Ảnh: Hoàng Linh Lan
Sách về Đông Dương: Khơi nguồn tri thức quên lãng
Dịch sách về Đông Dương từ Pháp ngữ không mới nhưng trong 2 năm trở lại đây, dòng sách này được các đơn vị xuất bản tập trung khai thác quy mô và bài bản.
Những dấu ấn xuất bản
Omega+ là đơn vị tiên phong khai thác dòng sách về Đông Dương một cách quy mô và tập trung vào mảng lịch sử và văn hóa, khai thác kho tàng tư liệu và nghiên cứu về Việt Nam của người Pháp từ cuối thế kỷ XIX đến nay, dưới cái tên Tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn sử Việt. Kể từ khi công bố vào tháng 3.2019, Tủ sách Pháp ngữ của Omega+ đã có 16 đầu sách, gồm những tựa sách khái quát về Việt Nam như Xứ Đông Dương, Việt Nam qua tuần san Indochine 1941-1944, Hội kín xứ An Nam... và những tựa về danh nhân, nhân vật lịch sử như Vua Gia Long, Đề Thám, Phan Thanh Giản.
Tháng 11 năm nay, Omega+ sẽ triển khai giai đoạn 2 của Tủ sách Pháp ngữ. Theo chia sẻ từ phòng khai thác bản thảo, ở giai đoạn này, Omega+ sẽ tập trung khai thác sách biên khảo, nghiên cứu mới do các học giả đương đại viết, thay vì xuất bản quá nhiều những tài liệu du ký hay ghi chép tản mạn của người nước ngoài. Chủ đề sách cũng được mở rộng hơn: giáo dục thuộc địa và hậu thuộc địa, dân tộc học, dân tộc học tôn giáo, nhân vật - hồi ký, Việt Nam: Đô hộ thực dân và kháng chiến dân tộc...
Ảnh: Quý Hoà |
Đơn vị thứ 2 xác định tập trung vào dòng sách này là Đông A với Tủ sách Đông Dương, vừa khởi động vào tháng 6.2020. Sau cuốn sách mở đầu Một chiến dịch ở Bắc kỳ, Đông A đã xuất bản tiếp quyển sách ảnh Đông Dương xinh đẹp và kỳ vỹ, khổ lớn (38x27,5 cm). Đơn vị này còn ấp ủ nhiều đầu sách chưa công bố để làm đầy thêm tủ sách.
Các đơn vị xuất bản khác tuy không đặt mục tiêu tập trung thành tủ sách song cũng nhanh chóng gia nhập cuộc chơi sách Đông Dương và có nhiều tựa sách có giá trị như Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ (có 3 cuốn gồm Ký họa về Đông Dương Nam kỳ, Ký ức Đông Dương, Tranh dân gian Việt Nam), Thái Hà Books có cuốn Nghệ thuật & Nghệ nhân vùng kinh thành Huế, Alpha Books có Xứ Đông Dương...
Gần đây, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng có một số tựa sách đáng chú ý, tập trung vào ký họa như Hàng rong và tiếng rao Hà Nội, Ấn tượng Hà Nội - Từ ký họa những công trình thời Pháp, trước đó là Phố Cổ Hà Nội - Ký họa và hồi ức. Nhã Nam cũng có nhiều đầu sách Pháp ngữ, nhưng đáng tiếc đơn vị này chưa khai thác được những tựa sách riêng mà giẫm chân bản thảo với các đơn vị khác dù sở hữu bản dịch, hình thức và giá thành khác. Những đơn vị xuất bản như Nhà xuất bản Tri thức, Nhà xuất bản Tổng hợp, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Mai Ha Books... cũng có từ một đến vài đầu sách Pháp ngữ.
Lý giải nguyên nhân sách Đông Dương trở nên thu hút như vậy, ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Công ty Sách Omega+, cho biết: “Thể loại sách lịch sử và văn hóa vẫn có thị trường và được độc giả quan tâm chứ không phải mới xuất hiện nhu cầu trong 4-5 năm trở lại đây. Chỉ có điều, có thể trước đây, các đơn vị xuất bản cung cấp một khẩu vị nhàm chán, lặp đi lặp lại khiến người đọc không còn hứng thú nữa”.
Theo ông Đại, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này. Thứ nhất, một số đơn vị xuất bản thích và quen làm những thứ dễ dàng, tức là tái bản nhiều lần các công trình quen thuộc hàng chục năm. Nếu có thay đổi thì cũng chỉ đào xới lại sách cũ trước năm 1945, 1975 mà không có tìm tòi, khai thác mới. Thứ 2 là tính thời điểm. Nhiều vấn đề hay nhưng ở những năm trước, đơn vị làm sách không thể tiếp cận hoặc bị giới hạn.
Nhiều thử thách
Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, việc khai thác nguồn tư liệu Pháp ngữ từ sách Đông Dương không chỉ giúp thị trường xuất bản trở nên sôi động, mà còn góp phần không nhỏ vào việc phục dựng diện mạo lịch sử văn hóa Việt Nam một thời.
Đây cũng chính là mục tiêu chung mà các đơn vị xuất bản hướng đến. Ông Vũ Trọng Đại nhấn mạnh: “Việc công bố và xuất bản Tủ sách Pháp ngữ phải đem lại 2 tác động. Thứ nhất là thay đổi tư duy người đọc theo hướng tiếp cận tri thức đa chiều. Thứ 2 là tạo ra mối quan tâm khai thác kho tàng Pháp ngữ đồ sộ và hết sức giá trị mà bấy lâu nay bị bỏ ngỏ vì được cho là kén độc giả, khó triển khai, khó phát hành”.
Trung bình mỗi đầu sách được in khoảng 2.500 bản, chưa tính số lượng ấn bản đặc biệt. Mỗi đầu sách có giá dao động từ vài trăm đến trên 1 triệu đồng, tùy chất lượng in ấn. Chỉ cần sách được tái bản trong năm đầu xuất bản là đơn vị làm sách có thể có lãi. Mặc dù vậy, theo ông Đại, vẫn có những quyển sách giá trị nhưng không hợp thị hiếu độc giả đương thời, cho nên không phải cuốn nào thuộc Tủ sách Pháp ngữ cũng có thể bán tốt.
Thử thách lớn nhất trong công tác tổ chức xuất bản sách Đông Dương chính là xây dựng đội ngũ dịch giả Pháp ngữ, tổ chức bản thảo. Ông Trần Đại Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A, nhận xét: “Dịch giả không chỉ thành thạo ngôn ngữ mà còn cần có kiến thức tương ứng với đề tài cuốn sách dịch”.
Đó là lý do dù đã ấp ủ Tủ sách Đông Dương từ hơn 2 năm trước nhưng mãi đến khi tìm được dịch giả Đinh Khắc Phách cho cuốn Một chiến dịch ở Bắc kỳ, Đông A mới mạnh dạn công bố tủ sách này. Ông Vũ Trọng Đại hoàn toàn tán thành: “Trước thời điểm công bố tủ sách 3 năm, chúng tôi đã lên kế hoạch và tiến hành tổ chức các khâu khai thác tài liệu, tổ chức đội ngũ cộng tác viên và biên tập viên, dịch thuật và hiệu đính. Trung bình một cuốn sách của Omega+ mất 8 tháng cho việc dịch thuật”.
Tình trạng giẫm chân bản thảo của một số đơn vị xuất bản, mặc dù được nhìn nhận là mang đến nhiều lựa chọn cho người đọc, nhưng ở khía cạnh khác, được cho là lãng phí tài nguyên, đồng thời đặt nhiều dấu hỏi về việc cạnh tranh thiếu hệ thống và kém lành mạnh. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị xuất bản muốn tìm tòi, khai thác ấn phẩm mới thuộc mảng lịch sử, văn hóa, trong đó có sách Pháp ngữ nhưng không phải đơn vị nào cũng thực hiện được.
“Có thể họ biết về nhu cầu độc giả nhưng không đủ hiểu về mảng sách này. Hoặc họ biết nhưng không đủ quyết tâm để làm đến cùng. Cũng có thể họ đủ cả 2 điều trên nhưng không đủ năng lực tổ chức, triển khai”, ông Đại chia sẻ. Điều này khiến một số đầu sách mắc lỗi dịch thuật hoặc kém thu hút về hình thức, hoặc quảng bá kém nên không được nhiều độc giả biết đến.