
Tái bản hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Omega+ và NXB Chính trị quốc gia Sự thật hợp tác xuất bản lần thứ 2 hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình.
Đây là cuốn sách tái hiện cuộc đời của bà Nguyễn Thị Bình, nhân chứng sống đã tham gia, chứng kiến những chuyển biến thăng trầm của lịch sử, từ thời thơ ấu cho đến khi tham gia hoạt động cách mạng, những dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và cả khi đã nghỉ hưu, như bà đã chọn một đầu đề thật giản dị: “Gia đình, bạn bè và đất nước”.
Cuốn sách được bà Nguyễn Thị Bình bắt tay viết từ năm 2007, hoàn thành vào cuối năm 2009 và được bổ sung, chỉnh sửa qua các năm 2013, 2014, 2023. Từng trang hồi ký được thể hiện bằng ngôn từ giản dị, sâu lắng, toát lên được tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm, tấm lòng vì nước vì dân của bà.
Nhà văn Nguyên Ngọc từng viết về bà như sau: “Có lẽ bà là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất trên thế giới, từ những người dân thường cho đến các nguyên thủ quốc gia nổi tiếng và thuộc nhiều chế độ chính trị khác nhau. Những năm tháng ấy, bà có mặt ở hầu khắp hành tinh, và thật lạ, thật đẹp, hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin... Bà đem bạn bè về cho dân tộc. Và đấy là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định thắng lợi kỳ lạ của Việt Nam trong thế kỷ qua”.
Cuộc đời bà Nguyễn Thị Bình gắn chặt với những sự kiện lịch sử quan trọng của Việt Nam trong suốt thế kỷ XX. Đó là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975) giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước hòa bình, tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới. Trong lịch sử ngoại giao thế giới, Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc hội đàm kéo dài ngày nhất, ròng rã 4 năm, từ năm 1968 đến năm 1973. Hội nghị có 4 trưởng đoàn, trong đó có duy nhất một nữ trưởng đoàn - bà Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam.
Đặc biệt, với dấu mốc 30/4, bà Bình xem ngày này không chỉ là điểm kết của chiến tranh, mà là điểm khởi đầu cho hành trình của hòa bình và đoàn kết dân tộc. Phía trước còn là cả một chặng đường dài để hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước. Đó là trách nhiệm của không chỉ thế hệ bà mà còn là của các thế hệ tiếp theo.
Di sản mà bà Bình để lại không nằm trong các chức vụ hay danh hiệu mà nằm ở tinh thần can đảm, quyết liệt, ở cách bà sống nhẹ nhàng, giản dị, tinh tế và cách bà lan tỏa điều đó đến nhiều người, trong đó có rất nhiều người trẻ hiện nay.