
Ra mắt sách ảnh tôn vinh thế hệ vàng phi công Việt Nam
108 Phi Công Chiến Đấu Việt Nam (108 Vietnamese Air Warriors) được in song ngữ, do tác giả Từ Phương Thảo (chủ biên) – con gái Đại tá phi công, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Từ Đễ thực hiện cùng nhiếp ảnh gia Ngô Nhật Hoàng trong suốt 9 năm. Sách ghi lại những ký ức sống động của Không quân Việt Nam qua chân dung 108 người lính bay quả cảm. Không chỉ là câu chuyện về các trận đánh lịch sử với những phi công tiêm kích, những người làm sách còn muốn lưu giữ tại đây những khuôn mặt thầm lặng của bầu trời: phi công đánh đêm, ném bom, phi công trực thăng, vận tải, những giáo viên bay, phi công trinh sát, phi công thử nghiệm... trong suốt cuộc chiến đối đầu với không quân Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam.
Tất cả hình ảnh các phi công lúc về hưu được thực hiện tại nhà riêng của các phi công và đơn vị nơi họ đã đóng quân. Sách còn lần đầu công bố nhiều hình ảnh tư liệu quý giá của các phi công thời trẻ. Ngoài dòng tự sự của các nhân vật, tác giả sử dụng những ghi chép, hồi ức từ đồng đội của họ.
![]() |
Những anh hùng phi công tại buổi giao lưu (từ trái qua): Đại tá Nguyễn Hùng Sơn ‘B’, Đại tá Nguyễn Anh Sơn, Điệp viên Hồ Duy Hùng, Đại tá AHLLVTND Từ Đễ. |
Sách có ban cố vấn gồm đại tá phi công MiG-21 Hà Quang Hưng, đại tá phi công MiG-17 Lê Ngọc Sơn, đại tá phi công MiG-17 Từ Đễ, cơ trưởng Nguyễn Nam Liên. Tác giả cho biết phần lớn nội dung do ban cố vấn cung cấp, chị chỉ góp nhặt, sắp xếp để cuốn sách được hoàn chỉnh.
Buổi giao lưu tại Nhà sách Cá Chép Võ Văn Tần ngày 26/4 vừa qua diễn ra trong không khí vừa gần gũi và xúc động. Bên cạnh 2 tác giả với phần dẫn dắt duyên dáng và hóm hỉnh của cơ trưởng Nguyễn Nam Liên – sáng lập trường Phi công Bay Việt, trực tiếp tổ chức huấn luyện và đào tạo hàng ngàn phi công; Đại tá AHLLVTND Từ Đễ - một trong số phi công chuyển loại thần tốc sang dòng máy bay Mỹ A-37 trong 5 ngày, và là người cắt loạt bom đầu tiên trong trận không kích sân bay Tân Sơn Nhất (28/4/1975), kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh; Đại tá Nguyễn Anh Sơn - người đã cùng tổ bay vượt qua vòng vây tầu chiến của Hải quân Trung Quốc, thả hàng (thuốc men, dụng cụ y tế, quần áo) cho bộ đội chiến sĩ đảo Sinh Tồn, góp phần cứu chữa thương binh; Đại tá Nguyễn Hùng Sơn ‘B’ - phi công tiêm kích MiG-19 đã bắn rơi 1 chiếc F-4 Mỹ trên bầu trời Yên Bái (8/5/1972) và là phi công bay trình diễn ném bom, bắn rocket trước các nhà lãnh đạo, làm tăng độ tin cậy của KQ cho cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc; Điệp viên Hồ Duy Hùng - "người từng tạo nên sự kiện chấn động khi “đánh cắp” máy bay trực thăng UH-1A, gây ra sự vụ “Tản thất quân dụng” rúng động một thời"; Ông Nguyễn Khắc Nhu - "Trợ lý tác chiến của Trung đoàn bộ binh 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2"...
Sách được giới thiệu vào những ngày tháng Tư lịch sử: Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, 50 năm chuyến bay lịch sử của Phi đội Quyết thắng dùng máy bay địch ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, tham gia trận đánh đảo Wai, 50 ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Nhiều phi công kỳ cựu như đại tá Hoàng Biểu, đại tá Từ Đễ, Vũ Đình Rạng, Nguyễn Khánh Duy, Phạm Phú Thái… đã chia sẻ những ký ức sống động về những trận không chiến lịch sử, đặc biệt là trong Chiến dịch “ Điện Biên phủ trên không” trên bầu trời Thủ đô cuối năm 1972.
![]() |
108 phi công chiến đấu Việt Nam – Bầu trời ghi nhớ tất cả |
Độc giả nhận diện 108 nhân vật có mặt trong tập sách không chỉ là các phi công tiêm kích huyền thoại như: anh hùng Nguyễn Văn Bảy, Vũ Ngọc Đỉnh, Phạm Tuân, Vũ Đình Rạng, Nguyễn Đức Soát… mà còn có các phi công bay đêm, ném bom, trực thăng, vận tải, trinh sát, thử nghiệm như đại tá Đỗ Thanh Hồng, Hồ Duy Hùng, Âu Văn Hùng, Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Văn Sửu… những người đóng góp thầm lặng vào chiến thắng của bộ đội Không quân Việt Nam.
Bạn đọc còn gặp các nhân vật đặc biệt khác, đó là các phi công huấn luyện, những người thầy của những người thầy nơi giảng đường trên mây, như đại tá Nguyễn Phương Anh, đại tá Nguyễn Thăng Thắng, đại tá, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Bộ, đại tá Nguyễn Văn Khuya…
Ngoài chân dung các anh hùng, sách còn trích lược một số thông tin từ sách của chính các phi công ngày trước, để diễn giải thuật ngữ như "bay đêm", "chiến tranh điện tử". Qua đó, sách bổ sung kiến thức, hình ảnh của các dòng máy bay, hoặc mô tả ngắn gọn về các cột mốc chiến thắng của bộ đội không quân.
Tác giả Từ Phương Thảo cho biết, con số 108 chỉ là đơn cử những gương mặt khác nhau ở những khía cạnh khác nhau của nghề phi công. Thực tế, số lượng nhân vật trong sách lên đến hơn 200. Cuốn sách như một bức tranh bằng hình sinh động, dễ xem và tương đối đầy đủ về Không quân Việt Nam thời kỳ chiến tranh.
Tác giả Từ Phương Thảo hiện đang ấp ủ thực hiện quyển sách thứ 2. Trước 108 Phi Công Chiến Đấu Việt Nam, Từ Phương Thảo từng là nhà sản xuất series phim Không quân “E910 – Giảng đường trên mây” (2017-2023) - phim tài liệu đầu tiên về các phi công và học viên bay Trung đoàn 910 Trường Sĩ quan Không quân.
Hiện tại Nhà sách Cá Chép vẫn đang diễn ra Triển lãm ảnh 12 Anh hùng Không quân và Ace (át chủ bài, bắn rơi từ 5 máy bay trở lên) gồm: Ace Nguyễn Văn Bảy, Ace Vũ Ngọc Đỉnh, Ace Nguyễn Đăng Kính, Ace Nguyễn Đức Soát, Ace Mai Văn Cương, Ace Lê Hải, Ace Lê Thanh Đạo, Ace Nguyễn Văn Cốc, Ace Phạm Thanh Ngân, Anh hùng LLVTND Trần Hanh, Anh hùng LLVTND Hồ Văn Quỳ và Anh hùng LLVTND Phạm Tuân.