Ảnh: TL
Thú chơi sách phiên bản đặc biệt
Năm 2019, đơn vị làm sách Đông A tung ra thị trường bản đặc biệt tiểu thuyết Anh Em Nhà Karamazov, mở đầu phong trào chơi sách này. Cuốn sách ngay lập tức được người chơi sách cả nước biết đến nhờ các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Có thể xem đây là quyển sách khơi lại một thú chơi đẹp đã có từ trước năm 1975 bị gián đoạn sau thời gian khá dài, mặc dù quyển sách phiên bản đặc biệt đầu tiên đã xuất hiện vào giữa năm 2015, cuốn Văn Mới 5 Năm Đầu Thế Kỷ, cũng do Đông A thực hiện. Phiên bản đặc biệt có bìa cứng, ruột in trên giấy conqueror (giấy mỹ thuật cao cấp) được đánh số từ 001 đến 100, mỗi cuốn đều có chữ ký của 39 nhà văn góp mặt trong sách.
Thú chơi mới nổi
Tiếp nối thành công của Văn Mới 5 Năm Đầu Thế Kỷ, Đông A làm thêm nhiều bản đặc biệt với tác phẩm của các nhà văn Bùi Ngọc Tấn, Hồ Anh Thái, Hòa Vang... nhưng không thành công bằng. Ông Trần Đại Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A, lý giải: “Một phần có thể do chưa đúng thời điểm: sách bản đặc biệt có giá khá cao so với ấn bản thông thường, đối tượng quan tâm đến sách bản đặc biệt là những người chơi sách khắp nơi, khi đó mạng xã hội chưa phát triển mạnh nên sách không tiếp cận được người quan tâm thật sự”.
Ảnh:TL |
Theo nhà sưu tập sách Vũ Hà Tuệ, sách phiên bản đặc biệt cần đáp ứng một số tiêu chí. Thứ nhất, ấn bản phải có mức độ đầu tư cao hơn hẳn ấn bản thông thường về mỹ thuật, chất lượng giấy, hình ảnh. Nếu có thêm chữ ký của tác giả/dịch giả thì càng độc đáo. Thứ 2, số lượng phát hành giới hạn thấp. Và cuối cùng là gắn liền với một sự kiện đặc biệt nào đó. Hiện tại, trên thị trường, có 2 phiên bản sách đặc biệt với số lượng giới hạn là S100 (100 cuốn) và S500 (500 cuốn).
Sau thành công của ấn bản đặc biệt Anh Em Nhà Karamazov, Đông A “thừa thắng xông lên” với nhiều ấn bản đặc biệt (S100 và S500) khác như Kiêu Hãnh Và Định Kiến, Hán Sở Diễn Nghĩa, Những Ngôi Sao Eger, Những Cuốn Sách Thay Đổi Lịch Sử, Khát Vọng Sống, gần đây nhất là đầu sách từ tủ sách Đông Dương - Một Chiến Dịch Ở Bắc Kỳ. Thành công nhất phải kể đến bản sách Bố Già với 12 bức tranh vẽ Bố già của các họa sĩ Việt, nhân kỷ niệm 50 năm quyển tiểu thuyết ra đời.
Mặc dù thị trường nhỏ nhưng cuộc chơi sách đặc biệt lại khá sôi nổi. Nhiều đơn vị làm sách nhận thấy xu hướng này đã nhanh chóng lao vào cuộc chơi. Mỗi năm, trung bình các đơn vị làm sách “quen tay” có thể tung ra thị trường từ 10-12 bản sách đặc biệt cho một số đầu sách. Các đơn vị nhỏ hơn thì tung 1-2 bản.
Nhã Nam, bên cạnh ấn bản đặc biệt của Nghệ thuật Huế (L’Art à Huế) thì tập trung đầu tư vào tác phẩm văn học Việt Nam kinh điển như Chân Trời Cũ, Nắng Trong Vườn, Bốn Mươi Năm Nói Láo, Gió Đầu Mùa, Bỉ Vỏ, Tố Tâm... Thái Hà Books tung độc bản Nghệ Thuật Và Nghệ Nhân Vùng Kinh Thành Huế do họa sĩ Phan Hải Bằng tạo hình bằng giấy trúc chỉ. Omega+ có bản đặc biệt mạ vàng các cuốn Leonardo Da Vinci, Napoleon Đại Đế…
Sách đặc biệt để làm thương hiệu
Chia sẻ về tiêu chí chọn một quyển sách để làm phiên bản đặc biệt, ông Trần Đại Thắng cho biết: “Đó phải là những cuốn sách, những tác phẩm cổ điển hoặc kinh điển trong các lĩnh vực, được yêu mến và đã khẳng định được vị trí trong lòng người đọc. Hoặc những tác phẩm mới nhưng phải có nội dung thật sự xuất sắc. Tiếp đó, cuốn sách phải có minh họa hoặc phụ bản tranh hoặc ảnh. Bởi vì chúng tôi muốn đưa đến tay người đọc những cuốn sách không những để đọc, mà còn để trưng bày, ngắm nhìn”.
Chính bởi vậy nên đang xuất hiện tình trạng các đơn vị làm sách giẫm chân lên nhau trong việc khai thác bản quyền cũng như phiên bản đặc biệt một số đầu sách, điển hình là cuốn Một Chiến Dịch Ở Bắc Kỳ của Charles-Édouard Hocquard, được cả 3 đơn vị làm sách gồm Đông A, Omega+ và Nhã Nam phát hành.
Ở khía cạnh kinh doanh, biên tập viên Đạt Nhân nhận định: “Có thể cho rằng việc cả 3 đơn vị làm sách cùng khai thác bản quyền một quyển sách sẽ làm hao tổn tài nguyên. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực, độc giả sẽ có thêm nhiều lựa chọn. Tôi tin thị trường sẽ có cơ chế chọn lọc của nó, sản phẩm nào tốt sẽ được đón nhận. Mặt khác, các dòng sách nghiên cứu, lịch sử thường chỉ phát hành tối đa từ 1.000-2.000 bản. Nhưng nếu 3 đơn vị cùng làm, đồng nghĩa số bản in sẽ nhiều hơn. Đó cũng là một khía cạnh vô cùng tích cực”.
Nhiều nhà chơi sách, sưu tầm sách khẳng định, việc tung ra các ấn bản sách đặc biệt chủ yếu để đơn vị xuất bản làm thương hiệu bởi nếu chăm chút công phu thì rất khó để có lãi. Ông Trần Đại Thắng cũng thừa nhận: “Đây là một cuộc chơi, một sự khám phá hơn là câu chuyện kinh doanh để tính toán lợi nhuận”.
“Thật sự có những cuốn sách chi phí sản xuất còn lớn hơn số tiền thu về. Ví dụ, cuốn Bố già S500, nhận đặt trước với giá 500.000 đồng nhưng chi phí sản xuất thực tế lớn hơn rất nhiều. Hoặc cuốn Thiên Hoàng Minh Trị phải thu hồi chỉ vì một lỗi nhỏ về hình thức. Vừa phải làm lại ấn bản khác chất lượng hơn, vừa tặng thêm một cuốn Số Đỏ bản S500, rồi đổi trả... nên sự thiệt hại cũng tương đối”, ông Thắng chia sẻ.
Mặc dù vậy, thị trường này hiện nay còn rất nhiều tiềm năng khai thác và cực kỳ sôi nổi. Mỗi đợt mở bán phiên bản sách đặc biệt thường diễn ra theo hình thức đặt trước qua các trang thương mại điện tử và thường mất chưa tới 30 giây đến 1 phút đã hết vèo. Nhiều hội, nhóm chơi sách phiên bản đặc biệt ra đời để chia sẻ niềm vui của thú chơi đặc biệt này hoặc chỉ để săn lùng bản sách đặc biệt rồi bán sang tay ngay sau khi đặt hàng thành công với giá cao hơn gấp 3-5 lần.
Sự ồ ạt của các đơn vị khi nhảy vào khai thác ấn bản đặc biệt cũng khiến không ít nhà sưu tầm sách quan tâm, bởi thực tế cho thấy, không phải cuốn sách nào dán nhãn đặc biệt cũng... đặc biệt. Chúng được giữ nguyên ruột sách, thay bìa mềm bằng bìa cứng và đánh số, dán nhãn. Nếu không cẩn thận, người chơi sách sẽ dễ bị lừa.