Bình Yên Thứ Ba | 22/05/2018 10:02

Sống chậm trong kỷ nguyên tăng tốc

Cảm Ơn Vì Đến Trễ là tác phẩm tham vọng của Thomas L. Friedman: viết nên một tác phẩm hàm chứa những chỉ dẫn thiết yếu của hiện tại và tương lai.

Sách của người tu

HYGGE: Hạnh phúc như người Đan Mạch


Được viết bằng ngòi bút đầy sức sống, trí tuệ và sự lạc quan đặc trưng, Cảm Ơn Vì Đến Trễ là tác phẩm tham vọng nhất của Thomas L. Friedman: viết nên một tác phẩm hàm chứa những chỉ dẫn thiết yếu của hiện tại và tương lai.

Ba lần đoạt giải Pulitzer, Thomas L. Friedman là một cái tên lớn của ngành xuất bản quốc tế. Mỗi lần ra mắt, tác phẩm của ông, như Từ Beirut Tới Jerusalem; Chiếc Lexus Và Cây Ô Liu; Thế Giới Phẳng... đều gây chấn động. Từ Beirut Tới Jerusalem đạt Giải thưởng Sách quốc gia và Giải thưởng Overseas Press Club của Mỹ. Những tác phẩm còn lại, đều đạt giải Sách hay nhất năm do Finalcial Times/Goldman Sách Business bình chọn.

Cảm Ơn Vì Đến Trễ là cuốn sách thứ 7 và theo lời tác giả, có thể cũng là cuốn sách cuối cùng của ông. Đây là tác phẩm được đánh giá là không giống bất kỳ tác phẩm nào ông từng viết. Bởi, không còn quan tâm đến những vấn đề lớn lao như tóm lược lịch sử thế kỷ XX hay cách mạng xanh.

Thomas L. Friedman nhìn và tìm hiểu những điều đang thay đổi đời sống con người. Luận đề của Friedman dựa trên 3 yếu tố lớn nhất, đang tác động vào cả hành tinh này, bao gồm:  công nghệ, kinh doanh toàn cầu hóa và quan trọng hơn cả là biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học. Theo Friedman, cả 3 yếu tố này đang tăng tốc cùng lúc, dẫn đến những thay đổi về nơi làm việc, chính trị, địa chính trị, đạo đức và cộng đồng.

Song cham trong  ky nguyen tang toc
 

Bằng nghiệp vụ của mình, tác giả tiếp cận với những chuyên gia đầu ngành ở cả 3 lĩnh vực, lắng nghe những chia sẻ, lý giải của họ rồi từ đó, mang đến cho người đọc một thực tế không thể chối cãi: chúng ta đang bị cuốn vào vòng xoáy của kỷ nguyên tăng tốc. Ở đó, với sự hỗ trợ của công nghệ, ai cũng nhiều việc hơn, bận rộn hơn chính mình ngày xưa.

Câu quen thuộc và dường như, đã được chấp nhận là: “Tôi bận quá”. Hay “Xin lỗi, tôi trễ là vì....”. Không còn tôn vinh câu chuyện “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, con người ngày càng giỏi hơn, tiến đến sự đa nhiệm. Nghĩa là có thể đảm đương nhiều việc cùng một lúc. Rất nhiều người quan niệm, làm được điều đó, tất nhiên là tốt! Nhưng, có đúng vậy không?

Trả lời câu hỏi này, Friedman có một phép so sánh khá thú vị. Thử tưởng tượng, từ việc quen cưỡi xe đạp hằng ngày, đời sống của chúng ta đột nhiên tăng tốc 200 km/giờ bằng một chiếc xe phân khối lớn, cảm giác rõ ràng là vô cùng thích thú. Nhưng, cảm giác ấy chỉ đến với những lần tăng tốc đầu tiên. Nếu nó duy trì vận tốc ấy mãi, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác. Căng mình liên tục trước cuộc sống, cảm giác khi ấy, liệu sẽ là gì ngoài quá tải?

Sau những thực tế chát chúa về cuộc sống hiện đại, với trí tuệ nhân tạo, với internet vạn vật, với hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu..., Tạm Dừng là thông điệp lớn nhất mà Friedman mang đến với người đọc. Chúng ta đang tạo nhiều thông tin và kiến thức hơn bao giờ hết nhưng kiến thức chỉ hữu ích khi chúng ta có thời gian suy ngẫm về chúng. Khi tạm dừng, chúng ta không chỉ nâng cao kiến thức mà khả năng xây dựng lòng tin với mọi người cũng được cải thiện.

Chưa bao giờ, Friedman đanh thép với những thông điệp về cuộc sống như bây giờ. Ngòi bút ấy đưa ra một khẳng định trái hẳn với xu hướng của thời đại: làm việc đến kiệt sức không bao giờ là một chiến công và khả năng chịu đựng căng thẳng không thể nào là một phẩm hạnh của con người. Có lẽ, vì điều này mà tờ Washington Post không ngần ngại dành cho tác phẩm của Thomas L. Friedman những lời có cánh: “Chúng ta cần Friedman, ông là một thông dịch viên quan trọng của thế giới khó hiểu mà chúng ta đang sống sót”.