Sự kết thúc của thời đại giả kim
Thuật giả kim được hiểu rộng rãi là phương thức thần bí biến cát thành vàng mà mọi “pháp sư” đã từng dành cả đời để tìm kiếm một thời. Phương thức đó như thế nào, cho đến nay không chắc ai đó đã tìm ra. Nhưng còn thuật giả kim trong “Sự kết thúc của thời đại giả kim” lại bàn đến một “phép màu” khác: Khả năng biến giấy (tiền giấy) thành vàng (tài sản thực sự).
Phép giả kim này thực hiện được nhờ có hai yếu tố:
-
Con người sử dụng tiền giấy như một giá trị trung gian để trao đổi hàng hóa.
-
Hệ thống các ngân hàng, nơi các giao dịch tiền – tiền được hình thành và từ đó xây dựng nên thị trường tài chính.
Nhưng, rủi thay, “phép giả kim tài chính” không chỉ mang đến sự thuận tiện và thịnh vượng mà còn mang đến các cuộc khủng hoảng.
Có thể Chúa đã tạo ra vũ trụ, nhưng chính người trần chúng ta đã tạo nên tiền giấy và những ngân hàng mạo hiểm. Chúng là những thiết chế nhân tạo, là nguồn gốc cho sự sáng tạo, thịnh vượng và phát triển về vật chất, nhưng chúng cũng sinh ra sự tham lam, nạn tham nhũng và khủng hoảng. Chúng ảnh hưởng đến cuộc sống vật chất con người theo cả hướng tốt và xấu.
“Sự kết thúc của thời đại giả kim” xem xét những câu hỏi lớn được đặt ra trước tần suất khủng hoảng dày đặc của hệ thống tiền tệ và ngân hàng. Tại sao chúng xảy ra? Tại sao chúng lại gây ra những tổn thất về công việc và năng suất nặng nề đến thế? Chúng ta phải làm gì để ngăn chặn chúng? Cuốn sách này cũng sẽ tìm hiểu những ý tưởng mới có thể dẫn đến những câu trả lời.
Tại sao tiền tệ và ngân hàng, những nhà giả kim của kinh tế thị trường, lại trở thành gót chân Achilles của cơ chế này? Mục đích của cuốn sách “Sự kết thúc của thời đại giả kim” chính là để trả lời câu hỏi ấy. Nó sẽ giải thích tại sao những thất bại kinh tế của nền kinh tế tư bản hiện đại bắt nguồn từ hệ thống tiền tệ và ngân hàng, hậu quả của chúng với nền kinh tế nói chung và cách chúng ta có thể chấm dứt giấc mộng giả kim này.
Cuốn sách làm rõ những nguyên nhân cơ bản của cuộc khủng hoảng và việc nền kinh tế thế giới đã trở nên mất cân bằng như thế nào; tiền tệ xuất hiện trong những hệ thống xã hội xưa kia ra sao và vai trò của nó hiện nay; tại sao việc các ngân hàng đóng vai trò làm nguồn tiền chính lại trực tiếp dẫn đến sự mong manh của hệ thống tài chính; tại sao các ngân hàng trung ương cần thay đổi cách ứng phó với khủng hoảng; tại sao chính trị và tiền tệ lại luôn song hành; tại sao thế giới có lẽ sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác trừ khi các nước áp dụng những chính sách khác nhau; và quan trọng nhất là làm thế nào chúng ta có thể chấm dứt mộng giả kim trong hệ thống tiền tệ và ngân hàng hiện đại.
Tác giả Mervyn King sinh năm 1948, là một nhà kinh tế học người Anh, từng giữ chức Thống đốc Ngân hàng Anh trong suốt 10 năm. Trong giai đoạn này, ông đã gớp phần lèo lái nền tài chính của Anh vượt qua giai đoạn khủng hoảng 2007-2008 và cuộc Đại suy thoái toàn cầu năm 2009. Sau khi về hưu, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư Kinh tế và Luật của Trường Kinh doanh và Trường Luật thuộc Đại học New York.
Tác giả Mervyn King chính là một trong những người đầu tiên cảm nhận về vấn đề trầm kha của hệ thống tiền tệ và tài chính hiện hữu.