao chứ không giảm đi. Vì vậy, đi làm chỉ vì kiếm tiền không sớm thì muộn sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Bạn sẽ không biết bao nhiêu là đủ và chẳng thể vui nổi. Bạn kiếm tiền để bản thân và gia đình có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc và tiện nghi hơn, nhưng nếu vì tiền mà khiến ít nhất cuộc sống của bạn trở thành địa ngục vì chịu đựng một công việc mình không hài lòng thì thật không đáng.
Động lực thúc đẩy lớn nhất của chúng ta chính là cơ hội được phụng sự vì một mục tiêu lớn hơn cả sự nghiệp và bản thân, hơn cả tiền lương, phúc lợi, tiền thường hay mọi lợi ích vật chất khác. Những công ty thành công trong việc tập trung nhân lực, đội ngũ và văn hóa của họ xung quanh một ý nghĩa đích thực sẽ vượt xa đối thủ.
Trong cuốn sách “Tiền lương chưa bao giờ là tất cả”, tác giả đã khẳng định rằng những khích lệ về vật chất chỉ chiếm 15% động lực làm việc của nhân viên. 85% còn lại là đến từ nhu cầu được trân trọng, thuộc về cảm giác tạo ra sự khác biệt mỗi ngày, cũng như cống hiến vì một sự nghiệp cao cả hơn bản thân họ. Và những nhà lãnh đạo “siêu việt”, dù ở cấp bậc nào, đều có thể gạt sang một bên lợi ích cá nhân và giúp mọi người trong tổ chức hoàn thành sứ mệnh vĩ đại ấy.
Tạo động lực cho nhân viên là trách nhiệm của doanh nghiệp
Khơi gợi lòng tận tụy từ nội tâm của mọi người để cùng theo đuổi mục tiêu chung là nhiệm vụ của mọi nhà lãnh đạo. Khi bạn làm gương cho hành vi đạo đức và tạo cơ hội cho nhân viên phát triển, nhân viên sẽ đáp lại bằng cách cống hiến hết mình cho công ty của bạn – điều này nếu được khai thác đúng cách thì sẽ biến thành tăng trưởng lợi nhuận một cách phi thường.
Một nhà lãnh đạo siêu việt luôn tìm kiếm những điều mà họ không thể đòi hỏi – đó là sự cam kết nội bộ chứ không phải phục tùng, lòng nhiệt huyết chứ không phải sự tuân lời, tình yêu thương chứ không phải nỗi sợ hãi. Đây đều là những món quà quý giá chỉ dành cho nhà lãnh đạo nào thực sự xứng đáng với chúng và cho ai sẵn sàng đáp lại bằng một món quà quý giá không kém: ý nghĩa.
Qua đó, hãy đọc thử những chia sẻ trong quyển sách “Tiền lương chưa bao giờ là tất cả”, có thể bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho chính bản thân mình dù đang là nhân viên hay là lãnh đạo của doanh nghiệp.
Tóm lại, nếu bạn đang làm một nhân viên, hãy theo đuổi mục tiêu và đam mê của bạn rồi tiền sẽ theo bạn, hãy luôn biết xác định động lực làm việc của bạn là gì và từ đó xây dựng cho mình kế hoạch để triển khai, thực hiện kế hoạch đó, luôn tạo cho mình một động lực, đà phát triển để có cơ hội khẳng định bản thân mình. Còn nếu bạn đang là một nhà lãnh đạo và muốn doanh nghiệp của mình phát triển có tầm hơn, hãy tự hỏi mình một số câu hỏi khó về động lực đích thực của nhân viên.