Tiến sĩ Giản Tư Trung - Viện trưởng Viện Giáo dục IRED chia sẻ về quá trình dịch thuật bộ sách.
Ra mắt trọn bộ 45 quyển sách “Lịch Sử Văn Minh Thế Giới”
Vào sáng 7/4/2024, lần đầu tiên tại Việt Nam, trọn bộ 45 quyển sách "Lịch Sử Văn Minh Thế Giới" của Will & Ariel Durant được ra mắt độc giả trên toàn quốc. Tọa đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút gần 500 độc giả trên cả nước đến tham dự, đặc biệt là những độc giả quan tâm đến văn hóa, triết học, lịch sử, tôn giáo và văn minh nhân loại.
Bộ sách “Lịch sử Văn minh Thế giới / The Story of Civilization” được Viện IRED kỳ công mua bản quyền, tổ chức dịch thuật và chú giải trọn bộ bằng Tiếng Việt trong suốt 7 năm qua, nhằm giúp đông đảo độc giả Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận với các nền văn minh tiêu biểu trong lịch sử loài người.
Bộ sách “Lịch sử Văn minh Thế giới” của sử gia Will & Ariel Durant là “biên niên sử” đồ sộ về các nền văn minh trải dài trong suốt 2.500 năm lịch sử của nhân loại - là bộ sách về lịch sử các nền văn minh thành công nhất và phổ biến bậc nhất từ trước đến nay trên thế giới!
Để hoàn tất Bộ sách “Lịch sử Văn minh Thế giới” bao gồm 11 Phần này (mỗi phần trung bình gồm 3-6 Tập sách, tổng cộng gồm 45 tập), tác giả Will Durant & Ariel Durant đã dồn mọi tâm sức và làm việc miệt mài suốt gần nửa thế kỷ (từ năm 1929 đến năm 1975). Công trình truyền đời này đã dễ dàng đi vào lòng người đọc trên khắp thế giới và mang trong mình tính kinh điển & bất hủ của nó, bởi lẽ hiếm có ai dành trọn cuộc đời mình như ông bà Durant để làm ra bộ sách lịch sử văn minh đồ sộ như vậy. Tác giả bộ sách cũng đã được trao giải Pulitzer năm 1967 và được Tổng thống Gerald Ford trao huân chương cao quý nhất của Chính phủ Mỹ dành cho cá nhân, Huân chương Tự do của Tổng thống năm 1977. Và với bộ sách đồ sộ này, Will Durant đã nằm trong danh sách những sử gia vĩ đại của nhân loại.
Bộ “Lịch sử Văn minh Thế giới” đã thành công ngoài sức tưởng tượng, đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ, xuất bản ở nhiều nước trên thế giới và là bộ sách không thể thiếu trong vô số các Thư viện lớn nhỏ trên khắp toàn cầu, và cả trong các Tủ sách gia đình. Do đó, chúng ta có thể nói bộ “Lịch sử Văn minh Thế giới” này là một trong những bộ ghi chép về lịch sử văn minh thành công nhất và phổ biến đại chúng nhất từ trước đến nay.
Và nay, Bộ sách đã được Viện IRED hoàn tất việc mua bản quyền, tổ chức dịch thuật và chú giải trọn bộ bằng Tiếng Việt dành riêng cho độc giả Việt Nam để có thể cùng được trải nghiệm “biên niên sử” này của nhân loại. Có thể nói, việc dịch bộ sách này ra tiếng nước mình chính là mong muốn của nhiều quốc gia để góp phần giúp người dân nâng cao kiến thức và cảm thức về các nền văn minh quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại, từ đó rút ra bài học quý giá cho chính mình và cho cả dân tộc mình.
Tọa đàm lần này có sự tham gia của các diễn giả là tác giả, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa và giáo dục của Việt Nam như: Tiến sĩ Giản Tư Trung, Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, Dịch giả Phạm Viêm Phương và một số dịch giả đã cùng tham gia dịch Bộ sách này.
Trong không khí hân hoan của Tọa đàm, Tiến sĩ Giản Tư Trung - Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, đã bày tỏ cảm xúc đặc biệt dành cho những Bộ sách “Sống mãi với thời gian” này, rằng: “Rất hân hạnh và xúc động vì sau 7 năm miệt mài thì công trình dịch thuật đồ sộ này đã được ra đời một cách rất trọn vẹn. Có thể nói đây là công trình dịch thuật kỳ công nhất của Viện IRED cùng với các dịch giả và các nhà biên tập”.
Điều mà ông cảm thấy tâm đắc ở bộ sách này, trước hết, đó là, tác giả đã “nhìn sử bằng triết”. Bởi lẽ, trước khi là một sử gia lỗi lạc, Will Durant từng là triết gia (ông tốt nghiệp Tiến sĩ Triết học của MIT). Ông đã nhìn lịch sử bằng lăng kính của triết học, một lăng kính rất sâu và rất rộng về con người và nhân sinh.
Các diễn giả tại sự kiện. |
Cụ thể là, ông đã thể hiện một quan niệm tiến bộ và hài hòa về cách đọc và cách hiểu lịch sử, với đầy đủ các khía cạnh không chỉ bao gồm các cuộc chiến tranh, diễn biến chính trị, tiểu sử của những vĩ nhân hay những tội đồ, mà còn cả văn hóa, nghệ thuật, triết học, tôn giáo, và cả sự trỗi dậy của thông tin đại chúng. Qua pho sử này, ông đã tạo nên một thể loại mới mà chúng ta gọi là "Lịch sử tích hợp" (Integral history) nhằm thể hiện một cách sinh động nhất những gì đã góp phần vào việc hình thành, phát triển và cả sự suy tàn của các nền văn minh.
Điểm thứ 2, đó là tác giả đã “viết sử kiểu văn”. Với ngòi bút "kể chuyện" bậc thầy, ông đã viết lịch sử theo lối văn chương hấp dẫn, đọc lịch sử mà như thể đọc tiểu thuyết (dù những gì ông viết là sự thật lịch sử, chứ không phải hư cấu). Và có lẽ cũng vì chủ đích này mà ông đã đặt tên cho bộ sách là “Story of Civilization” (Câu chuyện văn minh), chứ không phải là “History of Civilization” (Lịch sử văn minh).
Và điểm đặc biệt là “hướng đến đại chúng” cho độc giả của bộ sách. Bởi ngay từ đầu, tác giả đã chủ đích viết bộ sách này cho công chúng, nhằm giúp mọi người có thể tiếp cận với các nền văn minh tiêu biểu trong lịch sử nhân loại, chứ không chỉ viết dành cho giới nghiên cứu hay giới học thuật như các pho sử truyền thống. Tư tưởng “đưa tinh hoa đến công chúng” này của tác giả cũng đã được thể hiện từ khá sớm.
Ngay từ tác phẩm đầu tay của mình là “Triết học và các vấn đề xã hội” (Philosophy and the Social Problem), ông tin rằng, triết học không chỉ là tri thức tháp ngà, mà còn là tri thức đời sống, do vậy cần dùng triết học để góp phần giải mã và giải quyết những vấn đề của xã hội và của nhân loại. Ngoài pho sử này, ông cũng là người tiên phong trong việc “đại chúng hóa triết học” nhằm phổ biến tri thức triết học cho mọi người như một tri thức phổ thông.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt chia sẻ về hành trình dịch thuật của tác phầm này: “Để hoàn thành công trình dịch thuật này quả thật là một sự "dũng cảm" rất lớn của Viện IRED cùng với các dịch giả uyên bác. Bởi công trình này quá hoành tráng, đồ sộ và cực kỳ "nặng ký" về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng đến cuối cùng, trọn bộ 45 quyển sách này đã được hiện hữu một cách bề thế, sang trọng và có giá trị vô cùng to lớn trước cộng đồng ngày hôm nay”.
Tiếp nối Tọa đàm, dưới góc nhìn của mình, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng bày tỏ sự cảm phục của mình đối với các dịch giả khi có thể miệt mài suốt 7 năm để dịch thuật trọn vẹn bộ sách này. Đồng thời, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng cũng mong muốn lan tỏa tinh thần đọc sách đến tất cả các độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ. Bởi vì đây là một bộ sách cực kỳ xứng đáng để đọc và khám phá.
Kết lại phần chia sẻ đến từ các diễn giả, dịch giả Phạm Viêm Phương chia sẻ những ấn tượng sâu sắc của ông về bộ sách trong quá trình dịch thuật, rằng: “Nếu ví von lịch sử từ xưa cổ của các triều đại như những dòng sông trôi chảy xuyên suốt, thì toàn bộ nền văn minh của nhân loại là hai bên bờ sông vẫn luôn trường tồn. Đó cũng là triết lý mà tác giả muốn gửi gắm trong tác phẩm và quan trọng hơn hết là lòng biết ơn của con người đối với nền văn minh của nhân loại”.
Một điểm đặc biệt nữa của bộ sách đồ sộ này mà các diễn giả rất tâm đắc, đó là, chúng ta không nhất thiết phải đọc từ đầu đến cuối theo thứ tự từng Phần hay từng Tập hay từng Chương của Bộ sách này, mà người đọc có thể dễ dàng chọn đọc để tìm hiểu bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, bất kỳ một vĩ nhân nào hay bất kỳ nền văn minh nào trong Bộ sách mà mình quan tâm, như thể đây một cuốn “Từ điển văn minh” để tra cứu với đầy những trải nghiệm mang lại cho chúng ta những hiểu biết cô đọng về các nền văn minh trải dài trong lịch sử nhân loại.
Hòa cùng sự hứng khởi với các diễn giả, các độc giả cũng mạnh dạn chia sẻ ý kiến và góc nhìn của mình khi đến với Tọa đàm. Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng không giấu khỏi cảm xúc hân hoan và niềm phấn khởi của mình khi chứng kiến bộ sách được ra mắt trọn vẹn và đây là sự kiện mà thôi thúc ông “phải tham gia cho bằng được” vì quá tuyệt vời. Ông đã luôn đặt câu hỏi với chính mình rằng “Làm sao mà dịch được một công trình đồ sộ như thế này”.