Tiềm năng lớn - đừng đi nhanh một mình, hãy lớn mạnh cùng nhau
Các nhà nghiên cứu đom đóm cho biết loài đom đóm có khả năng kết hợp nhịp điệu phát sáng với nhau đến một phần ngàn giây - chính xác đến kinh ngạc! Điều đó cho phép chúng có khoảng không cho riêng mình một cách hoàn hảo, do đó sự cạnh tranh là điều không cần thiết.
Shawn Achor đã đưa ra một nhận định tương tự như vậy với con người. Xã hội thường có xu hướng đề cao “tính cá nhân”, nhưng đối với Shawn Achor, ông cho rằng khi chúng ta giúp một ai đó tốt hơn, chúng ta sẽ gia tăng cơ hội sẵn có thay vì cạnh tranh với họ. Cũng giống như loài đom đóm, một khi học được cách hòa hợp và cộng tác với những người xung quanh, chúng ta sẽ có giá trị không những về mặt cá nhân mà cả về mặt cộng đồng.
80 % sinh viên Havard từng bị trầm cảm vì muốn là người giỏi nhất
“Tôi đã tận mắt chứng kiến điều này trong suốt 12 năm ở Harvard khi nhìn thấy các sinh viên đâm đầu vào bộ hàm ngấu nghiến của siêu cạnh tranh, sau đó bị mắc kẹt vào bãi cát ngầm của sự tự ti và căng thẳng. Khi nhận ra rằng mình không phải là siêu sao duy nhất, nhiều người đã trở nên hoảng sợ. Họ thôi thúc chính mình chăm chỉ hơn, cô lập bản thân để đi nhanh hơn và cần cù hơn, cố gắng tỏa sáng hơn tất cả mọi người. Nhưng kết quả lại là bóng tối. Con số sửng sốt: 80% sinh viên Harvard cho biết họ từng bị trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong thời sinh viên của mình.” - Shawn Achor cho biết.
Xã hội thường dạy rằng trở thành ánh sáng duy nhất luôn tốt hơn là làm một tia sáng trong khu rừng ánh sáng. Thế giới điện ảnh Hollywood luôn tôn vinh những người hùng đơn độc, thậm chí gắn tên của họ lên các đại lộ danh vọng. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta thường được dạy rằng phải cố gắng đạt điểm số cao nhất, cha mẹ luôn hy vọng con cái trở thành người đứng đầu lớp, nổi bật nhất khối. Trong môi trường làm việc, chúng ta luôn muốn được tham gia vào những dự án hấp dẫn, mong muốn được khen thưởng là cá nhân xuất sắc nhất. Tất cả chúng ta đều được truyền dạy bằng một công thức chung: chỉ cần bạn giỏi hơn, thông minh hơn, sáng tạo hơn thì bạn sẽ thành công!
Nhưng liệu công thức này có chính xác? Sự “độc tôn” có hoàn toàn hiệu quả?
Không cần băn khoăn quá nhiều, nghiên cứu của Shawn Achor trong Tiềm năng lớn cho biết bạn hoàn toàn có thể khai phá tiềm năng và thành công không theo công thức cũ kỹ như trên. Ông cho rằng: “Suốt 22 năm đầu đời, chúng ta được đánh giá và ca ngợi bởi thành tích cá nhân trong khi ở quãng đời còn lại, hầu hết thành công của chúng ta lại gần như được kết nối với người khác.”
Tiềm năng lớn của Shawn Achor chỉ ra thực tế rằng chúng ta thường có suy nghĩ nếu thông minh, chăm chỉ hơn, nhanh chóng hơn, chúng ta dễ dàng đạt được tiềm năng cao nhất của bản thân. Chính những suy nghĩ này đã xui khiến chúng ta không ngừng đốc thúc bản thân làm việc đơn độc để trở nên cá nhân xuất sắc giữa xã hội.
Đó cũng là lý do vì sao nhiều người căng thẳng khi làm việc, họ co mình lại, tách khỏi đồng nghiệp để hoàn thành công việc. Đó cũng là một trong những lý do có nhiều sinh viên đại học áp lực và căng thẳng trong học tập xa lánh bạn bè, “ẩn nấp” vào trong một góc thư viện, “nốc” nhiều cà phê thuốc chống trầm cảm. Họ đã bỏ lỡ một điều giúp họ thành công và vươn xa hơn, đó chính là cộng đồng!
Vì vậy sau một thập kỷ nghiên cứu kết hợp khoa học thần kinh, tâm lý và phân tích kết nối xã hội để định hình lĩnh vực mới là nghiên cứu hệ thống tiềm năng, Shawn Achor khẳng định rõ ràng một điều: Đừng đi nhanh một mình, hãy lớn mạnh cùng nhau.
Bạn có thể là siêu sao, nhưng không thể là siêu sao một mình
Edison là một ví dụ hoàn hảo nhất cho việc chúng ta hoàn toàn có thể đạt được thành tựu lớn khi tiềm năng được kết nối với nhau. Edison được mệnh danh là thiên tài – một người có nhiều phát minh nhất lịch sử với 1900 bằng sáng chế. Xã hội từ xưa đến nay đều đề cao những cá nhân xuất chúng, vĩ đại, vượt ra ngoài tầm với, nhưng liệu họ có thực sự là những bước chân cô độc bước vào căn phòng và bước ra với những phát kiến “rung chuyển” thế giới?
Các nhà sử học vẫn đang ra sức xác minh liệu trong 1900 bằng sáng chế của Edison, có cái nào là của ông tự nghĩ ra hay không? Và sự thực là các phát minh của ông được tạo ra trong những lần ông làm việc chung với những người cộng sự của mình. Edison đã trở thành một trong những nhà phát minh quan trọng nhất mọi thời đại bởi vì ông đã giúp nhóm của mình trở nên sáng tạo hơn, ông khai thác toàn bộ sức mạnh của hệ sinh thái của mình. Đó chính là Tiềm Năng Lớn.
Với mong muốn nâng cao tiềm năng theo cấp số nhân, tác giả Shawn Achor của cuốn sách Tiềm năng lớn đã dành 3 năm để tìm cách tiếp cận với nền tảng của Tiềm Năng Lớn dựa trên những nghiên cứu khoa học này và trong công việc thực tế của ông ở NASA, giải bóng bầu dục quốc gia Mỹ NFL và Nhà Trắng. Đồng thời ông cũng đàm luận với những người thành công đang sống theo nguyên tắc của Tiềm Năng Lớn như Will Smith, Oprah Winfrey, Michael Strahan.
Bằng cách đan cài những câu chuyện kể thực tế, những ví dụ trong quá trình nghiên cứu, quyển sách Tiềm năng lớn của Shawn Achor luôn kết thúc câu chuyện bằng những bài học, giúp người đọc tìm thấy sức mạnh của tiềm năng lớn. Từ những quan sát, nghiên cứu trong đời sống, ông đã đưa ra 5 chiến lược mà ông gọi là 5 hạt giống của Tiềm Năng Lớn. BAO QUANH chính bạn bằng những người có ảnh hưởng tích cực. Giúp đỡ người khác lãnh đạo ở mọi vị trí để MỞ RỘNG sức mạnh của bạn. Trở thành lăng kính khen ngợi để TĂNG CƯỜNG nguồn lực của bạn. PHÒNG VỆ hệ thống trước các nguồn công kích tiêu cực. Và tạo ra vòng lặp tích cực để DUY TRÌ thành quả.
Những hạt giống là hình ảnh ẩn dụ hoàn hảo cho nghiên cứu này. Bởi vì mỗi hạt giống không thể tự mình lớn lên nếu không có sự giúp đỡ của mặt trời, đất và nước. Tương tự, bạn có thể phát triển tiềm năng của bản thân, nhưng không thể phát triển nó trong đơn độc. Bạn chỉ có thể đạt được sự phát triển lớn nhất khi thực sự liên kết và hòa vào tiềm năng của những người xung quanh.
“Tiềm Năng Lớn là đạt được lợi thế cạnh tranh không phải bằng cách hạn chế khả năng thành công của người khác, mà bằng cách nâng cao khả năng đó lên”- Shawn Achor.