Thế giới mới tươi đẹp
Aldous Huxley (1894-1963) sinh ra tại Surrey, Anh, trong gia đình quý tộc. Ông là triết gia nhân văn chủ nghĩa, hòa bình chủ nghĩa và là cây bút châm biếm có tiếng của thế giới. Ông được coi là một trong những trí thức kiệt xuất nhất của thời đại. Tốt nghiệp ngành văn chương Anh tại Balliol College, Oxford nhưng trước đó, Huxley hoàn thành quyển tiểu thuyết đầu tiên khi mới 17 tuổi dù không xuất bản và nghiêm túc theo nghiệp viết từ những năm đầu của lứa tuổi 20. Năm 1962, Hội Văn học Hoàng gia Anh (RSL) trao tặng ông danh hiệu cao quý Companion of Literature.
Aldous Huxley viết nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ và tiểu luận... nhưng Thế Giới Mới Tươi Đẹp, cuốn tiểu thuyết thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, được xem là tác phẩm đỉnh cao của ông. Lấy bối cảnh London vào năm A.F.632, tương đương năm 2540, tác giả dẫn người đọc vào một thế giới của một nhân loại mới, nơi loài người được làm lại hoàn toàn bằng công nghệ. Khác với việc sinh ra, lớn lên và phấn đấu để xác lập vị thế trong xã hội như thông thường, trong thế giới của Aldous Huxley, “sản phẩm” người được tạo ra bằng công nghệ và quan hệ thể xác chỉ để thỏa mãn nhu cầu khoái lạc của bản thân.
Ngay từ khi được tạo ra bằng công nghệ, con người đã được chia thành 5 loại ở 5 đẳng cấp theo thứ tự từ cao xuống thấp theo các chữ cái Hy Lạp: Alpha, Beta, Gamma, Delta và Epsilon. Tương ứng với mỗi đẳng cấp, những “sản phẩm” người sẽ được đào luyện theo khung chuẩn, nhằm xây dựng thành một thế giới trật tự. Đó là một thế giới toàn cầu, nơi không có cạnh tranh, ai làm việc nấy, không có phấn đấu, cũng chẳng có những lo lắng, khổ đau. Cơ sở vật chất xã hội thừa mứa đến mức mọi người không cần lo cái ăn, cái mặc. Mỗi khi có những cảm xúc tiêu cực, ngay lập tức họ được “bơm” những liều soma (ma túy) cho quên đi những muộn phiền. Một thế giới như thế, liệu có mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người?
Câu trả lời là không. Bằng một giọng văn nhiễu nhại hết sức tỉnh táo, Aldous Huxley lần giở từng góc cạnh của thế giới hoàn hảo kia để mang cho người đọc đến thực tế. Một xã hội hoàn chỉnh như thế không thể là thật nhưng cái thực tại ảo mà nó phác họa ra lại khiến người đọc giật mình. Chẳng phải chúng ta cũng đang dốc sức sản xuất điên cuồng để vật chất thừa mứa? Và chúng ta cũng đang cố gắng dùng những tiến bộ khoa học để tối giản sự tham gia của con người vào các hoạt động, nhường chỗ cho máy móc?
Như một cú đập thẳng cánh, sự thật về tham vọng của con người qua câu chuyện hài hước mà Aldous Huxley dựng nên khiến người đọc sẽ phải nhìn lại chính đời sống bản thân rồi tìm ra cách điều chỉnh nó. Cười đó, nhưng lại xót xa đó. Bởi nếu đối chiếu với đời sống hiện đại, những điều tác giả đề cập, từ những năm 1930, hình như đã và đang hiện diện ở đâu đó. Nếu không tiết chế, thế giới mà chúng ta đang vận hành sẽ đi đến những kết quả tương tự diễn tiến trong tưởng tượng của văn tài kiệt xuất này