Sự thật về giác ngộ
Hàng ngàn năm qua, người ta đã thêu dệt lên quanh 2 chữ “Giác ngộ” biết bao câu chuyện huyền bí, thường đượm màu tôn giáo, đến mức chúng ta thường nghĩ rằng giác ngộ là thành tựu của những vị cao tăng kỳ hình dị tướng nào đó, đã cắt đứt duyên trần, nhiều năm tu luyện cực khổ, có những quyền năng siêu phàm và tiếc thay, đều đã mất cách đây hàng ngàn năm...
Tác giả Sự Thực Về Giác Ngộ là Adyashanti (sinh năm 1962), một thiền sư người Mỹ, theo dòng thiền Advaita Vedanta (Bất Nhị) của Ấn Độ. Ông đã có trải nghiệm thức tỉnh tâm linh lần đầu tiên năm 25 tuổi và 6 năm sau thì đạt tới trạng thái giác ngộ hoàn toàn.
Cuốn sách này tập hợp nguyên văn những bài giảng pháp của Adyashanti, trả lời thẳng thắn, trực diện mọi thắc mắc về giác ngộ (còn gọi là thức tỉnh tâm linh) như Khám phá cuộc sống sau khi thức tỉnh, Chúng ta đến Niết Bàn qua nẻo luân hồi,
Những ảo tưởng, cái bẫy và điểm bám chấp thường gặp, Phần năng lượng của sự thức tỉnh, Khi sự thức tỉnh thâm nhập vào tâm trí, tim và ruột, Nỗ lực hay ân phúc... Chương cuối là cuộc phỏng vấn Adyashanti về trải nghiệm thức tỉnh của cá nhân ông đã diễn ra như thế nào.
Cuốn sách nhẹ nhàng cởi bỏ mọi hiểu nhầm, nghi hoặc, ảo tưởng trong ta, đưa đến một nhận thức sáng tỏ, trong vắt, tựa như một sớm mai nhìn vào gương và nhận ra “Ồ, ra đây là con người chân thật của mình”. Cuốn sách này được viết cho những người đã có ít nhiều chứng ngộ (có trải nghiệm thức tỉnh tâm linh).
Nó là cẩm nang hướng dẫn thiết thực, hữu ích, đưa ra những chỉ dấu về thức tỉnh tâm linh, cảnh báo về những hẫng hụt, gian nan có thể gặp ngay cả sau khi có trải nghiệm thức tỉnh và làm thế nào để vượt qua. Adyashanti cũng chỉ ra hiểu nhầm nghiêm trọng trong việc đánh đồng sự thức tỉnh với cảm giác hạnh phúc vĩnh cửu hoặc quyền năng thần bí.
Ông viết: “Chúng ta phải từ bỏ việc tìm kiếm trạng thái cảm xúc tích cực qua thực hành tâm linh. Con đường thức tỉnh không phải là nhằm có cảm xúc tích cực. Ngược lại, giác ngộ có thể không dễ dàng hay tích cực chút nào. Thật không dễ dàng khi nhìn những ảo tưởng của chúng ta bị nghiền nát, không dễ dàng để buông bỏ những nhận thức ôm giữ từ lâu. Chúng ta có thể gặp phải sự kháng cự lớn để nhìn qua được ngay cả những ảo tưởng gây cho ta vô vàn đau đớn...”.
Với người mới chỉ quan tâm hoặc vừa bước những bước đầu tiên trên con đường tâm linh, Sự Thực Về Giác Ngộ cũng không khó đọc vì cách diễn đạt rất giản dị, thấu suốt và điều tuyệt vời nhất, nó mở ra cho chúng ta khả năng giác ngộ ngay trong cuộc đời này. Nói như Adyashanti: “Đây không phải là hành trình để trở thành một cái gì đó. Hành trình này là để mình không bị biến thành người không phải là mình, để không lừa dối chính mình.
Cuối cùng, nó khá là châm biếm. Rốt cuộc, chẳng đâu khác, nơi chúng ta đi tới lại chính là nơi ta vẫn thường ở đó, ngoại trừ việc chúng ta nhận thức về nó theo cách hoàn toàn khác. Chúng ta nhận ra rằng thiên đường mà mọi người đang tìm kiếm lại là nơi mình vẫn hằng có mặt... Và vì vậy, một trong những bước quan trọng nhất là phải hòa hợp với cuộc sống để bạn không quay lưng lại với chính mình theo bất cứ cách nào. Và điều kỳ diệu là, khi không còn quay lưng với chính mình nữa, chúng ta sẽ tìm ra nguồn năng lượng lớn lao, khả năng thông tuệ tuyệt vời và chúng ta bắt đầu thấy mọi thứ cần phải thấy.